Để TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng cao trở lại: Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ!
Nhiều năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã không giữ được đà tăng trưởng và nếu không có ngay những giải pháp cấp bách hiệu quả, TP.Hồ Chí Minh sẽ khó có thể giữ vững được vị thế đầu tàu.
48 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, vinh dự được mang trên mình niềm kiêu hãnh lớn riêng có “Thành phố mang tên Bác - Thành phố rực rỡ tên vàng”, TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có những đổi thay lớn, diện mạo ngày một đẹp hơn, khang trang hơn, là đầu tàu kinh tế, có sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp vào sự phát triển phồn thịnh của quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thành phố đã không giữ được đà tăng trưởng và nếu không có ngay những giải pháp cấp bách hiệu quả, TP.HCM sẽ khó có thể giữ vững được vị thế đầu tàu.
Khi đầu tàu không ngừng giảm tốc
“Thật bất ngờ”, “Không thể tin nổi”, “Quá bất thường”, “Thực sự đáng lo ngại”… là những cụm từ xuất hiện liên tục trên mặt báo thời gian qua liên quan tới thông tin TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7% trong quý I/2023 vừa qua, thấp nhất trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 toàn quốc, 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.
“Không ngờ thấp đến mức sâu như thế. Khó khăn đã nằm trong dự tính từ trước nhưng thực tế sâu hơn cái mà chúng ta dự đoán” - Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã phải thốt lên câu nói ấy trong một phiên họp đầu tháng 4.
Hiện tại, TP.HCM trông chờ vào một số cơ chế, chính sách đặc thù để có thể phát triển. Cuối tháng 3/2023, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị bổ sung Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay. 7 nhóm chính sách đặc thù cho TP.HCM gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP. Thủ Đức (thuộc TP.HCM).
Nhưng với những ai vẫn dõi theo sát tiến trình phát triển của TP.HCM nhiều năm qua, thì cái sự tăng trưởng quá thấp này lại hoàn toàn không lạ, nếu không muốn nói là đã được dự báo trước.
Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra hồi tháng 1/2023, đồng chí Võ Văn Thưởng, khi đó là Thường trực Ban Bí thư đã phân tích, sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, địa phương đã tăng trưởng cao trong các năm 2013, 2014, 2015. Tới năm 2016, sự tăng trưởng đã chững lại và sụt giảm sâu vào các năm 2017, 2018, 2019, 2020.
“Nhìn lại mấy năm qua, chúng ta thấy sự sụt giảm rất rõ. Tính năng động, sáng tạo, tốc độ phát triển kinh tế không bằng các địa phương khác. TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế, nhưng quy mô của đầu tàu đã bắt đầu giảm”, đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ rõ.
Tìm đúng toa thuốc để chặn đà giảm sút, kích thích tăng trưởng trở lại
Đó là nhìn nhận của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khi bàn về những giải pháp phát triển kinh tế cho TP.HCM. Gọi khó khăn hiện nay của thành phố như một cơn bạo bệnh, người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu UBND thành phố tìm mọi giải pháp chặn đà giảm sút, tìm đúng “toa thuốc” để kích thích sự tăng trưởng trở lại của đầu tàu kinh tế. Và dĩ nhiên, để tìm đúng toa thuốc, điều tiên quyết là phải bắt đúng bệnh.
“Chúng ta phải làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan, nguyên nhân nào là cơ bản, là trực tiếp và đâu là nguyên nhân sâu xa để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất giải pháp khả thi hiệu quả phát triển kinh tế thời gian tới”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau khi khẳng định, qua các số liệu thực tiễn, sự suy giảm của TP.HCM trong 10 năm qua rất rõ ràng, thậm chí ở mức độ khá nghiêm trọng, đã chỉ rõ: khi sự suy giảm kéo dài hàng chục năm, nó không còn là “sự cố” do sai sót hay yếu kém riêng lẻ nào đó gây ra. Chắc chắn, đó là vấn đề của cấu trúc phát triển - tức những vấn đề cơ cấu, cơ chế và động lực bên trong.
Một trong những nút thắt phát triển lớn nhất của TP.HCM, theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là tình trạng thiếu vốn kinh niên. Việc thiếu vốn khiến tiến độ các công trình hạ tầng nền tảng bị chậm, thiếu bệ đỡ cho sự phát triển, thiếu các dự án mang tính đột phá, tạo khả năng xoay chuyển tình thế.
