Gỡ điểm nghẽn, hướng tới hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm
PGS.TS. Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng30 tháng 4 không chỉ là dịp kỷ niệm mà là lời nhắc nhở chúng ta rằng: sự thống nhất của dân tộc ngày ấy cần được tiếp nối bằng sự thống nhất trong hành động hôm nay. Nếu 50 năm trước, dân tộc ta thống nhất được non sông, thì giờ đây chúng ta cần sự thống nhất giữa ý chí và hành động, giữa tầm nhìn và thực thi để hoàn thành hai mục tiêu 100 năm và khẳng định vị thế xứng đáng của Việt Nam trên bản đồ phát triển toàn cầu.
Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục nhấn mạnh việc nhận thức sâu sắc tầm nhìn kỷ nguyên mới và quyết tâm thực hiện hai mục tiêu 100 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: mục tiêu trước mắt năm 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và trở thành một nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao.
Đây không chỉ là mục tiêu kinh tế đơn thuần, mà là lời hiệu triệu chính trị, là “ý chí, khát vọng, tầm nhìn và bản lĩnh của toàn dân tộc” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng. Tuy nhiên, đứng trước những mục tiêu này, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực; trong đó, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Vì vậy, cần phải có những giải pháp khẩn trương, kịp thời và phù hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn này nhằm tạo động lực và khơi thông các nguồn lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm.
Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế: biến rào cản thành động lực phát triển
Nếu phải chọn một yếu tố có khả năng tạo ra cú hích mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng, thì đó chính là thể chế. Trong nhiều năm qua, dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng nhiều cơ hội phát triển vẫn bị bỏ lỡ vì những vấn đề bất cập trong khung khổ pháp lý. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn", nghĩa là nếu không tháo gỡ được thể chế, thì những nỗ lực khác cũng khó phát huy hiệu quả.
Điểm mấu chốt là cần thay đổi tư duy làm luật. Luật pháp không nên bó buộc thực tiễn, mà phải đóng vai trò dẫn dắt và khơi thông. Hiện nay, nhiều quy định được xây dựng theo tư duy kiểm soát chặt chẽ, thiếu linh hoạt. Vì vậy, chúng ta cần từ bỏ lối suy nghĩ "không quản được thì cấm", thay vào đó là tạo hành lang pháp lý ổn định nhưng mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo và chấp nhận rủi ro có kiểm soát. Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực chất hơn nữa. Nhiều địa phương, bộ, ngành đang thiếu thẩm quyền hoặc lo ngại trách nhiệm nên không dám làm, dẫn đến ách tắc, chậm trễ. Nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào năng lực và tinh thần trách nhiệm của cấp dưới, thì hãy trao quyền mạnh mẽ và rõ ràng hơn, đi kèm cơ chế giám sát minh bạch. Chính sách cần được thiết kế để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh.

Đô thị Hà Nội ngày càng hiện đại. Ảnh: The Leader
Bên cạnh đó, cần đầu tư xứng đáng cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đây không thể là nhiệm vụ "kiêm nhiệm" hay giao cho một vài cá nhân xử lý hành chính. Muốn thể chế vững, luật pháp minh bạch, thì phải có đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có chính sách đãi ngộ tương xứng và ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định và triển khai pháp luật.
Cuối cùng, thể chế cũng cần được “thiết kế mở” để đón nhận các xu hướng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ AI, blockchain… Nếu chúng ta vẫn dùng tư duy quản lý cũ để áp lên mô hình phát triển mới, thì không thể phát huy hết tiềm năng. Do đó, giai đoạn 2025 - 2030 là “cửa sổ vàng” để hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo bệ phóng cho những bước tiến đột phá trong tương lai.
