Để TP.HCM trở thành trung tâm y tế tại khu vực châu Á

Định hướng phát triển TP.HCM thành một 'trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN' đã được xác định tại Nghị quyết 31 ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị. TP.HCM đã có chiến lược rõ ràng cho việc này.

Để trở thành một “trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”, việc xây dựng y tế thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nước và khu vực. Với chiến lược rõ ràng, sự quyết tâm của ngành y tế và sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, y tế TP.HCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS-BS NGUYỄN ANH DŨNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (ảnh), về vấn đề trên.

Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số y tế

. Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua ngành y tế TP.HCM đã triển khai những gì trong quá trình chuyển đổi số hướng tới xây dựng nền y tế thông minh?

+ Ông Nguyễn Anh Dũng: TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số y tế. UBND TP đã ban hành các quyết định quan trọng về phê duyệt Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Gần đây nhất là kế hoạch định hướng cụ thể các hoạt động chuyển đổi số ngành y tế TP, phát triển y tế thông minh đến năm 2030.

Cụ thể, ngành y tế TP tập trung xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử khám chữa bệnh (KCB) từ xa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán - điều trị, tích hợp sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống GIS theo dõi dịch tễ, ứng dụng công nghệ trong điều phối thuốc, chuyển đổi số trong quản lý y tế và cải cách hành chính…

 Lãnh đạo BV Thống Nhất tham quan hệ thống chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao, thế hệ mới. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Lãnh đạo BV Thống Nhất tham quan hệ thống chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao, thế hệ mới. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

. Ngành y tế TP đã đạt được những thành tựu nào sau thời gian thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như vậy, thưa ông?

+ Chúng tôi xác định lấy người dân làm trung tâm, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ như dễ tiếp cận dịch vụ, giảm thời gian chờ và bảo vệ quyền lợi người bệnh.

Hiện sổ sức khỏe điện tử đã được tích hợp trên VNeID, giúp kết nối dữ liệu với 100% cơ sở KCB, liên thông với cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT. Hệ thống khám bệnh trực tuyến và đặt lịch trực tiếp đã triển khai tại nhiều bệnh viện (BV). Dữ liệu sức khỏe người cao tuổi và học sinh đang được tạo lập làm nền cho kho dữ liệu y tế TP.

Đặc biệt, cổng tra cứu hành nghề y, dược của ngành y tế TP giúp người dân tra cứu giấy phép hoạt động, thông tin người hành nghề y dược.

Xác định rõ năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm

. Trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành y tế TP.HCM chắc chắn có cả thuận lợi và những khó khăn?

+ Ngành y tế TP.HCM có nhiều thuận lợi trong chuyển đổi số. Đầu tiên là sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP, sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, các chuyên gia y tế và chuyên gia công nghệ thông tin. Tiếp đó, mỗi nhân viên y tế đều nhận thức rõ đây là sự thay đổi toàn diện về cách thức quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ.

 Nhờ có bệnh án điện tử nên bệnh nhân đi khám tại BV Hùng Vương không phải chờ đợi do đặt lịch khám online từ trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhờ có bệnh án điện tử nên bệnh nhân đi khám tại BV Hùng Vương không phải chờ đợi do đặt lịch khám online từ trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tuy vậy, chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn nhất định như hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đúng mức, nhiều phần mềm đã lạc hậu, thiếu đồng bộ. Nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao còn thiếu. Ngoài ra, số người dân sử dụng các ứng dụng số chưa cao, nhiều cơ sở y tế vẫn phải duy trì song song hệ thống số và giấy, ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi.

. Để xây dựng nền y tế thông minh, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực châu Á như mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết 31, ngành y tế TP đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm nào?

+ Để chuyển đổi số y tế thực chất, đồng bộ và hiệu quả, chúng tôi ưu tiên triển khai năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Ngành y tế TP.HCM xác định chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, từ đó không ngừng cải tiến chất lượng chăm sóc và phục vụ, người dân.

Thứ nhất, đẩy mạnh bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu và ứng dụng công nghệ số trong KCB và các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch của UBND TP về thực hiện Chương trình hành động số 63 của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương.

Thứ hai, hoàn thiện kho dữ liệu y tế dùng chung toàn ngành. Đây là bước trung gian tiến tới hệ thống điều hành y tế thông minh.

Đến năm 2030, mỗi người dân TP.HCM đều có hồ sơ sức khỏe điện tử

Ngày 4-11-2024, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 4971 phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống y tế TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

“Đến năm 2030, mỗi người dân đều được khám sức khỏe và tầm soát bệnh mỗi năm một lần và đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. TP.HCM cũng phấn đấu đạt tỉ lệ 23 bác sĩ/10.000 dân, 40 điều dưỡng/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân” - đó là một trong những nội dung của đề án này.

