Đề thi Ngữ văn lớp 10 tại TP.HCM: Vừa sức, dự đoán có nhiều bài viết tốt

Đề thi Ngữ văn được một số giáo viên và học sinh đánh giá là hay, vừa sức, thí sinh có thể đạt được từ 7 điểm trở lên.

Thí sinh thở phào vì đề thi vừa sức

Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Nhiều em đánh giá đề thi Ngữ văn năm nay khá vừa sức.

Cụ thể, đề thi môn Ngữ văn năm 2024 tại TP.HCM với chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành riêng cho mình" như sau:

Đề thi môn Ngữ văn năm 2024 tại TP.HCM.

Đề thi môn Ngữ văn năm 2024 tại TP.HCM.

Đề thi môn Ngữ văn năm 2024 tại TP.HCM.

Đề thi môn Ngữ văn năm 2024 tại TP.HCM.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Lê Phương Uyên, học sinh Trường THCS Khánh Bình (quận 8) cho biết, đề thi môn Ngữ văn năm nay hay, vừa sức, em có thể làm được khoảng 7 điểm.

Tương tự, Võ Huỳnh Thanh Tú, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận 11) thì nhận xét, đề gần gũi, có phần hơi khó nhưng với thí sinh có học lực trung bình trở lên vẫn có thể làm tốt. Với Tú, em tự đánh giá đạt được trên 7 điểm.

Trần Trọng Nhân, học sinh Trường THCS Lữ Gia (quận 11) đánh giá, phần đọc hiểu khá dễ; phần nghị luận xã hội khó hơn một chút, còn phần nghị luận văn học rất sáng tạo, thí sinh được chọn 1 trong 2 đề. Ở đề hai là đề mở, theo Nhân, thí sinh không bị giới hạn, có thể tự do lựa chọn bài thơ hoặc đoạn văn để phân tích.

"Em rất thích đề thi năm nay, các câu đọc hiểu đều hỏi rõ ràng, nếu thí sinh đọc kỹ đề có thể làm tốt", Nhân nói.

Đề thi gần gũi, không đánh đố thí sinh

Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đánh giá, đề thi Ngữ văn năm nay gần gũi với thí sinh, không đánh đố, làm khó nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định.

Theo thầy Bảo, thí sinh đã làm quen với cách ra đề, cấu trúc đề từ đề năm học trước cũng như đề mà giáo viên cho ôn tập trên lớp nên các em có phản hồi tích cực khi làm bài.

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn sáng 6/6.

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc môn Ngữ văn sáng 6/6.

Với chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành cho riêng mình", thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện kiến thức, suy nghĩ, tình cảm của mình vì đây là một chủ đề gần gũi, thiết thực với các em.

Sau khi làm bài xong, nhiều em học sinh phản hồi tốt, an tâm và có tâm thế vững vàng tiếp tục cho các bài thi tiếp theo.

Cụ thể, ở phần đọc hiểu, thầy Bảo đánh giá, ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều "đất" để khai thác. Câu hỏi của đề cũng vừa hỏi về phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đang chú ý của đề.

Các câu hỏi của phần này cũng khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt phần này. Điều này giúp các em tự tin hơn trong quá trình làm bài thi.

Ở phần nghị luận xã hội, thầy Bảo nhận xét, đây là câu có tính phân hóa cao. Với đề "Biết nghĩ bằng con tim", học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này.

Thí sinh chuẩn bị bước vào môn thi Ngoại ngữ chiều 6/6.

Thí sinh chuẩn bị bước vào môn thi Ngoại ngữ chiều 6/6.

"Tuy nhiên, để đạt được điểm cao, từ 2,5 điểm trở lên thì không dễ. Trước tiên các em phải đưa ra được lý giải của mình: "Nghĩ bằng con tim" là như thế nào?

Có được lý giải hợp lý các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao", thầy Bảo nói.

Dự đoán có nhiều bài viết tốt phần nghị luận văn học

Đối với phần nghị luận văn học, theo thầy Bảo, đề bài này không gây bất ngờ với phần lớn giáo viên và học sinh, vì nó rất gần gũi và các em cũng đã được ôn tập rất kĩ lưỡng.

Tuy nhiên, có một số em học tủ, học vẹt, đoán đề nên có suy nghĩ loại bỏ đề này vì thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái (câu 3, đề 2) đã cho ra chủ đề "tình cảm gia đình". Và trong đề cũng có gợi ý tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vì thế mà nhiều em bỏ qua, không ôn tập kĩ. Đây là một sai lầm rất đáng tiếc.

Cụ thể, đề 1 yêu cầu "Phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha", đây là đề rất vừa sức thí sinh. Các yêu cầu phụ cũng rất tường minh, rõ ràng.

"Tôi dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng về đề bài này. Với một đề bài không quá khó, những bài điểm cao chắc chắn sẽ là những bài thể hiện rõ nét kĩ năng của người viết như: kĩ năng tạo luận điểm, kĩ năng lập luận, phân tích…", thầy Bảo nói.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Bảo, chắc chắn nhiều em yếu kĩ năng sẽ khó phân tích vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lý, tình cảm của nhân vật. Người viết sẽ phải lý giải từng hành động, cử chỉ, lời nói thông qua việc phân tích tâm lý để làm rõ tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha. Có em vì không ôn tập kĩ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lý nhân vật.

Ở đề 2, đây là một đề mở và có nhiều sáng tạo. Học sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, học sinh có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kĩ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt thí sinh phải học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn Ngữ văn ở TP.HCM nhiều năm nay.

Đề thi là một tình huống cụ thể, bài viết của các em không chỉ phải phân tích được 1 đoạn thơ/bài thơ mà còn phải hướng vào việc giải quyết tình huống đó. Đối với những em chỉ chọn 1 đoạn thơ/bài thơ bất kì để phân tích mà không giải quyết được tình huống sẽ dừng lại ở mức điểm khá.

Theo báo cáo của Sở GDĐT TP.HCM, tổng số thí sinh dự thi môn Ngữ văn ở điểm thi lớp 10 thường sáng nay là 90.802 em, vắng 255 em, đạt tỷ lệ 99,71%. Đối với điểm thi lớp chuyên, có 7.608 thí sinh dự thi, vắng 8 em, đạt tỷ lệ 99,89%.

Chiều nay, các thí sinh sẽ bước vào môn thi thứ 2, môn Ngoại ngữ với thời gian làm bài là 90 phút.

Gặp tai nạn trên đường, thí sinh được CSGT hộ tống đến điểm thi

Trên đường đi thi, một thí sinh gặp tai nạn giao thông bị thương ở chân đã được CSGT TP.HCM đưa đến điểm thi kịp thời.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-thi-ngu-van-lop-10-tai-tphcm-de-thi-vua-suc-du-doan-co-nhieu-bai-viet-tot-192240606093821742.htm