Đề thi học sinh giỏi Văn 'gọi tên cách sống' và tuổi trẻ
Đề thi học sinh giỏi Văn tại TP.HCM mang tính mở và gắn liền với thực tế cuộc sống.
Sáng 17-3, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp TP lớp 9 và lớp 12 gồm rất nhiều môn thi. Trong đó đề thi môn Văn được đánh giá khá hay.
Đề thi Văn lớp 9 đề cập đến chủ đề “Gọi tên cách sống”. Em Quảng Diễm Quỳnh, học sinh trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp cho hay đề Văn không quá khó. Phần nghị luận xã hội đề cập đến việc lựa chọn cách sống. "Tuổi trẻ tràn trề nhiệt huyết vì thế em chọn lựa cách sống hết mình, sống cống hiến. Để đat kết quả cao với đề thi này, đòi hỏi người viết phải có cách nhìn mới, đầy tình sáng tạo", Diễm Quỳnh nói thêm.
Cô Phạm Thanh Xuân, giáo viên trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 cho biết đề thi năm nay không quá khó. Vấn đề đưa ra rõ ràng, không đánh đố, hướng vào suy nghĩ riêng, không phụ thuộc văn mẫu.
"Chính sự trải nghiệm các em sẽ tự viết nên cảm xúc về tác phẩm đó. Đề không khó, khơi gợi được say mê viết học trò vì các em được nói lên quan điểm của mình mà không rập khuôn. Do đó để chọn học sinh giỏi từ đề này là những bài viết đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân. Những bài viết như thế mới gây ấn tượng mạnh", cô Xuân bày tỏ.
Đồng quan điểm, thầy Lê Minh Kim Long, trường THCS Trường Sơn, quận Gò Vấp cho biết đề thi vừa sức với các em học sinh. Câu nghị luận xã hội nêu lên vấn đề mở về các quan điểm khác nhau về cách sống. Học sinh sẽ được tự do bảy tỏ suy nghĩ của mình.
Còn câu nghị luận văn học khá quen thuộc. Nó đề cập đến vấn đề tác động văn chương đối với đời sống của con người. Với đề này, học sinh nào có khả năng lâp luận chặt chẽ, lời văn diễn đạt trau chuốt thì sẽ đat điểm cao. Với
Trong khi đó, đề Văn học sinh giỏi khối 12 lại để cập đến chủ đề "Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương".
Cô Hồ Lê Thanh Hà, Tổ trưởng môn Ngữ văn, trường THPT Phú Nhuân, quận Phú Nhuân chia sẻ đề mang đậm hơi thở của cuộc sống.
Đề thi đề cập đến nhiều vấn đề đang xảy ra hiện nay như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự phát triển công nghệ 4.0, ứng dụng công nghệ 4.0 tác động đến cuộc sống hiện nay... Và thái độ của các em học sinh, đặc biệt lứa tuổi 18 trước sự thay đổi trên.... Là học sinh giỏi, các em sẽ phải trình bày những quan điểm, góc nhìn riêng về vấn đề hiện nay.
Theo cô Hà, đề thi được ra theo chủ đề xuyên suốt từ nghị luận xã hội đến nghị luận văn học. Nếu câu nghị luận xã hội, học sinh suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người và xã hội hiện nay. Thì đến câu nghị luận văn học sẽ bàn về ý nghĩa tác động của văn chương, vai trò vị trí của văn chương, trong xã hội hiện đại hiện nay văn chương có còn quan trọng và ý nghĩa với cuộc sống. Các em phải dùng kiến thức lý luận và tác phẩm để khẳng định dù xã hội phát triển đến đâu thì văn chương vẫn có ý nghĩa đối với cuộc sống, tâm hồn con người.