Để trái sầu riêng xuất khẩu bền vững
Đồng Nai hiện là một trong 5 địa phương có diện tích, sản lượng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc lớn nhất cả nước. Sau gần 2 năm, trái sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch đã đem lại lợi nhuận rất cao, từ 500-800 triệu đồng/hécta/năm cho các nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Do đó, diện tích cây sầu riêng của tỉnh liên tục tăng, hiện đạt gần 12,7 ngàn hécta và dự tính còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Trái sầu riêng muốn xuất khẩu vào Trung Quốc buộc nhà vườn phải xây dựng được mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu cũng phải được cấp mã số. Từ cuối năm 2022, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, tỉnh đã hỗ trợ các nhà vườn, cơ sở đóng gói thực hiện các quy định để đảm bảo chất lượng và được cấp mã số. Cả tỉnh hiện đã có 41 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc với diện tích hơn 1,9 ngàn hécta, sản lượng 49 ngàn tấn/năm. Đồng thời, tỉnh có 10 cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng đã có mã số. Bên cạnh đó, có 34 vùng trồng có diện tích gần 1 ngàn hécta đã nộp hồ sơ, đang chờ cấp mã số.
Tuy nhiên, thời gian qua, phía Trung Quốc cũng liên tục cảnh báo tình trạng nhiễm rệp sáp, nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức cho phép. Trên địa bàn Đồng Nai có 8 mã số vùng trồng và 4 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng phải tạm dừng sử dụng các mã số vì vi phạm. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói vi phạm rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời để tránh bị ảnh hưởng chung đến các vùng trồng sầu riêng khác trên địa bàn. Qua những lần phát hiện vi phạm trên trái sầu riêng, phía Trung Quốc siết chặt chất lượng trái cây nhập khẩu.
Việc nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng ở các địa phương bị nhắc nhở, trả lại sản phẩm là lời cảnh báo với những nhà vườn, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu không thực hiện kiểm soát tốt các khâu thì nguy cơ mất thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn có thể xảy ra.
Việt Nam đang là nước xuất khẩu sầu riêng lớn thứ 2 (sau Thái Lan) sang Trung Quốc, chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi nhập khẩu của nước này. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 79,3 ngàn tấn sầu riêng, thu về gần 370 triệu USD, tăng 91% về lượng và tăng gần 82% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Để trái sầu riêng xuất khẩu bền vững thì các nhà vườn, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu phải liên kết chặt chẽ, kiểm soát tốt từng khâu. Quá trình tăng diện tích phải đi đôi với đảm bảo chất lượng để xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai.