Để thực hiện thành công đổi mới GD cần trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Chính sách dù thiết thực đến đâu, nếu thiếu đi 'cánh tay đắc lực' của công tác thông tin, truyền thông, sẽ rất khó đi vào thực tiễn.
Năm 2023, đã bước qua năm thứ 10 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo dù đã đạt được không ít thành tựu, song, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai.
Để có góc nhìn đa dạng hơn về nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý Khoa học-Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Đà Lạt), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.
Một số “điểm sáng” đáng ghi nhận
Trao đổi với phóng viên về đổi mới giáo dục đại học, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh lại mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 29-NQ/TW là: Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Nữ đại biểu đánh giá, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, xét riêng về giáo dục đại học, đã đạt được một số “điểm sáng” đáng chú ý.
Cụ thể, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phân tích: “Thứ nhất, để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Quốc hội đã ban hành Luật số 34/2018/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, điểm mấu chốt là cải thiện cơ bản về mô hình quản trị đại học, thông qua một thiết chế mới được đặt ra - thiết chế Hội đồng trường.
Theo số liệu được Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin trong Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học (tổ chức ngày 26/8/2023), đã có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập Hội đồng trường theo quy định. Theo đó, Hội đồng trường từng bước đã đi vào hoạt động và chứng minh hiệu quả.
Thứ hai, công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đã có những bước tiến quan trọng. Có thể kể đến con số 54 trường đại học, học viện trên toàn quốc với 352 chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục bởi các tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài.
Thứ ba, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học đã và đang ngày càng được quan tâm và từng bước được đẩy mạnh. Có những cơ chế, chính sách đặc biệt để ưu đãi thu hút giảng viên có chất lượng, uy tín về giảng dạy trong các trường đại học.
Thứ tư, các trường đại học sư phạm chủ chốt đã từng bước khẳng định vai trò trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Một trong những tác động tích cực trong thời gian qua là chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm đã có sự chuyển biến tích cực, điểm chuẩn tăng lên so với trước. Đã qua rồi, thời của những câu nói vui “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, không còn những năm điểm thi chỉ cần 9-10 điểm/3 môn cũng có thể đậu. Năm 2023, điểm trúng tuyển sư phạm có ngành lên đến 28-29 điểm. Đó là những đổi mới rất quan trọng kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29”.
Xét về vị trí, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
“Tôi có thể kể ra một số bảng xếp hạng mà giáo dục Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của US News, Việt Nam xếp thứ 59 (tăng 5 bậc so với năm 2020).
Ngày 28/9/2023, tổ chức xếp hạng Times Higher Education (THE) của Anh đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2024 (THE WUR 2024). Đây là kỳ xếp hạng có số cơ sở giáo dục đại học tham gia nhiều nhất với 2.673 đơn vị từ 127 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam tiếp tục có 6 đại diện được xếp hạng, gồm: Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Chất lượng giáo dục “mũi nhọn” tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế, giáo dục “mũi nhọn” của Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia giáo dục tốt nhất trên toàn thế giới.
Như vậy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo đã dần tiệm cận và đạt được các mục tiêu tổng quát đã đề ra, trong đó, xếp hạng của giáo dục Việt Nam là một “điểm sáng” rất quan trọng, cho thấy giáo dục Việt Nam đã được ghi nhận bởi các tổ chức trong khu vực và quốc tế” - nữ đại biểu cho biết.
Còn nhiều khó khăn, bất cập trong tự chủ đại học
Chia sẻ về thực tiễn đổi mới của Trường Đại học Đà Lạt, Trưởng phòng Quản lý Khoa học-Hợp tác Quốc tế cho biết, nhà trường xác định giá trị cốt lõi là thụ nhân, khai phóng, bản sắc và luôn hướng tới mục tiêu là kết nối truyền thống tới hiện đại.
Theo đó, Trường Đại học Đà Lạt thực hiện quá trình tự chủ, đã có chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế - CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, nghĩa là Hình thành ý tưởng - Thiết kế ý tưởng - Thực hiện - Vận hành). Đây là một mô hình giáo dục theo chuẩn quốc tế, được rất nhiều nước trong khu vực và quốc tế áp dụng. Mô hình này đổi mới một cách toàn diện quá trình dạy - học trong chương trình đào tạo đại học của nhà trường, không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, mà còn chú trọng trau dồi kỹ năng, thái độ phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đặt ra.
