Để tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm mãi ngân vang

Đường lên huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên buổi sáng chớm xuân đẹp mơ màng với sương giăng lãng đãng trên dãy đồi hình bát úp. Những thiếu nữ người Chăm, Ba Na lủng lẳng vòng kiềng bạc trên cổ, lắc lư chiếc gùi tre trên lưng theo nhịp bước chân hối hả lên nương rẫy đón mùa lúa mới vàng thơm.

Bên những con đường rực rỡ sắc hoa không chỉ có tiếng chim lảnh lót phía sau vòm lá, mà trong buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngân vang tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm đánh thức lễ hội mùa xuân về.

Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm, Ba Na ở miền núi Đồng Xuân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cách đây 8 năm. Còn ba loại nhạc cụ này ra đời hàng trăm năm trước và là một sản phẩm độc đáo không thể thiếu trong không gian văn hóa, đời sống tâm linh của mỗi gia đình, dòng tộc đồng bào DTTS ở các buôn làng trên vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc Phú Yên.

Nghệ nhân huyện Đồng Xuân trình diễn trống đôi.

Nghệ nhân huyện Đồng Xuân trình diễn trống đôi.

“Mặc dù cuộc sống thời ấy còn du canh, du cư từ triền núi này đến đồi rừng kia, nhưng người dân luôn mang theo trống đôi, cồng ba, chiêng năm để giữ lấy hồn cốt dân tộc đã có từ nhiều đời” -Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân cho chúng tôi biết vậy khi đưa chúng tôi về Xí Thoại, xã Xuân Lãnh gặp già làng La Chí Thái để tìm hiểu về bộ ba nhạc cụ truyền thống người Chăm, Ba Na.

Theo mạch chuyện kể của Thượng tá Nguyễn Quang Thắng cùng với những tư liệu của Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên, trống đôi gồm trống đực và trống cái, chế tác từ nguyên khối gỗ mít, hoặc những mảnh gỗ ghép lại với chiều cao 40 - 60cm, đường kính 25 - 27cm. Mặt trống đôi được làm bằng da bò già đã qua ngâm nước ba ngày đêm, nên nhạc cụ này thuộc họ màng rung được kích âm bằng bàn tay của nghệ nhân vỗ vào bề mặt trống, kết hợp nhuần nhuyễn với điệu múa chuyên biệt.

Còn cồng ba và chiêng năm được chế tác từ kim loại đồng, hai nhạc cụ này được tách ra từ dàn cồng chiêng 12 chiếc của người Ba Na. Trong đó, cồng ba gồm cồng mí (mẹ) có đường kính 53cm, cồng mai (chị) 43cm, cồng con (con) 31cm, trên tâm điểm bề mặt cồng có núm nổi. Khi trình diễn, nghệ nhân cầm dùi gỗ làm từ cây Zdu dài 25-30cm, gõ đầu dùi đã bọc vải hoặc cao su vào núm cồng. Khi thao tác kỹ năng đánh cồng, nghệ nhân đánh buông nhiều hơn đánh chặn để thanh âm ngân vang tự nhiên, bay bổng hơn.

Chiêng năm có đường kính tăng dần từ 28,5-37cm, tất cả đều không có núm như cồng và được sắp xếp theo thứ tự thanh âm: Pồng, pềnh, pang, poong, pếch. Khi đánh chiêng năm, nghệ nhân kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay dùi gỗ với tay chặn âm thanh trên mặt chiêng.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên, trước kia cồng ba và chiêng năm là hai nhạc cụ độc lập, sau này các nghệ nhân phối hợp âm thanh và thống nhất tiết tấu với nhau; cồng ba hòa thanh, chiêng năm diễn tấu giai điệu, kết hợp với tiếng trống đôi đã tạo nên bộ ba nhạc cụ hoàn hảo.

Múa hát trống đôi nơi buôn làng vùng cao huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).

Múa hát trống đôi nơi buôn làng vùng cao huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên).

Cũng theo ông Ka Sô Liễng, trong bộ ba nhạc cụ nêu trên, trống đôi có sức hấp dẫn nhất bởi tiết tấu, âm điệu không như trống tuồng, trống trận, trống chèo... Điệu thức trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không giới hạn một trường độ, cao độ nhất định. Khi trình diễn trống đôi cùng với điệu múa, đôi tay của nghệ nhân tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập, âm điệu ngẫu biến chồng lên nhau khiến cho người nghe cảm nhận thanh âm từ trống là những âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn.

