Đề thi Ngữ văn: Ý nghĩa của lao động chân chính

Câu nghị luận xã hội đề thi thử môn Ngữ văn Cụm chuyên môn số 5 tỉnh Điện Biên yêu cầu học sinh bàn về ý nghĩa của lao động chân chính.

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Như một nghệ sĩ tài ba

Người lái máy cày vẽ lên mặt ruộng

Những bức tranh trìu tượng

Những đường loằng ngoằng...

Những nét lổm chổm...

Những gam màu nâu đen...

***

Tôi mường tượng trên bức tranh kia

Những vụ mùa tươi tốt,

Những mầm xanh từ mặt đất nâu đen

Vươn lên

Và tôi ước mình hóa thân hạt giống

Gieo mùa vàng

***

Những đường loằng ngoằng vô tận

Những đường cong

Đất lấp lánh ánh bạc

Giọt mồ hôi cũng lấp lánh ánh bạc

Những luống cày hình xoắn ốc

Nở hoa...

(Nghệ thuật, Dương Trọng Nghĩa, thi vien.net.vn)

Câu 1. Xác định thể thơ.

Câu 2. Trong khổ thơ thứ (2), nhân vật "tôi" đã mường tượng trên bức tranh những gì?

Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong hai câu thơ cuối khổ (3) "Những luống cày hình xoắn ốc/ Nở hoa..."

Câu 4. Thông điệp nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bản về giá trị của lao động chân chính.

Câu 2 (5 điểm)

Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ. Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo mới mẻ của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài.

Gợi ý đáp án

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Nhân vật tôi mường tượng đến bức tranh: vụ mùa tươi tốt, mầm xanh từ mặt đất nâu đen vươn lên.

Câu 3. Tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong hai câu thơ cuối khổ (3) "Những luống cày hình xoắn ốc/ Nở hoa...": Làm cho đoạn thơ, bài thơ thêm sinh động, tăng tính gợi hình gợi cảm. Nhấn mạnh tài nghệ của người lái máy cày, đồng thời cho thấy mỗi công việc đều có một nghệ thuật riêng

Câu 4. Thông điệp có ý nghĩa nhất: lao động là vinh quang. Bởi vì, lao động là yếu tố tiên quyết để tồn tại và phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người. Lao động giúp con người được hoạt động, trải nghiệm, được tích lũy cũng như trau dồi về kiến thức cuộc sống, kiến thức trong mọi lĩnh vực. Sức lao động của mỗi cá nhân là một đóng góp cho xã hội, cộng đồng.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Giá trị của lao động chân chính: Lao động là việc con người làm việc, hoạt động tạo ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân và tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng bàn tay, khối óc của mình thông qua nghề nghiệp.

Lao động có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với mỗi con người. Lao động chính là thước đo khẳng định giá trị của mỗi con người.

Lao động giúp cho con người rèn luyện và gia tăng tư duy, khả năng phán đoán, hoàn thiện và phát triển, thúc đẩy bản thân mỗi người cũng như cuộc sống và xã hội phát triển.

Nếu xã hội không có lao động, con người sẽ mãi dậm chân tại chỗ, không có của cải để nuôi sống bản thân, cống hiến cho xã hội, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Có lao động, con người mới phát huy và hoàn thiện được bản thân, mới tìm được ý nghĩa đích thực và chân chính của cuộc sống…

Câu 2. Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ. Từ đó, nhận xét về giá trị nhân đạo mới mẻ của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài.

Giới thiệu tác giả Tô Hoài, tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", nội dung đoạn trích và vấn đề cần nghị luận.
Diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm đông cứu A Phủ

- Những đêm mùa đông trên núi cao, Mị thường dậy sớm trong nỗi cô đơn hiu quạnh một mình lặng lẽ. Thấy A Phủ bị trói, lúc đầu Mị thản nhiên "nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi". Nhưng đến lúc bất chợt nhìn thấy dòng nước mắt đau đớn, tuyệt vọng của A Phủ thì tâm hồn Mị hồi sinh một tình người sâu sắc:

Mị thấy đồng cảm với A Phủ, "Mị nhớ lại đêm năm trước A Sử cũng trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia". Mị và A Phủ là những phận người đồng cảnh ngộ, vừa nghèo khổ vừa bị bọn thống trị đày đọa tàn nhẫn.

Trong phút chốc Mị nhớ lại những ngày tháng tủi nhục trước đây. Mị sống và làm việc như một con vật, bị bắt trói đứng suốt đêm. Mị nhớ đến người đàn bà bị chồng trói đến chết. Trong Mị bừng lên sự căm phẫn tột cùng "Chúng nó thật độc ác".

Mị lo lắng, cảm thương cho tình cảnh hiểm nghèo của A Phủ " Chỉ đêm mai là người kia chết chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Một cái chết thê thảm sẽ đến với A Phủ.

Mị thấy thật bất công, vô lí nếu A Phủ phải chết "người kia việc gì phải chết thế". Mị nhận ra nếu phải chết thì đó là một cái chết đầy oan ức cho A Phủ.

Mị nghĩ rằng nếu giải thoát cho A Phủ thì Mị sẽ là người thay thế nhưng "làm sao Mị cũng không thấy sợ". Sức mạnh của tình người thôi thúc Mị, khiến Mị chiến thắng sự sợ hãi.

Mị quyết tâm cởi trói cho A Phủ, Mị đem hết nghị lực để thực hiện hành động táo bạo ấy. Dù trong lòng rất hồi hộp, lo lắng đến "nghẹn lại" nhưng cách Mị cắt, gỡ dây trói thì rất dứt khoát. Sự dũng cảm, lòng thương người đã giúp Mị giải thoát cho A Phủ.

Mị đứng lặng trong bóng tối. Đó chính là giây phút Mị suy nghĩ về bản thân và lựa chọn. Mị đang đứng ở ranh giới ở lại thì chết mà chạy đi có thể được sống. Một khoảnh khắc định mệnh và Mị phải sáng suốt quyết định.

Mị đã vùng chạy theo A Phủ là một sự lựa chọn sáng suốt. Chỉ có giải thoát mới mong thay đổi được số phận, mới được sống đúng nghĩa. Hàng loạt động từ: "Vụt chạy, băng đi, đuổi kịp, lăn…" cho thấy Mị đã dồn hết sức mạnh cố thoát khỏi cõi chết để tìm đến sự sống. Mị và A Phủ "đỡ nhau lao chạy" trong niềm thôi thúc mãnh liệt của lòng khao khát được sống tự do.

Đây là kết quả tất yếu của một quá trình Mị bị dồn nén, chà đạp. Sức sống tiềm tàng đã thúc đẩy Mị phản kháng và tự giải thoát mình.

Mị, tiêu biểu cho người phụ nữ lao động người Mông nghèo khổ, bị vùi dập trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng vẫn tỏa sáng một tâm hồn đẹp: Khát khao tự do, hạnh phúc, dũng cảm vùng lên giải thoát số phận nghiệt ngã.

- Đặc sắc nghệ thuật xây dựng nhân vật: tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn; miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tài tình; xây dựng nhân vật sinh động, có cá tính; ngôn ngữ sinh động, sáng tạo, giàu tính tạo hình; nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

Giá trị nhân đạo mới mẻ của tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"

Nhà văn ca ngợi nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, phẩm chất của những con người miền núi. Không chấp nhận để nhân vật rơi vào ngõ cụt, nhà văn còn chỉ ra cho họ con đường mới - con đường tìm đến cách mạng để tự giải phóng cuộc đời.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-ngu-van-y-nghia-cua-lao-dong-chan-chinh-179240513135441873.htm