Để tiếng then vang giữa rừng xanh

Bài hát 'Lời then dâng Đảng' được nhiều câu lạc bộ (CLB) luyện tập như một bài 'tủ' để tham gia giao lưu và biểu diễn. Khi đến xã Nghinh Tường (Võ Nhai) chúng tôi cũng được đắm mình trong những làn điệu mượt mà, vui tươi như vậy.

“Ngọt ngào như tiếng suối ngàn reo/ Ấm áp hơn muôn ngọn lửa hồng/ Đậm đà hơn muôn ngàn lời ca/ Là tiếng đàn Tính quê hương… À ơi ơ ớ ơi… lời then dâng lên Đảng kính yêu...” - Tiếng hát Then ngân vang trên nền tính tẩu với âm điệu rộn ràng khiến người nghe chộn rộn niềm vui khó tả. Bài hát “Lời then dâng Đảng” được nhiều câu lạc bộ (CLB) luyện tập như một bài “tủ” để tham gia giao lưu và biểu diễn. Khi đến xã Nghinh Tường (Võ Nhai) chúng tôi cũng được đắm mình trong những làn điệu mượt mà, vui tươi như vậy.

Một tiết mục hát Then, đàn Tính của phụ nữ xã Nghinh Tường.

Một tiết mục hát Then, đàn Tính của phụ nữ xã Nghinh Tường.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, trong đó có hát Then, đàn tTính, năm 2017, xã Nghinh Tường thành lập CLB Hát Then, đàn Tính. Lúc mới thành lập, CLB chỉ có 9 thành viên, nay đã nâng lên 23 người tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Nhiều năm qua, CLB không chỉ là môi trường cho những người yêu thích hát Then, đàn Tính trong xã có cơ hội giao lưu, học hỏi, thỏa niềm đam mê ca hát cho vơi đi những mệt nhọc đời thường; mà trong các hội diễn, liên hoan văn hóa - văn nghệ các cấp, CLB đã đạt được nhiều giải thưởng cao, như giải Xuất sắc tại Liên hoan “Quê hương - Khúc hát - Thơ - Then” Hội Văn học Nghệ thuật huyện Võ Nhai năm 2022…

Anh Hoàng Văn Hải, Chủ nhiệm CLB Hát Then, đàn Tính xã Nghinh Tường, cho biết: Xã có 100% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 62,58% số dân. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số là rất cần thiết, trong đó có hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày. Trong những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc thiểu số xã Nghinh Tường đã có bước phát triển tích cực; đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt, song hành với đó là các bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là dân tộc Tày ngày càng được phát huy và gìn giữ.

Ngoài việc tập hát, múa, đánh đàn Tính, Ban Chủ nhiệm CLB còn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự phấn khởi thi đua lao động, sự tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc.

CLB cũng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương, như: Tham dự Liên hoan Quê hương khúc hát thơ then 6 xã phía Bắc năm 2022; tham gia Đoàn Liên hoan văn nghệ các dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai lần thứ 7, năm 2024; tham dự các buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ tại địa phương và các xã bạn nhân dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị của địa phương.

Cùng với đó, CLB còn tuyên truyền, khuyến khích người dân tộc Tày mặc trang phục truyền thống và học hát Then, đàn Tính, đan lát truyền thống, giữ gìn các nghi lễ truyền thống tốt đẹp của dân tộc...

Hằng năm, CLB đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập thực tế nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn” tại các khu di tích lịch sử. Đặc biệt, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, CLB đã tuyên truyền, vận động người dân tộc Tày mặc trang phục truyền thống…

Có thể nói, CLB Hát Then, đàn Tính xã Nghinh Tường đã góp phần khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Quá trình hoạt động của CLB đã hình thành các tổ văn nghệ quần chúng ở từng xóm, thường xuyên tổ chức tập luyện, giao lưu, chia sẻ, học tập liên tổ, liên xóm.

Đồng thời, các tổ văn nghệ cũng tích cực học hỏi và phối hợp với các nghệ nhân dân gian có tâm huyết trong hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, thống kê để hình thành "ngân hàng dữ liệu” các làn điệu bài hát then, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến nghệ thuật hát Then của dân tộc Tày.

Theo anh Hải, bên cạnh những kết quả đạt được, CLB vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí duy trì hoạt động; một số di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc dần bị mai một như như các lễ nghi, cần được truyền dạy cho thế hệ sau… Để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những khó khăn, đưa CLB Hát Then, đàn Tính xã Nghinh Tường nói riêng và các CLB khác nói chung luôn được gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật, chất tinh thần cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số... gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc.

Nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ, động viên các "hạt nhân" là người có uy tín, trưởng tộc mở các lớp truyền dạy phong tục, bản sắc cho con em người dân tộc thiểu số. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình; biểu dương, tôn vinh, động viên người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202407/de-tieng-then-vang-giua-rung-xanh-d031f9f/