Để thủy sản thuận lợi vào thị trường EU

Bình Thuận có nghề cá phát triển, sản lượng thủy sản hàng năm trên 200.000 tấn, có lực lượng doanh nghiệp cùng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ công nhân chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu, có nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực khô và đông lạnh cùng các thị trường truyền thống.

Để thủy sản thuận lợi vào thị tr

 Hiệp định EVFTA mở ra hy vọng mới cho xuất khẩu thủy sản. Ảnh: N.Lân

Hiệp định EVFTA mở ra hy vọng mới cho xuất khẩu thủy sản. Ảnh: N.Lân

Năm nay, xuất khẩu thủy sản Bình Thuận cũng bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid - 19, lượng hàng xuất sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc giảm sút, ảnh hưởng tới đời sống công nhân và đông đảo bà con ngư dân. Tuy nhiên, sự ra đời của Hiệp định EVFTA vào đầu tháng 8, như một làn gió mới, mở ra một hy vọng mới cho xuất khẩu thủy sản.

Trước đây mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU bình quân là 14%, từ ngày 1/8 sẽ có 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu giảm về 0% trong 3 - 4 năm. Thủy sản Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các nước xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Thái Lan chưa ký FTA với EU. Những năm qua, xuất khẩu thủy sản của tỉnh phát triển nhanh chóng, đóng góp lớn vào xuất khẩu chung toàn quốc. Trong giai đoạn 2016 - 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,75%/năm. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Bình Thuận chủ yếu tập trung vào mặt hàng có lợi thế như may mặc, thủy sản (đông lạnh, khô), nông sản (thanh long, cao su, nhân hạt điều, rau quả các loại), giày dép, đồ gỗ, phụ tùng ô tô, giấy cao cấp... trong đó mặt hàng thủy sản chiếm lợi thế.

Ngày 11/9 vừa qua, lô hàng tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam do Công ty TNHH Thông Thuận (xã Vĩnh Hảo - Tuy Phong) sản xuất đã có “giấy thông hành” sang EU, tận dụng ưu đãi thuế 0% của EVFTA. Trước khi có hiệp định này, thuế nhập khẩu với tôm sú đông lạnh là 12 - 20%. Các lô tôm đông lạnh xuất sang EU hôm 11/9 đều đạt chứng chỉ ASC - đây là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản. Được biết, sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực, đơn hàng xuất khẩu thủy sản vào EU tăng rõ rệt so với trước.

Theo các doanh nghiệp có hàng thủy sản xuất vào EU, để các đơn hàng thủy sản thuận lợi hơn vào thị trường EU, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản cần áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thủy sản chế biến và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam phải cấp bách gỡ “thẻ vàng” chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đổi mới công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác và đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, chú trọng các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần triển khai đồng bộ các chính sách để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại. Qua đó nhằm tìm kiếm đối tác để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu vào thị trường EU các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8, với lộ trình miễn giảm thuế quan về 0% với một số nhóm mặt hàng, trong đó có thủy sản sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng vào thị trường này.

Song Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/de-thuy-san-thuan-loi-vao-thi-truong-eu-132685.html