Để Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng
Trong suốt nửa thế kỷ qua, bằng thực tiễn phát triển của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy sức sống mãnh liệt; luôn khẳng định vai trò, vị thế của một đô thị đặc biệt - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh TP là nơi khởi nguồn của những ý tưởng mới, mang tính đột phá, dẫn dắt, tạo nên thành công của một siêu đô thị. Thành quả ấy đến từ sự quan tâm, tạo nhiều điều kiện đặc thù của trung ương, các bộ ngành, các tỉnh thành bạn, cùng với sự ủng hộ của người dân, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp.

Sự ổn định được dựa trên nền tảng 'an dân'
.Phóng viên: Thưa Chủ tịch, sau 50 năm thống nhất đất nước, đâu là niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.HCM?
+ Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được: Xuyên suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM cùng toàn dân và toàn quân đã luôn chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Bước ra chiến tranh với “chiếc áo không lành lặn” nhưng TP đã nỗ lực muôn vàn, mạnh dạn đột phá, “xé rào, bung ra” giúp xoay chuyển tình thế, mang lại những thành tựu to lớn như ngày hôm nay.
TP.HCM là một trong những “cái nôi” đột phá được nhân rộng ra cả nước, mà dấu ấn rõ nhất là công cuộc đổi mới từ những năm đầu của thập niên 80, và trong giai đoạn hội nhập cũng vậy, thành phố luôn đi đầu với nhiều ý tưởng sáng tạo, cách làm hay.
Chúng ta tự hào vì dù trong tình huống nào, TP cũng luôn giữ vững sự ổn định, cả về chính trị lẫn kinh tế - xã hội, kể cả khi tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Sự ổn định được xây dựng trên nền tảng “an dân”, là cơ sở chính trị quan trọng để TP.HCM dám nghĩ, dám làm, đi đầu cùng cả nước, vì cả nước, hướng tới việc định vị vai trò của một siêu đô thị có sức cạnh tranh với các TP lớn trong khu vực và thế giới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho sự phát triển chung của Thành phố.



Với mục tiêu hội nhập sâu rộng kinh tế của khu vực và thế giới, nhiều năm qua, thành phố đã và đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chiến lược, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
Một điều nữa mà TP rất tự hào, đó là lấy chất lượng cuộc sống của người dân, sự giàu mạnh của doanh nghiệp làm trọng tâm trong quá trình phát triển. TP không chạy theo các con số, chỉ tiêu kinh tế - xã hội một cách cứng nhắc, mà hướng sự phát triển vào thu nhập, sự tiện ích, hài lòng, hạnh phúc của người dân, công bằng của xã hội, nhất là với các nhóm người yếu thế, khó khăn.
Đồng thời, chú trọng lợi ích của doanh nghiệp, làm sao để các công ty, tập đoàn dù lớn hay nhỏ cũng nhận được các điều kiện kinh doanh, đầu tư, làm ăn một cách thuận lợi nhất, vì vậy số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước ở TP luôn đứng đầu cả nước, hoạt động rất năng động, phát triển rất mạnh mẽ.
TP.HCM cũng đầu tư rất mạnh vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa lĩnh vực này ngày càng đi vào chiều sâu và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển.




TP.HCM chính thức khánh thành toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hồi tháng 3-2025.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được chú trọng đã làm cho diện mạo TP có nhiều thay đổi, phát triển vượt bậc. Nhìn lại hành trình 50 năm qua, có thể thấy diện mạo đô thị TP đã thay đổi rất lớn, với sự nở rộ của các trung tâm thương mại, khu đô thị chất lượng cao, nhà ở xã hội, cùng hệ thống giao thông phát triển, kết nối nội thị và liên vùng hiệu quả. Qua đó, xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, thành đô thị đặc biệt có sức hội tụ và lan tỏa lớn của Vùng và cả nước…
Sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, vị thế, vai trò của TP.HCM đã được nâng lên rõ rệt. Dù chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 9,42% dân số cả nước, nhưng TP đã đóng góp 16% GDP cả nước, 25% tổng thu ngân sách nhà nước, 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả nước, 34% khách du lịch quốc tế, 23% doanh thu du lịch, hơn 11% kim ngạch xuất khẩu…


Sau thập niên đầu của thế kỷ XXI, vị thế, vai trò của TP. Hồ Chí Minh đã được nâng lên rõ rệt.
Nghị quyết số 31 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định TP tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Tạo vùng kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước
. Với những thành tựu to lớn đóng vai trò làm tiền đề, TP.HCM sẵn sàng ra sao để bước vào kỷ nguyên mới, nhất là trong bối cảnh TP sẽ có “một hình hài mới” với không gian rộng lớn hơn sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu?
+ TP.HCM là địa phương có nguồn tài nguyên đặc biệt. Ngoài vị trí địa lý, vai trò kinh tế đầu tàu, cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ giao thương quốc tế, TP còn là nơi khởi đầu của nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là về kinh tế.

