Để tránh khủng hoảng cho mẹ khi con dậy thì
Khi con đến tuổi dậy thì, cho tới khi vào đại học, thì không chỉ con gặp nhiều vấn đề, mà bố mẹ cũng khủng hoảng. Giai đoạn này cũng có thể là tuổi phát triển mạnh mẽ, và đẹp nhất của con, nếu bố mẹ biết 'lớn lên cùng con'.
Phạm Chi* là một phụ nữ Việt Kiều, hiện sống cùng hai con trai ở Thụy Sĩ sau khi chị li dị chồng và đưa cả hai con tới một đất nước mà chị cho là có chất lượng sống cao nhất thế giới, nền giáo dục tiên tiến, tốt nhất cho các con chị. Hai con trai của Chi, một con lên 14 tuổi, một con lên 10, sau hơn một năm sống ở Thụy Sĩ đã có thể hòa nhập tốt với môi trường học tập, bạn bè ở trường tại vùng Lucerne (Thụy Sĩ). Phạm Chi đã rất mừng và nghĩ rằng mình có thể tập trung cho việc làm để kiếm tiền nuôi con.
Nhưng một hôm, khoảng 1h sáng, khi Chi thức dậy đi toilet thì thấy ánh sáng mờ mờ từ phòng con trai. Chị khẽ mở cửa phòng bước vào, thì phát hiện cậu con lớn đang xem máy tính bảng. Chị giật lấy máy tính bảng và phát hiện ra con đang xem phim khiêu dâm trên internet. Thật choáng váng, Chị không biết cách làm thế nào, bèn thay đổi mật khẩu vào mạng tại nhà, chỉ một mình chị có thể vào internet, cấm hai con trai không được dùng internet.
Tuy nhiên, lần khác, Chi lại bắt gặp con trai lớn lén thủ dâm. Chị thực sự khủng hoảng về chuyện này. Chị nghiêm khắc nói chuyện với con, nhưng có cảm giác con trai cứ nghe tai này, lọt qua tai kia, hoặc nó đang trôi đi đâu đó mà không lời nào của chị ngấm vào đầu con.
Chi tìm đến nhà trường, gặp cô giáo lớp con để hỏi về tình hình học tập của cậu trai lớn, thì cô cho biết, trong ba tháng gần nhất, cậu học sút kém và tỏ ra lơ đãng trong lớp học. Cậu ta cũng dễ nổi nóng với bạn trong những lần nhà trường tổ chức thi đấu thể thao…
Chi đành kể với cô giáo về vấn đề của con trai ở nhà, cô giáo khuyên Chi nên nhờ bố của con trai giúp đỡ.
Tuy nhiên, sau khi li dị, do những vấn đề nặng nề giữa hai người trước đó, nên Chi vẫn không thể nói chuyện lại được với chồng cũ. Sau mấy ngày trăn trở, chị quyết định nhờ bạn trai mới của mình nói chuyện với con về cách giải quyết những vấn đề tâm sinh lý. Nhân một ngày cuối tuần, anh Trường (bạn trai mới của Chi) tới nhà mời con trai lớn của bạn gái đi chơi. Chi không biết họ đi đâu, chơi những gì, nói với nhau những gì. Nhưng sau hôm đó, Trường còn rủ con trai chị đi chơi vài lần nữa. Cậu trai có vẻ tin tưởng Trường, thích gọi điện cho anh nói chuyện. Cậu cũng tham gia vào một đội bóng của nhà trường, tập luyện, thi đấu bận rộn và còn cùng đội bóng giành được Cup vào cuối năm học. Thành tích học tập cũng thay đổi tốt hơn. Chi không cấm con trai vào internet ở nhà nữa, bởi cậu đã biết sử dụng internet vào những việc cần thiết và biết hạn chế thời gian sử dụng mạng.
“Cấm đoán, mắng mỏ không ăn thua, bởi mình chỉ là Mẹ của con, tình yêu thương cũng không đủ, cần phải có hiểu biết, có phương pháp, và nhờ những người khác hỗ trợ khi mình không giải quyết được vấn đề của con. Trước kia mình đâu có biết là đàn ông sẽ rất khó chịu khi không được giải quyết nhu cầu sinh lý, nó sẽ “bùng nổ” và gây sự cố. Khi con trai đến tuổi dậy thì, mình mới thực sự hiểu và thông cảm cho đàn ông. Phải có kiến thức, phải thấu hiểu, thông cảm cho con, lắng nghe con, rồi mới tìm ra cách phù hợp để hướng nguồn năng lượng ấy vào việc tích cực.” – Chi chia sẻ.
2. Con gái Hoàn* đang học năm thứ 2 một trường Đại học, Hoàn vẫn thường xuyên gọi điện cho con để hỏi han tình hình học tập. Mỗi lần như thế, kết thúc cuộc trò chuyện, con gái lại xin tiền mẹ để đóng học phí, tiền học thêm tiếng Anh, tiền đi học khóa quân sự, tiền mua thêm đồ dùng… Càng ngày, số tiền con đòi hỏi càng nhiều lên. Hoàn sinh nghi, bèn nghỉ việc từ Hải Dương lên Hà Nội lặng lẽ thăm dò. Chị tá hỏa khi biết tin, con gái chị đã bỏ học gần 1 năm, không còn ở trong ký túc xá nhà trường nữa mà bỏ ra ngoài thuê nhà trọ ở, lang thang theo bạn bè chơi bời, hết tiền thì lại gọi điện nã tiền bố mẹ.