Điển hình về việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế có thể thấy qua chủ trương sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã trên phạm vi cả nước thời gian qua; đơn cử như việc sáp nhập TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành một đơn vị hành chính mới. Trước đây, ba địa phương này đều có thể mạnh về phát triển kinh tế, nhưng mỗi tỉnh có quy hoạch, chính sách hành chính, cơ chế riêng khiến việc phối hợp, kết nối gặp khó khăn. Khi ba địa phương này hợp nhất, sẽ không còn tình trạng mỗi tỉnh, thành phố phát triển theo chiến lược riêng, mà thay vào đó là một chiến lược phát triển chung cho cả vùng. Chính sự thay đổi thể chế này sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn hành chính, không chỉ trong việc kết nối các địa phương mà còn trong việc tạo ra các chính sách phát triển thống nhất và đồng bộ.
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng: kiến tạo nền tảng cho bứt phá tăng trưởng
Hạ tầng - cả cứng lẫn mềm - chính là nền móng để một quốc gia có thể phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, nếu Việt Nam không tăng tốc đầu tư hạ tầng, chúng ta sẽ bị “lạc hậu, tụt lại phía sau” và đánh mất lợi thế chiến lược đã tích lũy suốt nhiều năm qua.
Trước hết, phải nhìn nhận lại cách đầu tư hạ tầng thời gian qua vẫn còn manh mún, thiếu tính kết nối vùng và liên ngành. Cao tốc làm xong nhưng đường kết nối cảng, kho vận, sân bay chưa hoàn chỉnh; khu công nghiệp mọc lên nhưng thiếu điện, thiếu nước, thiếu nhà ở cho công nhân. Nếu không có quy hoạch đồng bộ, bài bản và lấy chuỗi giá trị làm trung tâm, thì dù chi hàng tỷ USD mỗi năm, hiệu quả đầu tư vẫn rất hạn chế.
Điều cần đặc biệt nhấn mạnh là tầm quan trọng của hạ tầng giao thông liên vùng và hạ tầng số. Về giao thông, chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện các hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây, các tuyến cao tốc chiến lược, đường sắt tốc độ cao, cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế. Đây là yếu tố nền tảng giúp rút ngắn chi phí logistics - vốn đang ở mức cao nhất khu vực. Còn với hạ tầng số, đây là “xa lộ” của thế kỷ XXI. Một quốc gia muốn chuyển đổi số thành công thì không thể thiếu các nền tảng số mạnh - từ dữ liệu mở, điện toán đám mây, đến mạng 5G, AI, IoT…
Ngoài ra, một điểm nghẽn rất quan trọng nữa là vốn đầu tư cho hạ tầng còn dàn trải, phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Chúng ta cần sớm có cơ chế pháp lý và chính sách khuyến khích PPP (đối tác công - tư) minh bạch, khả thi, chia sẻ rủi ro công bằng thì mới khơi thông được hiệu quả các nguồn lực. Thực tế cho thấy, các dự án hạ tầng thành công ở nhiều nước không phải nhờ Nhà nước "bao cấp", mà nhờ Nhà nước "gợi mở niềm tin" để tư nhân đồng hành.
Cuối cùng, cần đề cập đến yếu tố “quản trị hạ tầng” - một chủ đề ít được chú ý nhưng cực kỳ quan trọng. Nhiều công trình tiền tỷ sau khi hoàn thành bị “đắp chiếu” hay xuống cấp vì không có cơ chế vận hành, duy tu hiệu quả. Một hạ tầng hiện đại không chỉ là xây mới, mà còn phải “sống lâu, hoạt động tốt”. Khi Việt Nam nâng cấp hạ tầng một cách toàn diện, hiệu quả, hạ tầng sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới - không chỉ kết nối các vùng kinh tế, mà còn kết nối Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát triển nguồn nhân lực: bồi đắp nội lực, khai phóng tiềm năng dân tộc
Nếu thể chế là cái khung, hạ tầng là nền móng, thì con người chính là linh hồn của mọi tiến trình phát triển. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao, thì mọi chiến lược dù đúng đến đâu cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng. Điểm nghẽn lớn nhất về nhân lực hiện nay không nằm ở số lượng, mà ở chất lượng và khả năng thích ứng. Mỗi năm Việt Nam có hàng triệu lao động gia nhập thị trường, nhưng số lượng lao động có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số, công nghiệp 4.0 hay các ngành công nghệ cao vẫn còn quá ít. Nhiều doanh nghiệp FDI phản ánh rằng họ muốn mở rộng sản xuất, nhưng không tuyển đủ kỹ sư, kỹ thuật viên tay nghề cao. Rõ ràng, nếu không đầu tư mạnh vào giáo dục nghề nghiệp, vào kỹ năng số, kỹ năng mềm và ngoại ngữ, thì Việt Nam sẽ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, phải có một cuộc “đại tu” về tư duy đào tạo. Trường học không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà phải trở thành nơi khơi dậy tư duy phản biện, khả năng tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Các trường đại học, cao đẳng phải gắn chặt với nhu cầu thị trường, thậm chí doanh nghiệp nên được tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế chương trình đào tạo. Mô hình “học đi đôi với làm”, hay xu hướng hợp tác đào tạo quốc tế… nên tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ.
