3 năm xung đột Nga-Ukraine và hệ lụy đối với trẻ em
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ảnh hưởng lớn đối với trẻ em nơi 'bom rơi đạn lạc', làm gián đoạn cuộc sống trong giai đoạn phát triển quan trọng của cuộc đời các em.

Với nhiều trẻ em từ ba tuổi trở xuống tại khu vực xung đột Nga-Ukraine, đa số thời gian cuộc đời của các em gắn liền với những các cuộc đánh bom, bạo lực và ly tán. (Nguồn: UNICEF)
Phần lớn thời gian trong cuộc đời của trẻ em dưới ba tuổi tại khu vực xung đột Nga - Ukraine gắn liền với bom đạn, bạo lực và chia ly. Tình trạng căng thẳng kéo dài, cùng với sự gián đoạn các điều kiện sống thiết yếu, có thể để lại những tác động lâu dài đối với sức khỏe và quá trình học tập của các em.
Trong khi đó, thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trường học đóng cửa do xung đột. Việc thiếu tương tác với bạn bè đồng trang lứa cùng áp lực căng thẳng kéo dài không chỉ gây gián đoạn nghiêm trọng trong giáo dục mà còn làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tinh thần.
Xung đột kéo dài đã buộc khoảng 3,7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 6,86 triệu người phải lánh nạn ở nước ngoài. Kể từ tháng 2/2022, hơn 2.520 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương. Đáng lo ngại, con số thực tế có thể còn cao hơn, do các số liệu trên chỉ dựa trên những trường hợp được Liên hợp quốc xác nhận.
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền trẻ em
Những tác động của xung đột đến trẻ em được thể hiện rõ trong cả quá trình trưởng thành của trẻ, từ thuở ấu thơ cho tới khi trưởng thành. Hơn 1.600 trường học và gần 786 cơ sở y tế bị hư hại hoặc phá hủy trong ba năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tiếp cận giáo dục và y tế của trẻ em. Những cơ sở thiết yếu này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các em phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đối với thanh thiếu niên, xung đột tước đi cơ hội học tập và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, cản trở quá trình tham gia vào thị trường lao động. Điều này không chỉ đe dọa tương lai của chính các em mà còn ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và phát triển của đất nước.
Đứng trước đống đổ nát của ngôi trường cũ, David, 15 tuổi, chia sẻ: “Lớp học của em ở tầng hai giờ không còn gì nữa. Em thực sự hy vọng sẽ có một ngôi trường mới cho chúng em. Có lẽ em sẽ không bao giờ được ngồi trong lớp học nữa và phải tiếp tục học trực tuyến, nhưng em mong hai em trai mình sẽ được đến trường và hưởng một nền giáo dục đúng nghĩa”.
Khủng hoảng sức khỏe tinh thần
Những năm tháng vị thành niên trở nên đặc biệt khó khăn đối với thanh thiếu niên tại khu vực xung đột Nga - Ukraine khi các em phải đối mặt với tình trạng trường học đóng cửa, thiếu không gian an toàn, mất kết nối xã hội và căng thẳng kéo dài. Điều này không chỉ gây gián đoạn nghiêm trọng trong giáo dục mà còn tạo ra thách thức lớn đối với sức khỏe tinh thần. Cảm giác buồn bã, lo lắng và cô đơn đặc biệt phổ biến ở trẻ em gái.
Những vấn đề sức khỏe tinh thần càng trở nên trầm trọng khi thanh thiếu niên phải dành hàng giờ trong hầm trú ẩn dưới tiếng còi báo động không kích. Tại Ukraine, hầu hết các em rơi vào tình trạng cô lập với bạn bè, bỏ lỡ những cơ hội giao lưu quan trọng và mất đi sự hỗ trợ từ giáo viên.
Em Nikita, 16 tuổi, đã chạy trốn khỏi xung đột ở Ukraine cùng gia đình để bắt đầu cuộc sống mới ở Budapest, Hungary nhưng vẫn không quên nỗi ám ảnh: "Khi tiếng còi báo động vang lên, chúng em vội vã đến một nơi trú ẩn gần đó, em sẽ không bao giờ quên cảnh tượng khi quay đầu nhìn lại: Các tòa nhà bị nổ tung chỉ cáchvài mét, tất cả hỗn loạn và mọi người đều la hét".
Tại các quốc gia tiếp nhận người tị nạn, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp với chính phủ sở tại để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em phải di tản trong thời gian dài. Đồng thời, UNICEF thúc đẩy quá trình thích nghi bền vững, giúp các em hòa nhập thông qua các chương trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ trẻ em.

Em Nikita, 16 tuổi, không quên nỗi ám ảnh của cuộc xung đột. (Nguồn: UNICEF)
Phục hồi và hướng tới tương lai
Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trẻ em cùng các gia đình bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine đã thể hiện khả năng phục hồi và quyết tâm phi thường. Tuy nhiên, các em cần sự hỗ trợ lâu dài và bền vững để có thể ổn định cuộc sống.
Tại đây, UNICEF phối hợp với chính phủ và các đối tác nhằm hỗ trợ những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Tổ chức này tập trung đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách, bao gồm bảo đảm tiếp cận nước sạch, hỗ trợ tài chính, chăm sóc y tế, giáo dục cũng như hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em.
Em Ihor, 12 tuổi, tham gia các tiết học bổ túc trong hầm trú bom ngay dưới một ngôi trường gần Kharkiv chia sẻ: “Vì xung đột, em đã không thể đi học, nhưng giờ em đã có thể đến đây để học lớp tiếng Ukraine và lớp Toán nhằm bắt kịp với những kiến thức bị bỏ lỡ khi học trực tuyến. Thật tốt khi được học, thậm chí, còn có thể sống ở đây nữa”.
Những nỗ lực mang tính dài hạn đang tạo dựng nền tảng cho tái thiết hậu xung đột, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và củng cố hệ thống dịch vụ vì trẻ em. Điều đó có nghĩa là trẻ em sẽ được bảo vệ, cung cấp hỗ trợ y tế, giáo dục và các cơ hội thiết yếu kịp thời và chất lượng.
Đầu tư vào thế hệ trẻ hôm nay, theo tổ chức UNICEF, chúng ta có thể giúp các em phát huy hết tiềm năng, xây dựng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển bền vững đất nước Ukraine giai đoạn hậu xung đột.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/3-nam-xung-dot-nga-ukraine-va-he-luy-doi-voi-tre-em-305387.html