Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 quan tâm đánh giá năng lực vận dụng kiến thức

Đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà hướng nhiều hơn đến đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT)

GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT phục vụ công tác tuyển sinh là 1 trong 3 tiêu chí của Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mong muốn giảm chi phí, giảm áp lực và tăng tính công bằng giữa học sinh các vùng miền trên cả nước.

Để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu này theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội và các Nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả thi phải đủ độ tin cậy, có tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh. Theo đó đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có một số thay đổi quan trọng.

Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Đồng thời định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

Đề thi phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% nghiêng về mục đích tốt nghiệp; trong khi tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.

GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết thêm: Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

Cũng theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, việc bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể:

Trong năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo chương trình cũ và 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2018).

Các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó.

Các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2006 hoặc đề thi theo Chương trình GDPT 2018.

Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của chương trình GDPT 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-quan-tam-danh-gia-nang-luc-van-dung-kien-thuc-post720700.html