Trường Đại học Đà Lạt đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục năm 2019. Hiện tại, trường đã có 10 chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo chuẩn của khu vực (AUN-QA được ban hành năm 2004 bởi Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á). Trường xếp thứ 38 trong “top” 100 trường đại học hàng đầu Việt Nam (theo VNUR năm 2023). Trường nằm trong “top” 30 trường đại học hàng đầu cả nước, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng về thành tích công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín thế giới.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh, giống với các cơ sở giáo dục đại học khác, Trường Đại học Đà Lạt cũng đang gặp phải một số vướng mắc trong các quy định về tự chủ.
“Việc giao quyền tự chủ vẫn còn một số bất cập. Theo tôi, đây là vấn đề chung mà tất cả các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đều gặp phải khi nhắc đến tự chủ.
Thứ nhất, về học thuật, khi giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, đưa ra khung quy định thay vì quy định chi tiết, cụ thể như trước đây. Vì vậy, trong quá trình triển khai, ít nhiều vẫn còn lúng túng, bất cập, dẫn đến còn chậm trễ.
Thứ hai, một số Hội đồng trường vẫn chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, do thành viên của Hội đồng trường kiêm nhiệm ở bên ngoài không cùng môi trường với giáo dục đại học và chưa dành nhiều thời gian cho hội đồng, trong khi quản trị đại học cần những quyết sách rất trực tiếp và kịp thời. Vì nhiều lý do nên ở một số nơi Hội đồng trường vẫn chưa được vận hành một cách đồng bộ với các hoạt động của trường.
Thứ ba, tự chủ là nhắc đến 3 phương diện: tài chính, nhân sự, học thuật. Tuy nhiên, về nhân sự, các cơ sở giáo dục đại học công lập không được tự quyết định về tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức mà phải thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình quy định của Luật Viên chức và quy định của cơ quan chủ quản.
Về tài chính, còn nhiều “rào cản” do thiếu đồng bộ trong các quy định của các luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, nguồn thu chủ yếu của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học vẫn đang đến từ học phí. Trong khi đó, lộ trình “tính đúng”, “tính đủ” các chi phí giáo dục còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, dẫn đến các cơ sở giáo dục gặp khó khăn, lúng túng trong việc cải thiện môi trường giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Chính vì lẽ đó, mặc dù tự chủ là quan điểm rất mới trong Luật Giáo dục đại học nhưng đôi lúc, đôi nơi còn vướng, còn chưa có tự chủ thực chất, chưa được thực hiện một cách toàn diện, triệt để” - nữ đại biểu phân tích thêm.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng kiến nghị, cần sơ kết lại việc thực hiện Nghị định 99 và Luật số 34, lắng nghe ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, lắng nghe ý kiến từ phụ huynh, người học, để nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những bất cập nêu trên, trong đó, bất cập lớn nhất là sự chồng chéo giữa các quy định khác nhau.
Chính sách mà thiếu công tác thông tin, tuyên truyền thì rất khó đi vào thực tiễn
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề cập: “Trong Nghị quyết 29 cũng xác định, giải pháp đầu tiên là giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, của cả hệ thống chính trị.
Để làm được như vậy, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.
Lâu nay, có những chính sách rất thiết thực nhưng chỉ vì thiếu đi “cánh tay đắc lực” của công tác thông tin, truyền thông, mà rất khó đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tôi cho rằng, nguyên tắc đầu tiên khi chúng ta thực hiện đổi mới ở bất kỳ lĩnh vực nào, là phải tạo được sự đồng thuận, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Bản thân chính những “người trong cuộc” - từ những người thực hiện quá trình đổi mới đến những người thụ hưởng thành quả của đổi mới, phải biết, phải hiểu, phải chia sẻ thì mới làm được và mới có hiệu quả”.
Phụ trách về khoa học công nghệ của Trường Đại học Đà Lạt, đồng thời là thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh chỉ ra một số giải pháp liên quan tới đầu tư cho khoa học công nghệ: “Thứ nhất, cần phải tập trung đầu tư nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao phải là một yếu tố tiên quyết trong phát triển khoa học công nghệ.
Tôi lấy ví dụ, vừa rồi, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất ban hành cơ chế đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học công nghệ (mức lương 60-120 triệu đồng/tháng cho những lãnh đạo của tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Ủy ban nhân dân thành phố thành lập). Chính sách như vậy kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhân tài, cũng như tạo điều kiện làm việc thực tế để Thành phố Hồ Chí Minh có những nghiên cứu khoa học xứng tầm, phát triển đất nước.