Đồng tình với quan điểm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên rằng TP.HCM vẫn chưa hết bệnh, cần thuốc, TS. Trần Du Lịch - chuyên gia theo dõi TP.HCM nhiều năm, chỉ ra 3 nguyên nhân khiến TP.HCM trở thành thành phố tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
“3 trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh nhưng TP.HCM đều không sử dụng hiệu quả” - TS. Trần Du Lịch chỉ rõ: Một là giải ngân vốn đầu tư công. Quý 1/2023, TP.HCM chỉ giải ngân được 2%. TP.HCM đã bỏ lỡ công cụ kích thích nền kinh tế là đầu tư công. Hai là TP.HCM chưa hấp thụ được vốn. Ba là phát triển thị trường nội địa.
Đủ quyết tâm, phải tính toán, nhận biết, chọn lựa…
Cầu thị, không ngại để tìm ra bệnh là một chuyện, nhưng theo các chuyên gia, giữa một tâm thế, thái độ như thế nào để có thể trị bệnh được một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cũng là vấn đề quan trọng không kém.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, muốn tìm đúng toa thuốc, bắt đúng bệnh thì điều tiên quyết là các sở, ban, ngành của thành phố cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan, “Con số tăng trưởng GRDP 0,7% gây nhiều tranh cãi. Điều gì đang xảy ra tại TP.HCM? TP.HCM đang gặp vấn đề gì? Tôi nghĩ tất cả chúng ta ở đây đều đã nghe những câu hỏi này và đã rất suy nghĩ, trăn trở. Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên” - Bí thư TP.HCM nhấn mạnh.
Người đứng đầu đảng bộ thành phố cũng cho rằng vấn đề quan trọng là thành phố phải nhận biết, chọn lựa và tận dụng các đề xuất, giải pháp làm sao cho phù hợp. Có nghĩa là, nếu bác sĩ đã ra toa thì quan trọng là người bệnh có uống đúng hay không? Có thật sự muốn uống thuốc hay không? Toàn thành phố, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị cơn bệnh này chưa?
Cũng với tâm thế ấy, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận: “Nhiều việc đang đứng tại chỗ thì làm sao thành phố phát triển được. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề để giải quyết hiệu quả”. TS. Trần Du Lịch cũng chia sẻ rất thẳng thắn: “TP.HCM cần giải quyết được các vấn đề tồn đọng. Hiện, cái cũ chưa giải quyết được thì cái mới phát sinh, không biết làm gì trước, làm gì sau, mọi thứ ngổn ngang. Những câu “đẩy mạnh”, “tăng cường” nên dừng lại, cần công khai minh bạch, xác định điều gì làm trước, điều gì làm sau thì mới ổn”.
Theo chuyên gia này, để nền kinh tế TP.HCM có sự khởi sắc từ quý III năm nay, thành phố cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, TP.HCM phải tự xác định lợi thế của mình so với các tỉnh thành khác trong cả nước và với các thành phố lớn trong khu vực, trên thế giới. Khi xác định được lợi thế của mình, TP.HCM sẽ phải đặt ra các mục tiêu mà mình muốn đạt được về kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân…
“Thành phố phải suy nghĩ về cách thức đạt được các mục tiêu ấy, rồi đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ. Từ lãnh đạo thành phố tới các lãnh đạo cấp cao hơn phải nghĩ về cơ chế đặc thù này bằng một tinh thần khác: tinh thần cải cách tìm hiểu, biết mình biết người, sẵn sàng lắng nghe, học hỏi…”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, TP.HCM cần có các biện pháp mạnh mẽ vực dậy nền kinh tế và phải là các phương án cụ thể, chỉ đạo thực tế, không chung chung. Sau khi chỉ hai nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của TP.HCM là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi mở TP.HCM nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với cốt lõi là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó là nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng thương mại, xử lý vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Muốn phục hồi những thị trường này, cần sự chỉ đạo, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách của trung ương. Khi Chính phủ có chính sách hiệu quả, TP.HCM sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên.
Từ câu chuyện tâm thế, “Thể chế, hạ tầng, con người” là 3 từ khóa liên tục được các chuyên gia nhắc tới khi chỉ ra những điểm còn thiếu, còn yếu của TP.HCM và cho rằng phải được thành phố khắc phục ngay nếu muốn tạo được đà tăng trưởng trở lại.
Cơ chế, thể chế, chính sách cũng là vấn đề dường như được PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam quan tâm hơn cả. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam cho rằng: Để phá bỏ những giới hạn cũ, TP.HCM đang rất cần những thể chế, cơ chế vượt trội - vượt trước chứ không chỉ là “đặc thù”. Những thế chế mới phải khuyến khích sáng tạo mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, chứ không chỉ là “thông thoáng hơn”, “ưu ái” thành phố hơn một chút so với các địa phương khác.
