Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Làm việc phải vuông, làm người phải tròn

Câu nghị luận xã hội đề thi học sinh giỏi Hội các trường trung học phổ thông chuyên Vùng duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ yêu cầu thí sinh trình bày về lẽ vuông tròn qua câu nói của người xưa: Làm việc phải vuông, làm người phải tròn.

Ly Hương

Ly Hương

Câu nghị luận xã hội

Làm việc phải vuông: Hình vuông biểu tượng cho sự ngay thẳng, chính trực, minh bạch, kiên định, nhất quán. Khi làm việc chúng ta phải rõ ràng, chính trực và công bằng, phải tuân thủ kỉ luật, quy tắc, làm đến nơi đến chốn.

Làm người phải tròn: Hình tròn biểu tượng cho sự vận động, linh hoạt, uyển chuyển, sự linh hoạt, hoàn chỉnh, trọn vẹn. Là con người, chúng ta phải ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, khéo léo.

Làm việc phải vuông: Sự chính trực, minh bạch sẽ tạo nên những nguyên tắc và quy định đúng đắn ngay từ đầu, dễ tạo sự đồng thuận, thúc đẩy công việc tiến triển với hiệu suất cao.

Sự chính trực, minh bạch là biểu hiện của lòng trung thực, không thiên lệch, không dối trá trong mọi tình huống, tạo nên tinh thần trách nhiệm và uy tín cá nhân.

Từng cá nhân hành động với sự chính trực minh bạch sẽ góp phần xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, văn minh.

Làm người phải tròn: Ứng xử hòa nhã, tôn trọng người khác, lắng nghe và thấu hiểu, con người sẽ biết cách dung hòa và giải quyết các xung đột lợi ích một cách khéo léo hiệu quả.

Sự linh hoạt, mềm dẻo trong ứng xử là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc, giúp con người thành công trong cuộc sống.

Sự linh hoạt, mềm dẻo và khéo léo trong giao tiếp và quan hệ xã hội góp phần xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp và bền vững, tạo nên một cộng đồng biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Mối quan hệ giữa vuông và tròn trong cuộc sống: Khi làm điều đúng đắn và đạo đức chúng ta cần phải ngay thẳng và kiên định như hình vuông. Ngược lại, khi ứng xử ta nên linh hoạt và uyển chuyển như hình tròn.

Điều này giúp duy trì sự cân bằng đạo đức và trí tuệ trong mọi hành động khiến con người không chỉ đạt được thành công cá nhân mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Sự phối hợp này còn tạo nên sự viên mãn trong cuộc sống, hanh thông trong công việc, là biểu hiện của triết lí âm dương trong văn hóa phương Đông.

Khẳng định sự cần thiết phải biết dung hòa sự sự chính trực, minh bạch và mềm dẻo linh hoạt và không nên tách biệt hai phạm trù này.

Sự chính trực, minh bạch phải là cái gốc là nguyên tắc sống còn, còn sự mềm dẻo linh hoạt là cách ứng xử dựa trên nguyên tắc ấy.

Câu nghị luận văn học

Ngôn ngữ hình tròn/ Sự vật hình vuông/ Ngôn ngữ mềm mại lời nói nói nổi trôi/ Sự vật góc cạnh sự vật im lìm: Ngôn ngữ như hình tròn, mềm mại, thu hút, vận động, khó nắm bắt; sự vật như hình vuông, góc cạnh, cứng cáp, tĩnh lặng.

Mặt trời thì tròn mặt trăng viên mãn/ Mặt biển thủy triều phồng lên hoang thai/ Đẻ ra ngữ ngôn lang thang cuối trời: Mặt trời, mặt trăng, mặt biển tượng trưng cho cái đẹp và cuộc sống cùng giao hòa sinh ra ngôn ngữ thơ có tính tự trị và tự do, không bị ràng buộc bởi cội nguồn của nó.

Nhà thơ thờ phụng/ Thức với hoàng hôn/ Đuổi bắt hình tròn/ Bàn tay chới với: Nhà thơ tôn thờ, ngưỡng mộ, thao thức, chiêm nghiệm vẻ đẹp của cuộc sống và ngôn ngữ; gặp thách thức khi vươn tới sự hoàn mỹ của nghệ thuật ngôn từ.

Vấn đề nghị luận: Đặc điểm ngôn ngữ thơ và nỗ lực của nhà thơ trong việc sử dụng sáng tạo thơ ca.

Ngôn ngữ thơ bắt nguồn từ ngôn ngữ đời sống nhưng có đặc điểm riêng bởi vì ngôn ngữ thơ không đồng nhất với ngôn ngữ đời sống.

Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ nghệ thuật, có cấu trúc chặt chẽ, hình ảnh lạ hóa bất ngờ, hình tượng sinh động, biểu tượng độc đáo, mang tính cá thể hóa cao độ.

Ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc và nhạc tính vì thế mà quyến rũ, dễ đi vào lòng người. Ngôn ngữ thơ thường sử dụng nhiều biện pháp tu từ vì thế mà hàm súc, đa nghĩa, biểu hiện những tư tưởng, tình cảm tế nhị, tinh vi, sâu sắc, độc đáo.

Ngôn ngữ thơ là sản phẩm sáng tạo của nhà thơ vì được lựa chọn công phu để biểu đạt vẻ đẹp đời sống; mang lại hiệu quả trong diễn đạt; đem lại nguồn thẩm mỹ cho độc giả.

Ngoài ra, thơ hay cốt ở tình, như vậy nhà thơ phải sống chân thành, nhân ái, sâu sắc với đời. Nhà thơ cần có sự trải nghiệm, thiên khiếu, công phu để tạo ra ngôn ngữ thơ. Nhà thơ cần nỗ lực, tìm tòi, đổi mới sáng tạo ngôn ngữ giúp phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-lam-viec-phai-vuong-lam-nguoi-phai-tron-179240723161545785.htm