Để tiền lương phải là nguồn thu nhập chính

Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024 và tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quyết nghị của Trung ương. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm không chỉ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà cả những người về hưu cũng ngóng trông.

Một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở; xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành... Sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.

Lương phải là thu nhập chính đảm bảo cho cuộc sống của cán bộ công nhân viên chức.

Lương phải là thu nhập chính đảm bảo cho cuộc sống của cán bộ công nhân viên chức.

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định việc cải cách tiền lương nhằm mục đích đưa tiền lương về đúng giá trị thực, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Việc thực hiện cải cách tiền lương góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ổn định nguồn nhân lực trong khu vực công.

Chúng ta không khó để nhận ra với chính sách tiền lương không đủ sống sẽ dẫn đến hệ lụy là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt trong cuộc sống hàng ngày. Không ít người biết áp dụng mềm dẻo, linh hoạt các quy định pháp luật, nội quy cơ quan, thậm chí là “lách luật” để làm thêm.

Là giáo viên thì tranh thủ mở lớp dạy thêm; là bác sĩ, dược sĩ thì làm thêm ở phòng khám tư, cho mượn tên để mở nhà thuốc; sử dụng máy tính của cơ quan để tranh thủ kinh doanh qua mạng, bán hàng đa cấp, môi giới chứng khoán, bất động sản; là công chức ở các cơ quan hành chính thì cố tình tạo ra khó khăn, tìm cách sách nhiễu, đòi hỏi, chờ đợi người dân, doanh nghiệp “bồi dưỡng” để được giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính, đổi lại sẽ nhận được sự thiên vị, chiếm ưu thế so với các cá nhân, doanh nghiệp khác…

Lợi dụng công việc có liên quan với lĩnh vực mình đang phụ trách thì chỉ cần bí mật cung cấp thông tin về dự án, quy hoạch, đấu giá, đấu thầu… cho những đối tượng có nhu cầu là có "hoa hồng" trong đó. Chúng ta luôn thấy bóng dáng của tiêu cực, tham nhũng từ những thu nhập "phụ" dạng này mà đây lại là loại tham nhũng rất khó xử lý. Do vậy, nghịch lý thời gian qua cho thấy "Ai cũng kêu lương thấp, nhưng ai cũng sống đàng hoàng".

Đúng là tiền lương hiện nay quá thấp, nhưng cũng còn một thực tế nữa là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang làm việc với hiệu suất và chất lượng kém, mà ngay cả với tiền lương thấp như hiện nay cũng chưa xứng đáng, chứ chưa nói gì đến tăng lương. Cộng thêm vào đó biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đã và đang phá hoại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm mọt ruỗng tinh thần công vụ của một số cá nhân cán bộ, công chức. Nhìn bề ngoài khó có thể thấy những hậu quả mà nó đem lại, nhưng kỳ thực, tác hại của nó không hề nhỏ. Không chữa trị được những căn bệnh này thì không hệ thống tiền lương nào có thể phát huy được tác dụng thực sự cả.

Đương nhiên, không phải chỉ thực hiện chính sách tiền lương đúng đắn, đủ sống thì cán bộ, công chức sẽ không cần xoay xở, không còn tham nhũng, tiêu cực. Nhưng có thể khẳng định, chừng nào còn duy trì chính sách tiền lương bất cập thì cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực còn gay go.

Cải cách chỉ thành công khi sử dụng đúng người, đúng việc, thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế... Chúng ta không chỉ cải cách tiền lương mà cần phải có yêu cầu, đòi hỏi người nhận lương phải làm việc thế nào để xứng đáng với tiền lương được hưởng. Không thể để tình trạng quá nhiều những người được làm việc nhưng làm không được việc và cũng để người làm việc được, nhưng lại đang không được làm việc như mình mong muốn.

Tăng lương, cải cách tiền lương một mặt là tăng chất lượng cuộc sống, mặt khác là cơ sở để chúng ta giữ chân người có tài, người giỏi phục vụ phát triển của đất nước. Khi có một công việc ổn định, đúng với năng lực trình độ, cùng với một mức lương đảm bảo cho một cuộc sống dư dả sẽ có tác dụng quyết định đến đời sống, đạo đức và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng môi trường sống tốt cho những người tốt và cũng để cả xã hội cùng sống tốt hơn.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-tien-luong-phai-la-nguon-thu-nhap-chinh-i710819/