Để tòa chuyên biệt về sở hữu trí tuệ không phải là bình mới rượu cũ

Thẩm phán giỏi luật là điều hiển nhiên nhưng để làm tốt chức năng của tòa chuyên biệt sở hữu trí tuệ thì thẩm phán phải giỏi cả… toán. Bởi lẽ, thách thức lớn của lĩnh vực này nằm ở chỗ, mỗi đối tượng chứa đựng nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đặc thù. Nếu không có kiến thức sâu rộng ngoài chuyên môn pháp luật, thẩm phán rất khó để đưa ra phán quyết có giá trị sâu sắc.

Ngày 24-6-2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân sửa đổi. Trong đó, điểm mới nổi bật là quy định về tòa án chuyên biệt nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ việc có tính chất đặc thù, gồm hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.

Xu hướng tất yếu trên thế giới

Tòa án Nhân dân (TAND) chuyên biệt về sở hữu trí tuệ (SHTT) độc lập so với hệ thống tòa án các cấp cũng như tòa chuyên trách hiện hành. Tòa chuyên biệt SHTT có quyền hạn tương đương với tòa án cấp sơ thẩm khác, nhưng chỉ tập trung vào vụ việc SHTT. Ngoài ra, cần phải chờ tới khi Bộ luật Tố tụng Dân sự được sửa đổi thì các quy định chi tiết về cách thức hoạt động của tòa này mới được làm rõ.

Mặc dù không có bất kỳ ràng buộc hay thông lệ quốc tế nào (Hiệp định TRIPS cũng trao quyền tự quyết cho các quốc gia), việc thành lập tòa chuyên biệt về SHTT đang là xu hướng ngày càng rõ rệt trên thế giới.

Chế định này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, hay người hàng xóm đặc biệt tương đồng với Việt Nam là Thái Lan. Hoặc trường hợp đặc thù khác là Singapore, mặc dù không thiết lập một tòa chuyên biệt, nhưng tòa cấp cao nước này đã ban hành danh sách các thẩm phán chuyên về SHTT cũng như một bộ quy chế hướng dẫn riêng cho lĩnh vực này.

Một vài sản phẩm của thương hiệu. Ảnh: Dòng Dòng Sài Gòn

Một vài sản phẩm của thương hiệu. Ảnh: Dòng Dòng Sài Gòn

Muốn chấm dứt những bản án thiếu sức sống…

Không thể phủ nhận là hoạt động tư pháp trong lĩnh vực SHTT đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong những năm gần đây. Số lượng vụ án được tòa án các cấp xét xử ngày càng nhiều, đa dạng cả về dân sự, hình sự lẫn hành chính.

Năm 2024 còn chứng kiến liên tiếp hai vụ án hình sự về xâm phạm quyền tác giả trên không gian mạng được đưa ra xét xử. Với việc cả hai đều có sự tham gia của đương sự “máu mặt” như Đơn vị tổ chức giải bóng đá Ngoại hạng Anh (FAPL), hay Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), chắc chắn hình ảnh Việt Nam về thực thi bản quyền sẽ được đánh giá tích cực hơn.

Tuy vậy, các thành tựu trên không khỏa lấp được thực tế rằng, phần lớn các bản án về tranh chấp SHTT đều thể hiện vai trò hết sức mờ nhạt của thẩm phán. Trong hoạt động xét xử, thẩm phán phải là người đưa ra các lập luận đủ sức nặng, thiết lập được các nguyên tắc để cụ thể hóa điều luật.

Thế nhưng khi đọc vào các bản án SHTT, người ta lập tức nhận ra hầu hết nội dung về SHTT đều do tổ chức giám định thực hiện. Một cách thậm xưng, giám định viên đã thay tòa “định tội” (xác định có hay không hành vi xâm phạm), còn thẩm phán chỉ từ đó áp dụng biện pháp phù hợp.

Dĩ nhiên, tổ chức giám định có vai trò tối quan trọng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng trong vụ án dân sự, kết luận giám định chỉ có giá trị tham khảo. Thẩm phán luôn phải dựa vào chuyên môn và nhận định cá nhân để trình bày các lý lẽ thuyết phục được đương sự.

Thì thẩm phán phải giỏi… toán

Thẩm phán giỏi luật là điều hiển nhiên. Nhưng để làm tốt chức năng của tòa chuyên biệt SHTT, thẩm phán phải giỏi cả… toán.

Thực ra, toán học ở đây chỉ là tượng trưng cho nền tảng kiến thức bao quát, nhất là về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, mà thẩm phán SHTT cần có. Thách thức lớn của lĩnh vực này nằm ở chỗ, mỗi đối tượng chứa đựng nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đặc thù. Nếu như không có kiến thức sâu rộng ngoài chuyên môn pháp luật, rất khó để họ có thể đưa ra phán quyết có giá trị sâu sắc.

“Khó nhằn” nhất phải kể đến sáng chế. Không phải sáng chế nào cũng phức tạp, nhưng một khi nó đã phức tạp thì sẽ… phức tạp vô cùng, chẳng hạn như sáng chế về dược phẩm, sinh hóa phẩm. Không ai buộc thẩm phán phải là chuyên gia biết tuốt, nhưng chí ít là những người cầm cân nảy mực, họ buộc phải hiểu về chúng.

Thẩm phán huyền thoại được phong tước hiệp sĩ Anh Sir Robin Jacob có bằng khoa học tự nhiên (hóa học) tại Đại học Cambridge lừng danh trước khi học luật. Các chuyên gia về sáng chế hàng đầu thế giới và Việt Nam hiện nay phần lớn cũng xuất thân là dân kỹ thuật. Đó là chưa kể đến nếu chạm tới quyền tác giả, đôi khi hội đồng xét xử phải cảm nhận được văn thơ, hội họa, hay biết mã nguồn, câu lệnh là gì (giả sử tranh chấp về chương trình máy tính).

Rõ ràng, cũng nên thông cảm rằng các thẩm phán hiện nay đến với tranh chấp SHTT chỉ là tay ngang, là việc buộc phải làm. Bởi vậy, các thẩm phán sắp tới được phân công về tòa chuyên biệt đang phải đứng trước những thách thức khổng lồ, với nỗ lực bình mới, rượu cũng phải mới.

Nguyễn Lương Sỹ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-toa-chuyen-biet-ve-so-huu-tri-tue-khong-phai-la-binh-moi-ruou-cu/