Ông cũng nhấn mạnh: “Địa phương này cần quyền tự chủ mạnh hơn, tự chủ về nguồn lực ngân sách, nguồn lực về chính sách và các câu chuyện trong quản lý nhân sự, bộ máy. Khi họ có quyền tự chủ mạnh hơn thì tính chủ động, sáng tạo sẽ cao hơn và phát huy nhiều hơn năng lực vốn có”.
Bên cạnh vốn, chính sách, thể chế, thì yếu tố con người vẫn mang tính cốt lõi hơn cả. Cũng vì lẽ đó, khích lệ, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM cũng là một trong những giải pháp đầu tiên mà TS. Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright Việt Nam đưa ra trong việc giải quyết bài toán trì trệ hiện nay.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, các lãnh đạo cấp cao của TP.HCM sẽ phải nỗ lực gấp bội để đưa ra thông điệp rõ ràng, khuyến khích đội ngũ chủ động, sáng tạo ứng phó với những khó khăn hiện tại, tạo nên một đợt “phá rào” mới trong phát triển kinh tế.
“Đối với TP.HCM, yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là khích lệ, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo quan sát của tôi, có lẽ bây giờ là giai đoạn đội ngũ cán bộ công chức thành phố có nhiều tâm tư nhất” - TS. Huỳnh Thế Du bày tỏ quan điểm.
Một doanh nhân của TP.HCM, TS. Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Sài Gòn (SCC), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM cũng chia sẻ: Theo tôi, quan trọng nhất là chính quyền cần phải thúc đẩy sự năng động, dám làm dám chịu trách nhiệm của bộ máy hành chính, nhất là người đứng đầu để tạo niềm tin cho doanh nghiệp và khi niềm tin trở lại thì sự phát triển là tất yếu. Câu chuyện niềm tin cũng là một trong những khía cạnh được TS. Trần Du Lịch cho là mấu chốt.
“Mấu chốt là thành phố phải công khai, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng”, TS. Trần Du Lịch cho hay.
Điều đáng mừng là yếu tố con người, tạo dựng niềm tin, cụ thể là việc “xốc lại đội ngũ” cán bộ cũng là một trong những “việc cần phải làm ngay” mà Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề cập tới trong câu chuyện “đòn bẩy” cho sự tái tăng trưởng của TP.HCM.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, thành phố vốn dĩ là địa phương có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng gần đây, điều này gần như không còn nữa. “Phải làm sao khuyến khích cán bộ, để khơi dậy tiềm năng, khát vọng nhằm mang lại kết quả, lợi ích chung”, ông Nên nói.
Dễ dàng để nhận thấy, đã có một ngọn lửa, của niềm tin, của những quyết tâm, khích lệ… đã, đang được thắp lên trên thành phố mang tên Bác. Vấn đề còn lại là làm thế nào để duy trì được ngọn lửa ấy, lan tỏa hơn nữa tinh thần quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… đến với mọi cán bộ, người dân thành phố…
Làm được điều đó, vị thế đầu tàu của TP.HCM mới có thể tránh được nguy cơ có thể bị địa phương khác “soán ngôi”, mới có thể khiến hàng loạt những mục tiêu lớn mà TP.HCM đã đạt ra cho mình: năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á… không trở xa vời.
Năm 2023 này, là tròn 47 năm, TP.HCM chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. 47 năm rực rỡ tên vàng, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng, mảnh đất Thành đồng Tổ quốc mang trong mình không chỉ là văn minh, hiện đại, năng động, mà còn là chất nhân ái, nghĩa tình, hào sảng... đã không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân thành phố mà còn là niềm tự hào của cả nước.
Những trì trệ, tồn tại của ngày hôm qua, mong rằng chỉ là “một sự bật dậy còn gượng gạo do căn bệnh cũ còn để lại”. TP.HCM - như lời ca của nhạc sĩ Trần Tiến: “Bằng trái tim rất trẻ/Bằng khát khao bỏng cháy”... chắc chắn sẽ vượt qua và tạo đà tăng trưởng trở lại, để: “Thành phố Hồ Chí Minh/ngời ngời rực sáng tương lai/trong mỗi trái tim/trong mỗi ước mơ” - như nhà báo Đăng Trung, nhạc sĩ Cao Việt Bách từng gửi gắm.
Có thể nói, hiếm có địa phương nào trong cả nước được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương như TP.HCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 3 Nghị quyết rất quan trọng đối với TP.HCM. Đó là Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác của TP.HCM; Nghị quyết 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010 và Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020. Ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà trong đó TP.HCM là điểm nhấn, đầu tàu cho cả khu vực Đông Nam Bộ phát triển.