Để Thanh Liêm trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa tâm linh
Với một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú, cùng với những lợi thế về giao thông, nằm trong chuỗi hành trình du lịch tâm linh: Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng) - Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), Thanh Liêm được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, để có thể biến lợi thế thành thế mạnh, Thanh Liêm cần giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, xử lý môi trường và đầu tư hạ tầng giao thông. Có như vậy, Thanh Liêm mới thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa tâm linh.
Với một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú, cùng với những lợi thế về giao thông, nằm trong chuỗi hành trình du lịch tâm linh: Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng) - Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), Thanh Liêm được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Tuy nhiên, để có thể biến lợi thế thành thế mạnh, Thanh Liêm cần giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, xử lý môi trường và đầu tư hạ tầng giao thông. Có như vậy, Thanh Liêm mới thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa tâm linh.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, di tích
Thanh Liêm hiện có 41 di tích đã được xếp hạng; trong đó, có 29 di tích cấp tỉnh, 9 di tích cấp quốc gia (bao gồm cả di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử thắng cảnh và di tích cách mạng), 1 di sản văn hóa phi vật thể là lễ hội vật võ Liễu Đôi (thuộc danh mục lễ hội truyền thống) và một di sản văn hóa vật thể thuộc danh mục làng nghề thủ công truyền thống, 1 danh thắng và nhiều lễ hội đặc sắc được tổ chức hằng năm...
Đặc biệt, Thanh Liêm còn có dãy núi đất trải dài hàng chục km từ thị trấn Tân Thanh đến xã Liêm Sơn, với nhiều di tích lịch sử văn hóa tâm linh dọc theo sườn núi... Đó chính là những tiềm năng lợi thế để Thanh Liêm quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển du lịch thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Cổng chùa Ninh Tảo, xã Thanh Bình. Ảnh: Thế Tân
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Liêm, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch gắn với hoạt động lễ hội, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và lễ hội truyền thống đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi để du lịch lễ hội phát triển.
Thực tế, có thể thấy, với những ưu thế về cảnh quan môi trường thiên nhiên cộng với những giá trị văn hóa tâm linh, Thanh Liêm đã trở thành một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, những ngày nghỉ cuối tuần, lượng du khách đến các điểm du lịch của Thanh Liêm đã tăng đột biến. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, những ngày đầu xuân năm 2023, số lượng du khách đến Thanh Liêm có những ngày đạt trên 80 nghìn lượt người (chủ yếu tại điểm du lịch tâm linh chùa Địa Tạng Phi Lai nằm trên địa bàn xã Liêm Sơn)...
Được biết, ngoài 2 điểm du lịch tâm linh đang thu hút khách thập phương như: chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang..., trên địa bàn huyện hiện có Khu tâm linh Núi Chùa (Thanh Tâm), nơi hơn 200 chiến sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Đền Lăng (Liêm Cần), nơi thờ Tứ vị hoàng đế và Tam vị đại vương, hiện đang được UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư tu bổ, cải tạo. Đây sẽ là những điểm đến ý nghĩa trong chiến lược quy hoạch và phát triển du lịch của Thanh Liêm trong những năm tới đây.
Một góc chùa Phật Quang, xã Thanh Phong. Ảnh: Thế Trang
Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững
Với quan điểm tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh và thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với tiêu chí thị xã; triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát ô nhiễm môi trường; tập trung phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, tại hội nghị Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy làm việc với BTV Huyện ủy Thanh Liêm về kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm cũng đã có ý kiến đề xuất UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho phép Thanh Liêm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai; đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan của du khách. Bởi thực tế, các điểm du lịch trên địa bàn huyện thời gian qua chủ yếu phát triển tự phát, mùa vụ, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản nên vào những ngày nghỉ lễ thường xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc, gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh trật tự và trật tự giao thông, tác động xấu đến cảnh quan môi trường... Cùng với việc đầu tư hạ tầng khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai, đền Lăng... huyện cũng mong muốn tỉnh quan tâm đặc biệt đầu tư hạ tầng vào khu vực đồi con Phượng (thuộc địa bàn xã Thanh Nghị) nơi có dự án sân golf đồi con Phượng, nhằm thu hút khách du lịch, phát triển thương mại dịch vụ...
Chùa Địa Tạng Phi Lai, xã Liêm Sơn là điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: Ngọc Minh
Qua trao đổi, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm: Hiện Thanh Liêm đang khẩn trương rà soát để hoàn thiện quy hoạch chi tiết đối với khu vực chùa Địa Tạng Phi Lai; xây dựng đề án trồng cây xanh khu vực khai thác; tập trung chuyển hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao kết hợp đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ và du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và nguồn thu từ kinh tế du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi các tuyến đường giao thông trọng điểm hoàn thành, kết nối trục hành lang Đông - Tây, Thanh Liêm sẽ hình thành chuỗi liên kết trong phát triển du lịch; chú trọng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm và sinh thái ở vùng Tây Đáy... Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về phát triển du lịch; đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá trực quan; tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; đặc biệt, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch...
Với chủ trương, định hướng phát triển đúng, trúng cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, khôi phục, tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy những giá trị của di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, cách mạng, lễ hội truyền thống, tin rằng Thanh Liêm sẽ sớm đánh thức được tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn, để kinh tế du lịch thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để huyện hoàn thành các mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành các tiêu chí thị xã.