Để TP HCM là nơi đáng sống (*): Giải bài toán quản lý môi trường
Không chỉ có những tiện nghi hiện đại, người dân còn phải được tận hưởng thiên nhiên trong lành, nhiều tiện ích nâng tầm chất lượng sống, gắn kết cộng đồng trong nội khu...
Với vị thế là một thành phố trực thuộc Trung ương, được xếp loại đô thị đặc biệt, trong những năm qua, TP HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao phúc lợi, năng suất lao động, tích tụ và lan tỏa tri thức, tăng năng lực cạnh tranh...
Dẫu vậy, trong tương lai, để duy trì vị thế, TP HCM phải hướng đến sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với việc quản lý môi trường.
Nhiều trăn trở
HĐND TP HCM đã ra Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm điều chỉnh nguồn thu cho ngân sách để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.
Gần đây, tại TP HCM đã có 30 vị trí quan trắc môi trường không khí. Ngoài ra, thành phố cũng đã tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển đô thị của TP HCM vẫn còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đó là quá trình phát triển và đô thị hóa nhanh đặt ra những thách thức nghiêm trọng trong quản lý ô nhiễm PM2,5 (hạt bụi trong môi trường không khí).
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thời gian gần đây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố diễn ra khá phức tạp, chuyển biến nhanh và chịu tác động từ một số yếu tố bất lợi của thời tiết làm tích tụ ô nhiễm gây hiện tượng mù quang hóa ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Không chỉ ô nhiễm môi trường không khí, nạn rác thải cũng đang trở thành vấn đề gây nhức nhối. Theo nghiên cứu khảo sát của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), ước tính tỉ lệ rác nhựa ra môi trường tại TP HCM trên 200 tấn/ngày, tương đương 73.000 tấn/năm.
Mới đây nhất, theo số liệu thu được tại các điểm quan trắc trên sông Sài Gòn, các chỉ số BOD5 (Biochemical Oxygen Demand - nhu cầu ôxy sinh hóa) và COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu ôxy hóa học) khá cao, điều này cho thấy chất lượng nguồn nước ở thành phố cũng đang trong tình trạng báo động.
Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của thành phố chưa qua xử lý phần lớn đang xả thẳng ra kênh rạch rồi chảy ra sông Sài Gòn khiến cho nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm.
Tăng cường quản lý quy hoạch và xây dựng
Để xây dựng TP HCM thành nơi hạnh phúc và đáng sống, trước hết cần tăng cường chất lượng quản lý quy hoạch và xây dựng.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng hiện nay để ban hành các quy chế quản lý quy hoạch một cách cụ thể, hiệu quả hơn. Hướng đến mục tiêu bảo đảm cho công tác quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ, hài hòa về không gian, kiến trúc và cảnh quan.
Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức không gian đô thị và kiến trúc đô thị. Đối với khu vực đô thị mới, quỹ đất tương đối nhiều, lại có hệ thống kênh rạch nên trong quy hoạch xây dựng phải cấm lấn chiếm hành lang kênh rạch, sông ngòi, xây dựng công viên, cây xanh theo quy hoạch đã được phê duyệt...
Hạn chế tối đa việc san lấp kênh rạch để phát triển các dự án đô thị; khai thác ưu thế sông nước để tạo lập cảnh quan đô thị mới.
Đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (hình thành các khu dân cư, nhà xưởng tự phát, sai phép, không phép, gây ô nhiễm môi trường...), cần phải xử lý kịp thời và triệt để. Những cán bộ có hành vi bao che, tiếp tay phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Bên cạnh việc tăng cường chất lượng quản lý quy hoạch cần áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Chẳng hạn tăng cường đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác quan trắc và kiểm soát chất lượng môi trường.
Việc làm này sẽ giúp thành phố xây dựng được hệ thống quan trắc hiện đại, tự động cung cấp các công cụ xử lý số liệu hiệu quả, giúp cho công tác dự báo, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường chính xác và nhanh chóng hơn.
Trong công tác xử lý chất thải sinh hoạt, bên cạnh phương pháp chôn lấp, cần tăng dần việc sử dụng công nghệ ủ phân vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ, tiến đến việc xử lý tất cả rác thải hoàn toàn bằng công nghệ đốt phát điện.
Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân đô thị phải được quan tâm và tiến hành đối với mọi lứa tuổi, nhất là thế hệ trẻ.
Bên cạnh giáo dục, tuyên truyền, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới để đưa ra quy định, khung hình phạt bổ sung nhằm xử lý các trường hợp, đối tượng gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, nếu các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông qua các quy định và khung hình phạt bổ sung sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.
Còn nhiều việc phải làm
Vấn đề cần giải quyết trước hết ở TP HCM là cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, vấn đề ùn tắc giao thông cần có hướng nghiên cứu, xử lý khoa học, bền vững, lâu dài.
Thực tế việc ùn tắc không chỉ ở khu vực nội thành mà nhiều tuyến đường, khu dân cư mới cũng xảy ra tình trạng tương tự cho thấy mức độ đầu tư, quy hoạch không sát với thực tế, không theo kịp sự phát triển đô thị.
Cần nghiên cứu, khuyến khích đầu tư thêm nhiều bãi đậu xe ngầm. Việc quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn xa, không vì bài toán dân cư mà xây dựng bằng mọi giá.
Để TP HCM trở thành nơi đáng sống, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó quy hoạch đô thị, dân cư, phát triển hạ tầng giao thông là mục tiêu quan trọng, cần nghiên cứu thực hiện thật bài bản và khoa học.
Thanh Vân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5