Đề thi tham khảo Tốt nghiệp THPT: Phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp

Đề thi Toán, Văn có một phần giảm mức độ yêu cầu đối với học sinh, nhưng vẫn có sự phân hóa.

Ngày 7.5, Bộ Giáo dục và đào tạo đã chính thức công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020, gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Đức, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp và Tiếng Trung); Bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Phóng viên Người Đô Thị xin giới thiệu nhận định của một số giáo viên hiện đang giảng dạy của Hệ thống giáo dục HOCMAI về bộ đề thi tham này.

Môn Toán

Về cơ bản, đề thi phù hợp với mục đích chính của kỳ thi là để xét công nhận tốt nghiệp THPT như Bộ Giáo dục và đào tạo đã thông báo trước đây.

Về nội dung kiến thức: Đề thi vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ đã công bố, trong đó 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 với 34 câu hỏi thuộc kiến thức của Học kì I, 11 câu thuộc học kì II; 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11 (câu 1, 2, 26, 39, 40).

Về độ khó của đề thi: Có khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng (20%) và vận dụng cao (10%). So với đề thi tham khảo Bộ Giáo dục và đào tạo công bố ngày 3.4.2020 thì đề có độ phân hóa tốt hơn ở 5 câu hỏi cuối (khoảng điểm 9,10) đều thuộc kiến thức của các chuyên đề hàm số - mũ loga - hình học không gian (bài toán thể tích).

Phần câu hỏi trên 7 điểm thuộc lớp 11 và học kì 1 lớp 12 . Học kì 2 lớp lớp 12 chỉ có 2 câu thuộc chuyên đề tích phân (đây là phần giao thoa giữa học kì 1 và 2 lớp 12).

Mặc dù Bộ Giáo dục và đào tạo đã có phương án giảm tải, tinh giản về mặt kiến thức song đề thi sẽ vẫn có nhiều những câu đòi hỏi học sinh phải học thật sự nghiêm túc mới có thể xử lý tốt và không bị mất điểm. Do đó học sinh cũng không được chủ quan trong quá trình ôn tập cho kì thi sắp tới.

Nhiều trường đại học sẽ tiếp tục căn cứ vào kết quả của kỳ thi THPT để xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: Trung Kiên

Nhiều trường đại học sẽ tiếp tục căn cứ vào kết quả của kỳ thi THPT để xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: Trung Kiên

Môn Ngữ văn

Nhận định chung: đề thi tham khảo kì thi Tốt nghiệp THPT 2020 có một phần giảm mức độ yêu cầu với học sinh, có thể sẽ giúp cho mục đích chính của kì thi: xét Tốt nghiệp THPT; còn sự phân hóa - với đặc thù môn văn, sẽ thể hiện ngay trong mức độ trình bày, cảm nhận, khai thác ý... của mỗi em, không hoàn toàn thể hiện trong số lượng các câu như các môn khác.

Đề tham khảo kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 môn Ngữ văn về cơ bản không có thay đổi so với đề thi THPT quốc gia trong những năm gần đây. Cấu trúc đề vẫn bao gồm hai phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm); phần làm văn vẫn có hai câu với quỹ điểm như cũ, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm), câu nghị luận văn học (5 điểm).

Phần đọc hiểu có chút thay đổi dễ nhận ra về mức độ yêu cầu cho bốn câu hỏi, cụ thể câu 1,2,3 đều dừng ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào ngữ liệu đọc hiểu để nhận ra nội dung trả lời cho mỗi câu hỏi; chỉ có câu 4 là câu vận dụng. Như vậy, nếu căn cứ riêng vào phần đọc hiểu, có thể nhận thấy mức độ yêu cầu cho đề thi Tốt nghiệp THPT đã nhẹ nhàng hơn so với đề thi THPT quốc gia trước đây - tuy nhiên điều đó ít nhiều khiến quá trình ôn luyện có thể xô lệch với tinh thần của Thông tư 22 năm 2016 về các mức độ thiết kế ma trận đề thi ( nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao).

Nếu đề tham khảo chỉ để “tham khảo”, có thể xô lệch so với đề thi chính thức (dự kiến tổ chức vào tháng 8.2020), việc ôn luyện cho kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn rất cần lưu tâm tới các mức độ của ma trận của Thông tư 22 năm 2016.

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội vẫn có mối quan hệ hữu cơ với phần đọc hiểu, cụ thể, câu lệnh vẫn hướng tới yêu cầu học sinh bàn luận về một bình diện (sự cần thiết) của vấn đề (tôn trọng quan điểm người khác). Nội dung bàn luận này tuy không được trợ giúp bởi các câu hỏi đọc hiểu phần lớn ở mức độ nhận biết, nhưng phần ngữ liệu đọc hiểu lại có khá nhiều gợi ý, vì vậy, câu viết đoạn sẽ không làm khó học trò.

Câu nghị luận văn học vẫn là dạng bài cảm nhận một đoạn thơ, trong đó câu lệnh yêu cầu cảm nhận cụ thể về hai định hướng nội dung hiện hữu trong đoạn thơ: khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính. Đây cũng là những nội dung kiến thức và kĩ năng quen thuộc với học trò.

Môn tiếng Anh

Về cấu trúc đề: Các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và tương đương với các đơn vị kiến thức được kiểm tra trong đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và đào tạo công bố ngày 3.4.2020. Đề cũng có sự thay đổi với dạng bài trắc nghiệm hoàn thành câu: tăng một câu ngữ pháp kiểm tra về mạo từ và giảm một câu trong bài đọc hiểu thứ 2.

Về nội dung đề: Các đơn vị kiến thức được kiểm tra tương đương với đề tham khảo lần một mà Bộ Giáo dục và đào tạo công bố ngày 3.4.2020 và rải rác từ học kỳ I đến học kỳ II lớp 12: phát âm đuôi "-s", trọng âm với từ hai và ba âm tiết, câu hỏi đuôi, giới từ, mạo từ, danh động từ, câu điều kiện, thì động từ, liên từ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, rút gọn mệnh đề quan hệ.

Về độ khó của đề thi: 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết; thông hiểu; Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu có độ khó tương đương với đề tham khảo ngày 3.4.2020 và thuộc các chuyên đề: Ngữ âm: phát âm đuôi "-s", trọng âm với từ hai và ba âm tiết; câu hỏi đuôi, giới từ, mạo từ, danh động từ, câu điều kiện, thì động từ, liên từ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, rút gọn mệnh đề quan hệ, loại từ; phrasal verb, word choice, từ đồng nghĩa - trái nghĩa; Câu giao tiếp; Tìm lỗi sai.

30% câu hỏi trong đề ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, giảm so với đề thi tham khảo ngày 3.4.2020 nhưng chất liệu bài đọc khó đọc hơn (bài đọc 7 câu); độ nhiễu của các phương án cao hơn, mất nhiều thời gian tư duy hơn.

Lê Minh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/de-thi-tham-khao-tot-nghiep-thpt-phu-hop-voi-muc-dich-xet-cong-nhan-tot-nghiep-23513.html