TP cũng là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, phong phú, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước về sinh sống, làm việc và là nơi có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu nhất nước.
Sắp tới, với việc sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu - hai tỉnh trong nhóm địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương – là cơ hội để phát huy ưu thế của ba tỉnh, thành có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp.
Đồng thời, có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch phát triển đô thị, bố trí dân cư; đáp ứng các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, địa phương, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền và người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thị sát nút giao An Phú và Vành đai 3 hồi tháng 3-2025.

Đặc biệt, phát huy hiệu quả kết nối hạ tầng giao thông giữa TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu về đường bộ, đường thủy, nhất là liên kết giữa các cảng biển của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạo hướng biển rất lớn để phát triển.
Vừa qua, có thể thấy, TP.HCM dù luôn giữ vai trò đầu tàu nhưng có sự quá tải, điểm nghẽn về hạ tầng. Do vậy mà TP phải dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và trên thực tế 5 năm qua, TP đầu tư hạ tầng cao gấp rưỡi so với những năm trước. Đồng thời, tìm cách cởi trói về thể chế thông qua Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 188/2025.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thị sát nhà ven kênh rạch tại quận 8 hồi giữa tháng 4-2025.
Chính vì vậy, sự “kết hợp” với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu chính là cơ hội không thể tốt hơn giúp TP.HCM giải bài toán về hạ tầng, tạo ra không gian phát triển rộng lớn, mở rộng nguồn tài nguyên đặc biệt của TP.HCM, tạo nên vùng kinh tế năng động, phát triển nhất của cả nước và Đông Nam Á, kết nối khu vực đô thị Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)...
Hay nói như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: Quy mô TP.HCM khi đưa lên hỏi, trí tuệ nhân tạo (AI) trả lời sau sáp nhập, quy mô TP.HCM mới lớn như Thượng Hải của Trung Quốc. Bây giờ chúng ta phải phấn đấu phát triển như Thượng Hải, với quy mô như vậy, tạo ra sự phát triển vượt bậc.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định sứ mệnh mới của TP.HCM mới không chỉ là trở thành một siêu đô thị quốc tế, dẫn dắt khu vực mà còn là trung tâm liên kết, phát triển toàn diện giữa TP và cả vùng; đóng vai trò dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ để cả Vùng, cả nước cùng nhau tiến về phía trước.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng TP.HCM sẽ có quy mô phát triển tương đương TP Thượng Hải, Trung Quốc.
Chú ý tư duy về quy hoạch, định hướng phát triển TP
.Vậy từ lúc này, chúng ta phải nhanh chóng quy hoạch lại không gian phát triển cho TP mới này, tạo đà cho TP tiến về phía trước, thưa Chủ tịch?
+ Hiện nay, chúng tôi (lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu - PV) đang đánh giá lại toàn diện “cục diện mới” này, để làm cơ sở hoạch định các định hướng chiến lược quy hoạch phù hợp hơn cho tổng thể TP mới.
Có một điểm thuận lợi là trong các bản quy hoạch của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã tính đến các phương án kết nối liên tỉnh, chia sẻ nguồn lực hạ tầng, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh, tương hỗ và cùng hướng tới các mục tiêu cho cả vùng. Đó sẽ là nền tảng mà TP mới sau sáp nhập, đúng hơn là hợp nhất, có thể tựa vào để xây dựng một bản quy hoạch hoàn thiện, ưu việt nhất.
Điều cần chú ý nhất đó là tư duy. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh việc sáp nhập “không chỉ đơn giản 2 + 2 = 4 mà lớn hơn thế”. Đó chính là tư duy về quy hoạch, định hướng phát triển Thành phố sắp tới. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 100 TP có hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu vào năm 2030 và top 50 vào năm 2045; nằm trong nhóm ba tỉnh, TP dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Muốn vậy thì tư duy phải rộng mở, toàn diện, mạch lạc.

