Để thanh âm mã la mãi ngân vang

Gần 1 tháng qua, tại Trường THCS Nguyễn Du (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh), 30 học viên là học sinh, giáo viên, già làng, trưởng bản người dân tộc Raglai đã được các nghệ nhân truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ mã la. Lớp học là cơ hội để thế hệ trẻ người Raglai tiếp xúc, hiểu và biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Thêm yêu làn điệu mã la

Một ngày đầu tuần, tại Trường THCS Nguyễn Du, dưới tán cây rộng lớn, nghệ nhân Cao Điệp Phới (xã Cam Phước Đông) vừa gõ vào nhạc cụ mã la cầm trên tay, vừa hướng dẫn tỉ mỉ cho các học viên về cấu trúc và cách đánh mã la. Em Mấu Thị Bích (Trường THCS Nguyễn Du) cho biết: “Mã la không chỉ mang nét đẹp văn hóa, tâm hồn của đồng bào mà còn là niềm tự hào của người Raglai. Tuy nhiên, hiện nay, người biết đánh mã la lại rất ít, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhờ lớp học mà em biết được các làn điệu mã la của người Raglai, như: Ato ri wơ, at to ya, ato sa way, ato ca cu... Mỗi làn điệu đều mang một âm hưởng, ý nghĩa đối với người thưởng thức”.

Nghệ nhân Cao Điệp Phới (bìa trái) hướng dẫn học sinh và già làng cách đánh mã la.

Nghệ nhân Cao Điệp Phới (bìa trái) hướng dẫn học sinh và già làng cách đánh mã la.

Qua sự hướng dẫn của ông Phới, các học viên nhận thức được mã la là nhạc cụ đặc sắc nhất của người Raglai. Mã la đòi hỏi người trình diễn phải điều khiển bằng cơ bắp của hai bàn tay chứ không dùng dùi hoặc vật khác để gõ vào, điều khiển âm thanh bổng hay trầm, dài hay ngắn; còn đôi tai chú ý lắng nghe để phối âm, hòa âm và giữ nhịp với các thành viên khác trong bộ trình diễn.

Nghệ nhân Cao Điệp Phới cho biết, lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ mã la được khai giảng vào ngày 19-7, kéo dài đến hết ngày 19-8. Các học viên tham gia lớp học là già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức ngành Văn hóa - Thông tin, giáo viên các trường học. Ngoài ra, UBND TP. Cam Ranh còn tuyển chọn các học sinh dân tộc Raglai có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ, thành viên đội văn nghệ của xã để bồi dưỡng, truyền dạy nhằm giữ gìn, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Raglai. Theo ông Phới, các nhạc cụ của người Raglai, gồm: Chapi, Chalakelr, mã la, Ri dic, Aguat... Trong đó, nhạc cụ mã la có mối quan hệ mật thiết, gắn bó thường xuyên, lâu dài trong đời sống, lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Tuy nhiên, từ những thập niên cuối thế kỷ XX, tiếng vọng của làn điệu mã la dần mờ nhạt. Chính vì vậy, việc mở lớp truyền dạy cách sử dụng mã la cho thế hệ trẻ là một cách giáo dục cho con cháu thêm yêu tiếng mã la của tổ tiên mình.

Nghiên cứu đưa vào chương trình giáo dục ngoại khóa

Tại TP. Cam Ranh, đồng bào dân tộc Raglai phân bố chủ yếu ở 4 xã, phường: Cam Phước Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Phúc Nam và Cam Thành Nam, chiếm 6,63% dân số toàn thành phố. Riêng xã Cam Phước Đông, đồng bào Raglai tập trung chủ yếu tại thôn Giải Phóng với 805 hộ (3.482 khẩu), chiếm 21,63% dân số toàn xã. Với những giá trị văn hóa mang đặc trưng riêng, đồng bào Raglai ở TP. Cam Ranh đã và đang góp phần làm đa dạng màu sắc bức tranh văn hóa các dân tộc, trong đó phải kể tới mã la - một loại nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào.

Học sinh chăm chú nhìn theo hướng dẫn của nghệ nhân Cao Điệp Phới.

Học sinh chăm chú nhìn theo hướng dẫn của nghệ nhân Cao Điệp Phới.

Những năm qua, do tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, loại nhạc cụ này bị thất lạc, hao hụt, còn lại rất ít. Tiếng mã la vắng dần trong đời sống văn hóa cộng đồng người Raglai, chỉ còn trong ký ức của người già và chỉ được biểu diễn tại một số lễ hội lớn. Đứng trước nguy cơ mai một văn hóa truyền thống, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố để phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai. TP. Cam Ranh nhận được 6 bộ và đã bàn giao cho 6 thôn có người Raglai sinh sống để quản lý và sử dụng.

Ông Hà Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, đây là lớp đầu tiên trên địa bàn tỉnh tổ chức truyền dạy nhạc cụ mã la cho đồng bào Raglai. Lớp học có nhiệm vụ đưa nhạc cụ mã la phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào; đồng thời phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi cung cấp những tri thức, kỹ năng biểu diễn nhằm đào tạo các nghệ nhân kế cận, từ đó nối tiếp truyền dạy cho các thế hệ sau. UBND TP. Cam Ranh đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy nhạc cụ mã la vào chương trình ngoại khóa nhằm giáo dục, bồi dưỡng giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, giao Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố đưa nội dung trình diễn nhạc cụ mã la trở thành một phần thi trong chương trình ngày hội, liên hoan, hội thi, hội diễn của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202308/dethanh-am-ma-la-mai-ngan-vang-38a7acd/