Để 'tiếng chiêng' của đối ngoại Việt Nam mãi vang xa…
Kế thừa quan điểm của các kỳ đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cụ thể hóa và có bước phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại với chủ trương: 'Nhận thức đúng về xu thế của thời đại và cục diện thế giới, khu vực, Đảng, Nhà nước đã có định hướng chỉ đạo và các chính sách đúng đắn, kịp thời trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc'(1).
Trong 5 năm qua (2016-2020), việc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, phức tạp và khó lường. Với sự kiên định mục tiêu đối ngoại “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi... để phát triển đất nước”, phát huy các thành tựu đối ngoại trong 30 năm đổi mới, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là:
Một là, duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN. Điều này được thể hiện rõ trên các phương diện sau: Việt Nam đã xử lý tốt và không ngừng đưa các mối quan hệ với các đối tác hàng đầu như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Nhật Bản... đi vào chiều sâu và ngày càng thực chất; kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, Việt Nam vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam đã xử lý tương đối cân bằng mối quan hệ với các nước lớn.
Việt Nam cũng đang tích cực tham gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì và củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài.
Công tác biên giới lãnh thổ có nhiều kết quả tích cực. Việt Nam và Lào đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc giới; đang triển khai việc thực hiện Nghị định thư và Hiệp định quy chế biên giới Việt - Lào. Việt Nam và Campuchia đã phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực. Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền.
Đây là những thành quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu can thiệp của các lực lượng thù địch trong vấn đề dân chủ nhân quyền, tôn giáo; kịp thời xử lý nhiều vụ việc phức tạp về chính trị, đối ngoại, góp phần bảo vệ chế độ, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội...
Hai là, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Australia, New Zealand; đối tác toàn diện với Myanmar, Canada, Hungary, Brunei và Hà Lan.
Đến nay, Việt Nam đã có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện, tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã được ký kết hoặc kết thúc đàm phán, 4 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Cùng với đó, thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ngày càng mở rộng, hiện nay, đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Việt Nam tiếp tục tranh thủ được nhiều nguồn lực to lớn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Hợp tác quốc tế và hội nhập về y tế, giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được thúc đẩy. Tính đến ngày 20-9-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Ba là, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về việc “Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm”, chúng ta luôn tích cực, chủ động trong các hoạt động nhằm “nâng tầm ngoại giao đa phương”, nhất là các vấn đề có lợi ích sát sườn với Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nhất trong năm APEC Việt Nam 2017.
Chúng ta đã và đang quyết tâm thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Đó là không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần, mà còn chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, đồng thời vươn lên đóng vai trò tích cực vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Việc Việt Nam góp phần tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, qua đó thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, được các đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng đảm nhiệm ngày càng nhiều trách nhiệm quốc tế như gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền...; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao gần tuyệt đối (192/193 phiếu) đã cho thấy sự tin tưởng, kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Đặc biệt, trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm 3 trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), thể hiện trách nhiệm quốc tế của đất nước cũng như năng lực của “binh chủng” đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu và xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với nhiều cơ chế, tổ chức, sáng kiến quốc tế như Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20), Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)... Các nước lớn ngày càng coi trọng Việt Nam và đặt Việt Nam ở vị thế ngày càng cao trong chiến lược của họ ở khu vực và trên thế giới.
Công tác đối ngoại đạt được những thành tựu kể trên là nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những thành tựu quan trọng này còn là kết quả của sức mạnh đoàn kết dân tộc, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo của các cán bộ làm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đối ngoại nhân dân; sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả các bài học lớn còn nguyên giá trị thời đại của ngoại giao Việt Nam hiện đại, đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”...
Tiếp tục đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với thế và lực của đất nước sau gần 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, tin tưởng rằng, “tiếng chiêng” của đối ngoại Việt Nam sẽ mãi vang xa, khẳng định thực lực của đất nước và khát vọng phát triển ngày càng lớn mạnh, phồn vinh, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
(1)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2016, tr.152.