Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn Quảng Bình: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi, trong đó câu nghị luận xã hội đề thi môn Ngữ văn 11 bàn về nội dung trong cuốn sách 'Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu' của Rosie Nguyễn.
Theo đó, câu nghị luận xã hội của đề thi yêu cầu thí sinh bàn luận về nhận định trong trong cuốn sách "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu": "Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kì thực lại rất hữu hạn, ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá".
Câu nghị luận văn học: Trong bài thơ "Liên tưởng tháng Hai", Lưu Quang Vũ đã viết: "Mỗi bài thơ của chúng ta/Phải như một ô cửa/Mở tới tình yêu". Ý thơ trên gợi cho anh chị suy nghĩ gì về thông điệp nghệ thuật mà nhà thơ gửi gắm.
Tuổi trẻ là thời thanh xuân đẹp đẽ
Giải thích: "Tuổi trẻ" là thời gian thanh xuân đẹp đẽ, tràn trề năng lượng."Hữu hạn" là có thời hạn nhất định. Còn "vô giá" là rất quý, đến mức không thể định giá được. Nhận định của Rosie Nguyễn đã khẳng định tuổi trẻ không dài, vì thế phải biết chủ động phát huy, tận dụng tối đa thế mạnh của mình để có những thành tựu rực rỡ, quý giá.
Bàn luận: "Biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá" là lời khuyên đúng đắn, bởi vì đây là lứa tuổi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tỏa sáng: sức trẻ, nhiệt huyết, khát vọng… Tuổi trẻ là khoảng thời gian một đi không trở lại nên cần cháy hết mình, phát huy nội lực tối đa của bản thân để tạo nên những giá trị vượt trội.
Vậy, làm thế nào để biến "tuổi trẻ của bạn thành vô giá"?
Đó là bạn cần trau dồi tri thức, bồi đắp trí tuệ, có tư duy mở, cập nhật xu thế mới. Tích cực rèn luyện kĩ năng, mạnh dạn trải nghiệm, dám đương đầu với thử thách để khai phóng tiềm năng bản thân. Không ngừng hoàn thiện nhân cách, có lí tưởng sống cao đẹp.
Tuy vậy, khái niệm "vô giá" không phải là mẫu số chung mà tùy thuộc vào mục đích sống và năng lực của mỗi người. Phê phán những người trẻ sống lãng phí thời gian, vô vị, tẻ nhạt.
Bài học nhận thức và hành động: Phải biết nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng lớn khi còn trẻ, dám bước qua vùng an toàn của bản thân. Cần nỗ lực trong hành động để đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời.
Bài thơ như ô cửa mở tới tình yêu
Giải thích: "Ô cửa" là nơi ngăn cách hai thế giới bên trong và bên ngoài: So sánh mỗi bài thơ như một ô cửa, nhà thơ muốn nói đến chức năng của thơ ca, là phương tiện giúp nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm sâu kín của cá nhân mình đến mọi người. "Mở tới tình yêu": Đằng sau cánh cửa thơ ca chính là tình yêu - tình cảm của nhà thơ với con người, cuộc đời; tình yêu – còn là tình cảm của con người với con người dành cho nhau.
Ý kiến của Lưu Quang Vũ bàn về giá trị của thơ ca: Thơ ca là phương tiện để nhà thơ mở cánh cửa lòng mình đến với mọi người, và hơn thế thơ ca còn là cầu nối tâm hồn của mọi người tìm đến với nhau. Nêu lên những vấn đề về đặc trưng, chức năng của thơ ca, đồng thời là yêu cầu đặt ra cho cả người nghệ sĩ và bạn đọc trong hai quá trình sáng tác - tiếp nhận.
Bàn luận: "Mỗi bài thơ phải như một ô cửa mở tới tình yêu" - thơ cũng như bất cứ một loại hình nghệ thuật nào khác là tấm gương phản chiếu hiện thực đời sống, qua đó thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả. Các nhà thơ làm thơ khi tình cảm dâng trào mãnh liệt trong trái tim, họ có nhu cầu muốn được sẻ chia, tìm được sự đồng điệu từ phía người đọc. Mỗi bài thơ được tạo ra như một cánh cửa mở tâm hồn là bởi thế.
Thơ là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt đã được ý thức. Nhà thơ không chỉ muốn chia sẻ, bộc lộ tình cảm của cá nhân mình, mà muốn lan truyền những xúc cảm ấy tới trái tim người đọc, đem đến cho họ những xúc cảm mới. Từ đó, thơ kết nối những tâm hồn người đọc đến với nhau, cùng hướng đến những giá trị tốt đẹp. Bởi thế mà mỗi bài thơ phải mở tới tình yêu, đưa con người đến với nhau.
Phân tích, chứng minh: Học sinh được tự do chọn dẫn chứng, miễn là chọn được bài thơ hay để phân tích một cách thuyết phục, làm sáng tỏ vấn đề.
Đánh giá yêu cầu đối với nhà thơ và người tiếp nhận: Người nghệ sĩ phải sống sâu sắc, gắn bó hết mình với cuộc đời chung để những tình yêu mở ra trong ô cửa thơ ca là những tình cảm mang ý nghĩa nhân văn. Đồng thời, anh cũng phải có thực tài, thực tâm, không ngừng trau dồi năng lực nghệ thuật, phẩm chất thẩm mĩ của mình để mỗi bài thơ không chỉ dạt dào, lắng đọng triết lí, tình cảm mà còn đạt đến độ cô đúc, độc đáo của ngôn từ.
Người đọc phải thực sự sống cùng tác phẩm, mở rộng tâm hồn để trái tim cùng giao thoa nhịp đập với trái tim thi sĩ. Bên cạnh đó, phẩm chất nghệ thuật, sự nhạy bén với cái đẹp và tinh thần sáng tạo không chỉ đòi hỏi ở nhà thơ mà chính bạn đọc trong quá trình khám phá tác phẩm cũng cần đến để cảm thụ vẻ đẹp nghệ thuật một cách hiệu quả nhất, góp phần hoàn thiện đời sống của thi phẩm.