Thứ ba, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý dịch bệnh, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn của TP và tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử TP.

Thứ tư, tạo lập và chuẩn hóa dữ liệu sức khỏe người dân TP, đồng thời chuẩn hóa liên thông với hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp VNeID và app Công dân TP tiến tới đáp ứng kế hoạch chăm sóc sức khỏe toàn diện người dân TP.

Thứ năm, bổ sung, hoàn thiện hạ tầng số và an toàn dữ liệu, đây là nhóm nhiệm vụ có tính đảm bảo cho sự phát triển y tế thông minh của TP. Hoàn thành cơ bản CĐS và cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại trong Đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

. Xin cảm ơn ông.•

PGS-TS-BS ĐỖ VĂN DŨNG, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM:

Yếu tố then chốt mở đường cho phát triển y tế chất lượng cao ở TP.HCM

Để trở thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe quốc tế ở khu vực ASEAN, xây dựng nền y tế thông minh, TP.HCM cần đáp ứng các yếu tố then chốt như lực lượng nhân viên y tế chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, quản trị thông minh, chi phí hợp lý và giảm thiểu rủi ro.

So sánh với Singapore và Thái Lan, những quốc gia đang dẫn đầu về du lịch y tế trong khu vực, TP.HCM hiện có những nền tảng quan trọng. Với ba trường đại học y tế công lập và nhiều BV lớn, TP đã có sự quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện qua việc nhiều bác sĩ, điều dưỡng tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới thông qua hợp tác quốc tế.

Bức tranh y tế hiện tại cho thấy nhiều BV tại TP.HCM đã làm chủ các kỹ thuật y tế phức tạp như phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, IVF và điều trị ung thư hiện đại, thay khớp, y học tái tạo. Những điều này cho thấy sự phát triển về chuyên môn đang dần thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong khám chữa bệnh (KCB) và ứng dụng y tế từ xa hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng tiếp cận cho bệnh nhân quốc tế.

Tuy nhiên, để thực sự trở thành trung tâm y tế, TP.HCM cần có những đầu tư chiến lược hơn vào cơ sở hạ tầng chuyên sâu, giảm quá tải ở các BV tuyến trên, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ y tế và xây dựng các chính sách hỗ trợ du lịch y tế cụ thể và hiệu quả hơn.

Để khắc phục các thách thức và hiện thực hóa việc sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, TP.HCM cần tập trung vào sáu trụ cột chính.

Thứ nhất, nâng cao năng lực chuyên môn và cơ sở vật chất; tiếp tục mở rộng và xây mới các BV tuyến cuối, đồng thời có chiến lược đầu tư thông minh vào trang thiết bị y tế hiện đại, đặc biệt là các công nghệ mũi nhọn trong các chuyên khoa thế mạnh.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực toàn diện. Trong đó chú trọng đào tạo chuyên môn sâu, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và nâng cao y đức, tinh thần phục vụ chuyên nghiệp, đặt bệnh nhân làm trung tâm. Cần có các chương trình đào tạo bài bản với sự tham gia của chuyên gia quốc tế.

Thứ ba, tối ưu hóa trải nghiệm người bệnh và quản lý hệ thống. Cụ thể, ngành y tế TP cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng BV thông minh, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống quản lý hiện đại và phát triển telemedicine (một hình thức chăm sóc sức khỏe hiện đại được nhiều người ưa chuộng trong thời đại công nghệ số hiện nay).

Đồng thời, cần nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ của bệnh nhân quốc tế, tạo môi trường KCB thân thiện. Việc chú trọng đến chuyển đổi xanh trong BV không chỉ tạo môi trường điều trị lành mạnh mà còn nâng cao hình ảnh quốc gia và thu hút du khách y tế quan tâm đến một ngành y tế phát triển bền vững của TP.

Thứ tư, xây dựng chiến lược quảng bá du lịch y tế chuyên nghiệp, tạo ra các gói dịch vụ y tế kết hợp du lịch hấp dẫn để du khách đến TP tham quan, du lịch kết hợp với KCB; hợp tác chặt chẽ với các công ty du lịch và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế tương xứng với kỳ vọng của du khách.

Thứ năm, mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ và xây dựng các chương trình hợp tác nghiên cứu.

Cuối cùng, rà soát và cải cách các quy trình quản lý BV, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt cho các cơ sở y tế chất lượng cao và hoạt động du lịch y tế.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-tphcm-tro-thanh-trung-tam-y-te-tai-khu-vuc-chau-a-post846910.html