Thứ hai, cần tập trung đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản. Thời gian qua, tình hình tuyển sinh của những ngành khoa học cơ bản tại các trường công lập, nhất là ở những trường lớn, có bề dày thành tích hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện có gần 50% số ngành khoa học cơ bản đang gặp khó trong việc duy trì quy mô đào tạo phù hợp với năng lực của đội ngũ hiện có, cũng như đáp ứng nhu cầu về tri thức, bồi đắp giá trị khoa học của đất nước.
Hiện tại, trong bối cảnh 4.0, chúng ta đang thiếu cả triệu nhân lực về công nghệ thông tin. Tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước; đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực phối hợp, tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, trong đó có công nghiệp bán dẫn...
Trong khi đó, để có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., không thể không cần đến khoa học cơ bản, hay nói cách khác, khoa học cơ bản vẫn là sức sống để phát triển nền khoa học nước nhà.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn, khi nhiều thí sinh không còn hứng thú nhiều với khoa học cơ bản, Nhà nước phải có một chiến lược dài hơi, liên quan đến phát triển khoa học công nghệ nước nhà, mà đặc biệt là đầu tư cho khoa học cơ bản, nhân lực của khoa học cơ bản.
Để làm được điều này, tôi cho rằng, giống như Nghị định 116 trước đây đã góp phần thu hút sinh viên ngành sư phạm, chúng ta cần có một chương trình tương tự đối với các ngành khoa học cơ bản và theo chính sách “đặt hàng”, từ đào tạo nguồn nhân lực, đến các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học lớn...
Thứ ba, phải tăng cường liên kết hợp tác, với doanh nghiệp. Lâu nay, nhiều người cho rằng, khoa học của chúng ta có nghiên cứu nhưng không phục vụ được sự phát triển của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, Nhà nước đã quy định phải trích lập quỹ nghiên cứu khoa học, nhưng theo một thống kê của Bộ Tài chính, chỉ có 0,02% tổng số doanh nghiệp trích lập quỹ và tỉ lệ giải ngân rất thấp (khoảng 40%).
Theo một thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (dẫn nguồn của Tổng cục Thuế), từ năm 2015 đến năm 2021, có gần 1.400 doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ nghiên cứu khoa học với số tiền 23,876 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có 11,7 nghìn tỷ đồng đã được sử dụng. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp rất cần nghiên cứu khoa học, rất cần đổi mới khoa học công nghệ, để áp dụng vào quy trình sản xuất, nhưng việc “đặt hàng” cho các trường đại học vẫn chưa đạt định mức. Trong khi một bên là doanh nghiệp có tiền, tồn dư rất lớn; còn một bên là trường đại học rất cần tiền để nghiên cứu khoa học mà không sử dụng được, bởi hai bên chưa gặp được nhau.
Tôi cho rằng, một vướng mắc nằm ở Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước hiện vẫn chưa rõ ràng, nên rất khó thực hiện kết nối nghiên cứu khoa học giữa trường và doanh nghiệp.
Chính vì vậy, cần giải pháp để liên kết giữa trường đại học và các doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học chặt chẽ hơn, khởi sắc hơn và phải có một hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Thứ tư, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Thực tế, nguồn nhân lực ở nước ngoài muốn hoạt động khoa học công nghệ ở Việt Nam cũng không kém phần dồi dào, tuy nhiên do còn rất nhiều vướng mắc, từ cơ chế thu hút, hợp đồng lao động, môi trường hoạt động cho các nhà khoa học... Vì vậy, chúng ta cần phải có những đổi mới thông thoáng hơn, đổi mới môi trường làm việc để thu hút nguồn nhân lực ở nước ngoài về, cũng như có những chương trình hợp tác nước ngoài với nhiều nghiên cứu dài hơi và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Đứng trước kỷ nguyên chuyển đổi số, chúng ta đặt mục tiêu phát triển nhân lực về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, vệ tinh viễn thám vũ trụ,... Vì vậy, cần phải có một chiến lược lựa chọn liên kết hợp lý, hợp tác “đứng trên vai những người khổng lồ”, để từ đó, cải thiện môi trường hoạt động khoa học công nghệ trong các trường đại học cũng như toàn Việt Nam”.
“Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, để đưa những những giải pháp hữu hiệu, triển khai những chính sách thiết thực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và mang lại hiệu quả, không thể không chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền.
Phải làm sao để công tác truyền thông kịp thời, sâu rộng đến từng cơ sở giáo dục, đến tập thể đội ngũ, đến các đơn vị đối tác, đến người học cũng như toàn thể nhân dân” - một lần nữa, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh.