Để thương mại điện tử phát triển bền vững

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), (Bộ Công thương) cho biết, TMĐT đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Thương mại điện tử phát triển sôi động.

Thương mại điện tử phát triển sôi động.

Theo đại diện Cục TMĐT&KTS, hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến. Rào cản gia nhập trong môi trường điện tử lại thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là hướng ra thị trường nước ngoài, thương mại điện tử xuyên biên giới.

TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của VIệt Nam chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.

“Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước. TMĐT là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền "ảo" với "thực”- ông Thành nói và cho biết đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, chỉ riêng TPHCM có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của TPHCM.

Cả nước có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm TMĐT, qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm, nếu gián tiếp thì có lẽ là hàng triệu. Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao. Riêng năm 2023, doanh thu của TMĐT là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ đồng. Ngoài kinh doanh online, nhiều sàn điện tử cũng là một phần của TMĐT, một phần của bán lẻ, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Đại diện Cục TMĐT&KTS cho biết, định hướng kế hoạch phát triển TMĐT trong 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ đó là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế; trong đó xây dựng những giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường.

PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng nhận định, không gian cho TMĐT ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở. Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương (trực tiếp là Cục TMĐT&KTS) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.

Hiện nay, trên các sàn TMĐT nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng. Hàng năm có hơn 1,1 triệu các hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch TMĐT. Cùng với chính sách phát triển TMĐT, các Bộ, ngành cũng đang phối hợp để đưa ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho hoạt động này phát triển lành mạnh.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-thuong-mai-dien-tu-phat-trien-ben-vung-10288127.html