Với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) tạo điều kiện để logistics, vận tải biển phát triển vượt bậc, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế và nội địa, tăng khả năng xuất khẩu.
Cụ thể, tư duy phát triển của TP phải chú trọng “yếu tố kép” – vừa tạo không gian phát triển, vừa đảm bảo không gian an ninh, an toàn cho người dân, doanh nghiệp. Nói cách khác, TP bước vào kỷ nguyên phát triển mới có nhiều cơ hội, phải tận dụng bằng hết những thuận lợi ấy để phát triển, tiến đến giai đoạn hùng cường, ví dụ quy hoạch đồng bộ các không gian kinh tế - xã hội trên mặt đất, dưới lòng đất, trên bầu trời, và ở các vùng sông, biển; tận dụng các cơ chế đặc thù, vượt trội như Nghị quyết 31, Nghị quyết 98, Nghị quyết 57 để mở những con đường mới, khơi thông nguồn lực mới, hướng tới các kế hoạch trọng tâm, trọng điểm như phát triển hệ thống hạ tầng, hình thành trung tâm tài chính quốc tế, nâng cao chất lượng và giá trị trong chuỗi cung ứng tại khu vực.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta có hệ thống cảng biển quốc tế mạnh mẽ với cảng Cái Mép – Thị Vải và việc hình thành cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong thời gian tới sẽ giúp TP.HCM trở thành một trung tâm logistics và thương mại quốc tế, kết nối trực tiếp với các thị trường lớn trên thế giới.
Chúng ta có sân bay quốc tế vừa được mở rộng bởi nhà ga T3, nếu liên kết với sân bay quốc tế Long Thành sẽ tạo ra một trung tâm hàng không quốc tế tại khu vực Đông Nam Á.

Bên trong nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất vừa khánh thành.

Người dân làm thủ tục bay tại nhà ga T3.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bấm nút chính thức khởi công Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise.

Khu vực xây dựng siêu đô thị biển Cần Giờ nhìn từ trên cao, dự án đặt mục tiêu là khu đô thị sinh thái, thông minh, đáng sống.
Chúng ta còn có hệ thống giao thông với hệ thống metro, các tuyến đường vành đai và cao tốc kết nối miền Đông, miền Tây giúp TP.HCM trở thành một đầu mối giao thông lớn của khu vực.
Song song đó, khi thế giới đang diễn ra nhiều bất ổn về địa kinh tế, địa chính trị thì phải có giải pháp “phòng vệ”, thích ứng trước các biến động có thể xảy ra, ví dụ như các chính sách về thuế quan, chiến tranh thương mại, xung đột vũ trang, hay thiên tai địch họa như đại dịch COVID-19 vừa qua… Làm sao để khi xảy ra biến cố, người dân và doanh nghiệp chịu tổn thương ở mức thấp nhất, và nhanh chóng thích nghi, ổn định cuộc sống. Đây là cách tiếp cận mà tôi cho rằng bền vững giữa một thế giới mà cơ hội lẫn rủi ro đan xen nhau một cách mạnh mẽ.
. Ông vừa nhắc đến trung tâm tài chính quốc tế. Vậy trong bối cảnh tiềm lực được nâng lên sau sáp nhập, việc hoàn thiện Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM liệu có dễ dàng hơn?
+ Phát triển trung tâm tài chính quốc tế là trọng trách mà Trung ương giao cho TP.HCM, xuất phát từ chính tiềm năng, nội lực của TP từ hàng chục năm qua. Khi mà TP.HCM là nơi hình thành hệ thống ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch ngoại tệ đầu tiên trên cả nước, là nơi có nền kinh tế sôi động nhất từ khi đổi mới, giúp kinh tế Việt Nam bứt phá, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tôi tin rằng, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế từ chính nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương, TP.HCM, Đà Nẵng dự lễ công bố thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được gặp gỡ các chuyên gia tại Hội thảo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP trước tác động từ thị trường quốc tế.
Hiện nay, TP.HCM đã có những thiết chế cơ bản cho thị trường tài chính hiện đại, bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng ngân hàng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành một cách bài bản.
Thị trường tài chính tại TP.HCM đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Tokyo... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.
Do vậy, việc mở rộng TP.HCM sẽ thêm thu hút các tổ chức tài chính lớn, các công ty đa quốc gia và các tổ chức đầu tư. Với lợi thế của Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu khi có khu công nghiệp và trung tâm dịch vụ logistics, sẽ giúp TP mới trở thành một đầu mối giao thương quan trọng của khu vực.