Hoàn điên tiết, chửi mắng con thậm tệ, bắt con về nhà ngay hôm đó. Ở nhà được hơn một tuần, con gái chị lặng lẽ trốn nhà đi mất.
Hoảng hốt, Hoàn bỏ việc nhao đi tìm con, hỏi han mọi nguồn tin từ bạn của con, thuê cả thám tử tư đi tìm. Sau 2 tuần, chị tìm được đến chỗ con gái ở cùng với một cậu bạn trai. Nhưng chính lúc đó, chị không nhao ngay vào “bắt” con hay chửi mắng con nữa, chị gửi lại cho con gái một ít tiền, rồi ra về.
Hoàn suy nghĩ nhiều đêm, sau đó tìm đến chuyên gia tâm lý. Được hướng dẫn, chị hiểu ra con mình đang mắc hội chứng khủng hoảng sinh viên năm thứ 2, khi con không nhận ra chính mình và con đường đi của mình ở môi trường đại học.
“Chị đừng bi quan quá. Bởi khi con chị mạnh mẽ phản ứng lại với môi trường đó, thì có nghĩa là nó cần một môi trường tốt hơn. Có thể nó là một tài năng đấy!” – Vị chuyên gia kia khích lệ chị.
Hoàn tìm gặp con trực tiếp, với một thái độ mềm mại hơn, sẵn sàng nghe con nói, ủng hộ cách lựa chọn của con. Chị cũng gặp bạn trai của con, không cấm đoán quan hệ, mà cảm ơn cậu ta đã yêu thương, chăm sóc con gái chị, bày tỏ những lo lắng của chị về tương lai của con… Trước tiên, phải gây lại thiện cảm trong con đã, rồi mới chiếm lòng tin của con, và đồng hành, dẫn dắt con đúng hướng. Chị đã làm như thế theo đúng lời khuyên của chuyên gia tâm lý.
Hóa ra, con gái chị ghét môi trường nó học, khi các bạn nhà giàu thì kênh kiệu, bạn nghèo thì tự ti, trốn học triền miên, các bạn chỉ đánh giá nhau qua quần áo, điện thoại, son phấn, nhiều bạn đến giảng đường mà không học, chỉ để khoe áo quần, xe cộ, nhưng cuối kỳ vẫn chạy chọt để có điểm cao hơn các bạn khác…
Được sự hướng dẫn của chị, con gái đồng ý đi làm một công việc đơn giản, nhưng phù hợp với năng lực của con tại một công ty nội thất. Thật bất ngờ, đó là sau khi đi làm được nửa năm, dù lương chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà và tiền ăn, tiền mua sắm quần áo vẫn phải xin thêm của mẹ, nhưng con gái Hoàn đã tìm ra con đường nó cần đi. Con bảo rằng con quyết tâm làm giỏi, kiếm thêm tiền để học một khóa thiết kế đồ nội thất và trở thành họa sĩ thiết kế. Hoàn mừng rơi nước mắt.
“Lý do khiến các em đến tuổi dậy thì, thường gặp khủng hoảng với gia đình, và nhà trường, đó là vì tâm sinh lý các em thay đổi rồi, các em muốn tự mình quyết định việc của mình, bắt đầu thích người khác giới và có nhu cầu tình dục, khi không được đáp ứng tất sinh phá phách, nhưng gia đình thì vẫn khư khư ôm quan điểm phong kiến, cấm đoán “nam nữ thụ, thụ bất thân”, nhà trường thì vẫn dạy theo cách “ngoan là ngồi im, giỏi là thuộc lòng”… Sự khác nhau đó dẫn đến đối kháng mạnh, tất xảy ra hai trường hợp, một là em chịu phục tòng và lớn lên thành kẻ thường thường bậc trung, sống lờ phờ, suốt đời kêu chán kêu khổ; hai là em bật ra ngoài, sống bản lĩnh theo ý mình để có thể trở nên tài năng và thành công, hoặc sa ngã thành kẻ cướp.
Vì vậy, bố mẹ cần thay đổi cùng con, lớn lên cùng con. Không nên áp đặt cứng nhắc lối nghĩ cũ, mà cần lắng nghe con nhiều hơn, tự mình phải nâng mình lên để hiểu được con, tôn trọng ý kiến cá nhân của con, khiến con tin tưởng và mình cũng đủ trình độ để dẫn dắt con đi đúng hướng. Hướng năng lượng dồi dào của con vào việc tích cực, đạt hiệu quả tốt.”
(Tiến sĩ Phan Quốc Việt)
(* Tên nhân vật đã được thay đổi)
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/de-tranh-khung-hoang-cho-me-khi-con-day-thi-539851.html