Để thỏa ước lao động tập thể không mang tính hình thức

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng TƯLĐTT là nội dung được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thái Nguyên quan tâm chỉ đạo các công đoàn cơ sở chú trọng triển khai. Qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn; đồng thời giúp NLĐ yên tâm, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực hiện thỏa ước lao động tập thể, điều kiện làm việc của người lao động tại Công ty CP CNT Group (ở xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) ngày càng được cải thiện. Ảnh: T.L

Thực hiện thỏa ước lao động tập thể, điều kiện làm việc của người lao động tại Công ty CP CNT Group (ở xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) ngày càng được cải thiện. Ảnh: T.L

Trong tháng 6 vừa qua, Công đoàn Công ty CP CNT Group (ở xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) phối hợp với Ban Giám đốc Công ty tổ chức Hội nghị ký kết TƯLĐTT. Theo đó, TƯLĐTT của Công ty có thời hạn 3 năm, gồm 4 chương, 30 điều, quy định những cam kết của người sử dụng lao động và NLĐ về quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên.

Đặc biệt, bản thỏa ước này có 1 chương gồm 7 điều khoản được thực hiện có lợi hơn cho NLĐ so với Bộ luật Lao động quy định, trong đó có các điều khoản quy định chế độ phúc lợi, khen thưởng, hỗ trợ học tập nâng cao trình độ, tiền ăn ca… Qua đó động viên NLĐ hăng say làm việc, tạo đà tăng trưởng và phát triển cho doanh nghiệp.

Còn tại Công ty Mani Hà Nội (trụ sở ở Khu công nghiệp Điềm Thụy), từ nhiều năm nay, Ban Chấp hành Công đoàn phối hợp với lãnh đạo Công ty đưa vào TƯLĐTT các nội dung có lợi hơn cho NLĐ. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, chia sẻ: TƯLĐTT của Công ty quy định chế độ xăng xe 499 nghìn đồng/1 người/1 tháng; trợ cấp đời sống 200 nghìn đồng/1 người/1 tháng; thưởng chuyên cần 500 nghìn đồng/1 người/1 tháng; tặng quà nữ lao động ngày 8/3 và 20/10; mừng tuổi đầu năm, thăm hỏi lao động khi sinh con (cả lao động nam và nữ); tiền ăn ca 23 nghìn đồng/suất… Các chế độ phúc lợi được thực hiện đầy đủ, kịp thời đã góp phần giúp NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Công ty đang tạo việc làm ổn định cho trên 3.460 lao động với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Thái Nguyên hiện có 313/392 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 80%) có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT, trong đó 91% TƯLĐTT đạt loại A, B, loại C chiếm 7,7%, còn lại là loại D và không xếp loại. Khảo sát tại một số doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, TƯLĐTT ở một số đơn vị đã có nhiều nội dung tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho NLĐ về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, bữa ăn ca; thêm thời gian nghỉ ngơi có hưởng lương trong năm.

Đặc biệt, việc tổ chức thăm hỏi lễ, tết; tạo điều kiện cho NLĐ được học tập, đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… cũng được các đơn vị chú trọng đề cập.

Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ tấm lát sàn Ausda (Khu công nghiệp Sông Công II) và lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể (tháng 5-2024).

Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ tấm lát sàn Ausda (Khu công nghiệp Sông Công II) và lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể (tháng 5-2024).

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bản TƯLĐTT còn mang tính hình thức, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến việc thương lượng tập thể, nội dung thương lượng chủ yếu xoay quanh vấn đề tiền lương, tiền thưởng và một số vấn đề phúc lợi khác ít điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật, vẫn còn một số bản TƯLĐTT đạt loại C, D.

Sau khi ký kết, nhiều doanh nghiệp không gửi TƯLĐTT đến cơ quan chức năng và công đoàn cấp trên. Ngoài ra, vẫn còn các đơn vị sử dụng lao động không muốn hoặc chưa thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Trước thực trạng trên, ngay sau Đại hội lần thứ XVII, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chương trình nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028 với chỉ tiêu phấn đấu 80% các bản TƯLĐTT chỉ bao gồm các nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh đã thành lập nhóm chuyên gia về TƯLĐTT cấp tỉnh gồm 8 thành viên chuyên trách để tham mưu cho LĐLĐ tỉnh các hoạt động để nâng cao chất lượng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các công đoàn cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở về hoạt động này.

LĐLĐ tỉnh cũng thường xuyên phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy chế đối thoại, thương lượng tập thể cũng như việc ký kết, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện TƯLĐTT.

Đồng chí Nguyễn Tấn Sơn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh, cho biết: Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về đối thoại, quy trình thực hiện thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT và giám sát việc thực hiện tại doanh nghiệp.

Thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ và người sử dụng lao động về sự cần thiết, tầm quan trọng của TƯLĐTT trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định; nâng cao chất lượng bản thỏa ước.

LĐLĐ tỉnh cũng sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; biểu dương khen thưởng các đơn vị đã thực hiện tốt và kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Lương Hạnh - Tuấn Hiệp

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202410/de-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-khong-mang-tinh-hinh-thuc-06311e0/