Thành phố sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, giao thông và du lịch lớn của khu vực Đông Nam Á, góp phần nâng cao chất lượng sống và thu hút đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 rất cần các cơ chế từ Trung ương, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Cần chính sách đặc thù, vượt trội. Tôi nghĩ điều này không khó, vì Trung ương khi giao trọng trách đã tính đến việc tạo điều kiện cho TP. Việc còn lại là TP huy động sức nghĩ, sức làm, chủ động đề xuất các phương án để Trung ương “bật đèn xanh”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh
.Với những hoạch định chiến lược trong thời gian tới, đòi hỏi TP.HCM phải xây dựng được nguồn nhân lực ‘thực chiến’, đủ sức đảm đương?
+ Đó là điều tất yếu. TP.HCM là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, phong phú với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước; doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu nhất nước. Những năm qua, TP liên kết chặt chẽ với các đội ngũ này, lắng nghe hiến kế, góp ý, ngay cả việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng được tham vấn bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu trên mọi lĩnh vực.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cùng với Nghị quyết 98, đây sẽ là nền tảng để TP huy động người tài cùng các nguồn lực quan trọng để phát triển.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị trên địa bàn TP.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Với hàng loạt giải pháp được đưa ra, chúng tôi kỳ vọng sẽ làm chuyển biến bộ máy hành chính của TP, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, trình độ, năng thực thực thi nhiệm vụ, giúp TP thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh mới.
Đây cũng là lúc để đội ngũ cán bộ TP nhìn lại chặng đường đã qua để hướng về phía trước với việc phát huy mạnh mẽ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vốn là truyền thống của TP ta.
Khi TP.HCM bước vào cột mốc 100 năm
.Quy hoạch TP.HCM đến năm 2050 đã rõ, liệu chúng ta có thể hình dung xa hơn khi TP bước vào cột mốc 100 năm, thưa Chủ tịch?
+ Kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã được xác định. Tầm nhìn của kỷ nguyên hùng cường này chắc chắn sẽ dài hạn, hướng tới những vấn đề lớn của đất nước, mà TP.HCM là một mắt xích quan trọng. Trong giai đoạn này, TP sẽ nỗ lực và tập trung thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của một “siêu đô thị”, hướng đến một TP có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trao bảng vàng tôn vinh cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được thăm hỏi, tri ân cán bộ, chiến sĩ làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được trò chuyện cùng Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ khi cùng các cá nhân tiêu biểu dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), ngày 23-4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và bé gái tham dự Lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM (1975-2025), ngày 23-4.
TP.HCM chúng ta đang hòa mình vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, yếu tố có thể làm thay đổi xã hội, nền sản xuất vận hành và phát triển. Các nhà khoa học lớn trên thế giới đã có những tiên liệu về cuộc sống của con người đến năm 2040 dưới sự tác động to lớn của công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo. Các phân tích và trù liệu mang tính lạc quan đan xen với các rủi ro, lo lắng, nhưng xu thế chung vẫn là phát triển, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, tiện nghi hơn.
Trong bối cảnh đó, tôi muốn nhấn mạnh lại thông điệp vừa phát triển tất cả các không gian kinh tế-xã hội, vừa có các phương án giảm thiểu các rủi ro, thách thức có thể gây tổn thương cho người dân, doanh nghiệp; hướng tới phát triển bền vững.
Hiện các định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dụng khoa học công nghệ giảm thiểu những áp lực lên môi trường đang là xu hướng phát triển chủ đạo. Các dự án kinh tế xanh thường có tầm nhìn rất dài, ngắn nhất cũng trên 10 năm, có dự án lên đến vài chục năm.

TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực và tập trung thể hiện rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của một “siêu đô thị”, hướng đến một thành phố có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.
TP đang theo đuổi xu thế ấy, nên tôi kỳ vọng rằng tầm nhìn 50 năm tới cũng sẽ tập trung vào phát triển xanh và bền vững. Diện mạo đô thị chắc chắn sẽ thay đổi nhiều, đặc biệt là khi TP sau sáp nhập sẽ có rất nhiều không gian, dư địa để thực hiện những kế hoạch táo bạo, đột phá. Cuộc sống của người dân cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn, tiện nghi hơn dưới sự hỗ trợ của các nền tảng khoa học, công nghệ. TP.HCM khi ấy không chỉ là một đô thị của Việt Nam, mà là một điểm sáng trên bản đồ các siêu đô thị phát triển hàng đầu của khu vực và thế giới.
Muốn được như vậy, tôi xin nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Để Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
. Xin cảm ơn Chủ tịch UBND TP.HCM.
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-thanh-pho-ho-chi-minh-ruc-ro-ten-vang-post847284.html