Một điểm nữa không thể bỏ qua, đó là chính sách thu hút và giữ chân nhân tài. Nhân tài không chỉ là những người có học vị cao, mà còn là những người có tư duy đổi mới, có khả năng tạo giá trị. Để làm được điều này, Việt Nam cần tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, trọng dụng người có năng lực, và nhất là biết chấp nhận sự khác biệt, không để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực không thể chỉ dừng lại ở đô thị lớn. Cần có chính sách đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi cho lực lượng lao động nông thôn, lao động bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi xanh và chuyển đổi số nếu chúng ta thực sự muốn “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đầu tư vào con người, là khoản đầu tư có tỷ suất sinh lời cao nhất trong dài hạn. Một dân tộc mạnh là dân tộc có trí tuệ, có bản lĩnh, có năng lực học hỏi không ngừng. Đó chính là sức mạnh nội sinh lớn nhất để Việt Nam vươn lên thành quốc gia phát triển vào năm 2045 - không chỉ giàu về vật chất, mà còn mạnh về tri thức, nhân văn và văn hóa.
Ngay thời điểm này, khi cả nước hướng về dấu mốc 50 năm ngày thống nhất - không chỉ là lúc để chúng ta tri ân quá khứ, mà còn là lúc phải dũng cảm nhìn về phía trước với một tinh thần mới. Đất nước đã đi qua chiến tranh, đói nghèo, khủng hoảng và cả những bước ngoặt khó lường của thời đại. Nhưng chính trong gian khó ấy, ý chí Việt Nam, khát vọng vươn lên, chưa bao giờ lùi bước. Ngày hôm nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để chuyển mình trở thành nước công nghiệp hiện đại và nước phát triển có thu nhập cao, hoàn thành xuất sắc hai mục tiêu 100 năm. Năm 2025 không chỉ là dịp kỷ niệm - đó là một lời nhắc nhở chúng ta rằng sự thống nhất của dân tộc ngày ấy cần được tiếp nối bằng sự thống nhất trong hành động hôm nay. Nhắc chúng ta rằng khát vọng vươn mình thịnh vượng phải bắt đầu từ những cải cách thực chất, bền vững, và nếu không nắm bắt thời cơ, thì có lỗi không chỉ với hiện tại - mà với cả tương lai của thế hệ mai sau.
Vì vậy, khi cả nước cùng nhìn lại chặng đường 50 năm thống nhất - cũng là lúc chúng ta cần đồng lòng bước tiếp với một tinh thần mới, và đã đến lúc khát vọng không chỉ nằm trong lời nói, mà phải hiện hữu trong hành động cụ thể, cải cách thực chất và quyết tâm bền bỉ. Nếu 50 năm trước, dân tộc ta thống nhất được non sông, thì hôm nay, chúng ta cần một sự thống nhất khác - giữa ý chí và hành động, giữa tầm nhìn và thực thi. Làm được điều đó, chúng ta sẽ không chỉ hoàn thành hai mục tiêu 100 năm, mà còn khẳng định vị thế xứng đáng của Việt Nam trên bản đồ phát triển toàn cầu.