Múa trống đôi còn có một ngữ điệu rất riêng, từ thanh âm của trống và nhịp điệu múa của hai nghệ nhân, họ có thể trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ biểu cảm. Có lẽ vì thế nên người Ba Na cho rằng cuộc nói chuyện ấy trong đánh trống đôi là sâu lắng nhất. Người này hỏi, người kia đáp, tất cả đều mượn tiếng trống thay cho lời, còn điệu múa thể hiện phong cách ứng xử. Khi đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện khiến cho người xem lạ mắt, sướng tai. Nếu không hợp nhau thì tiếng trống như đốp chát, nghỉnh ngảng. Do đó nghệ nhân trình diễn trống đôi phải ngang sức, ngang tài người tung, kẻ hứng trọn vẹn cuộc chơi.

Sinh thời, nhạc sĩ Ngọc Quang, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên là người có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với nhạc cụ DTTS ở vùng đất này, đã nhận xét: “Múa trống đôi là sự phối cảm đầy ngẫu hứng, sáng tạo và rất độc đáo của người Chăm, Ba Na. Điều kỳ diệu là nhiều nghệ nhân chưa hề biết một nốt nhạc, nhưng khi biểu diễn họ ứng biến tài tình như một nhạc công đạt trình độ cao siêu. Từ ngẫu hứng dâng trào dẫn đến tự do phá thể, nghệ thuật múa trống đôi có những nét như nhạc công chơi nhạc Jazz, tạo hứng khởi cho người xem theo nhịp trống”.

Nghệ nhân người Ba Na nói chuyện về trống đôi với trẻ em trong làng. Ảnh: TTVH Đồng Xuân

Nghệ nhân người Ba Na nói chuyện về trống đôi với trẻ em trong làng. Ảnh: TTVH Đồng Xuân

Nói về không gian trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm, bà Nguyễn Thị Bích Đào, chuyên viên Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Yên cho biết, bộ ba nhạc cụ này được trình diễn trong các lễ mừng lúa mới trên nương rẫy, lễ xoay cột con trâu bên nhà văn hóa, lễ cúng bến nước cạnh con suối, lễ thổi tai trẻ sơ sinh mới chào đời trong ngôi nhà sàn, lễ hội văn hóa các dân tộc ở nơi tổ chức… Giai điệu chiêng năm sẽ khởi đầu buổi trình diễn, tiếp đó cồng ba hòa thanh rồi mới đến trống đôi vào cuộc, tạo nên những tiết tấu, âm thanh, điệu thức độc đáo giữa miền sơn cước khiến cho du khách đắm say với men rượu cần nồng nàn trong đêm lễ hội, hòa cùng nhịp sống của buôn làng.

Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, một đề án phát triển văn hóa du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai. Ngoài việc phát huy bản sắc văn hóa tại các lễ hội truyền thống, địa phương đã tổ chức cho các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho thế hệ trẻ thường xuyên sinh hoạt văn hóa, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để giữ gìn âm thanh, sắc màu của bộ ba nhạc cụ này trong đời sống thường nhật. Bên cạnh đó, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cũng đã được quảng bá đến với du khách bằng nhiều hình thức, trong đó có cả phim tài liệu “Miền đất huyền thoại” do Hãng phim DSF sản xuất; chương trình “Về Phú Yên thưởng thức trống đôi, cồng ba, chiêng năm“ do Vietnam Travellog thực hiện…

Điều đáng nói là xuyên suốt hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương này nói chung và nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm nói riêng, luôn có sự tham gia tích cực của Công an huyện Đồng Xuân trong các hoạt động bảo đảm ổn định an ninh xã hội miền núi, vùng đồng bào DTTS. Và từ đề án phát triển văn hóa du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến miền núi Đồng Xuân thưởng thức giá trị văn hóa nhạc cụ truyền thống của người Chăm, Ba Na ở vùng đất này.

Một mùa xuân mới lại về. Sức sống mới đang căng tràn khắp huyện miền núi Đồng Xuân. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm sẽ góp phần thắp sáng văn hóa, du lịch vùng đất huyền thoại...

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/de-tieng-trong-doi-cong-ba-chieng-nam-mai-ngan-vang-i721316/