Để tránh ngộ độc thuốc diệt côn trùng cần biết những điều này
Theo xác định ban đầu các công nhân đang làm việc tại Công ty Grand Wood thuộc ấp 1, xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương bất ngờ ngất xỉu hàng loạt mới đây là do ngộ độc thuốc diệt côn trùng. Các chuyên gia cho rằng, hóa chất vẫn còn tác dụng với côn trùng một thời gian dài sau khi phun, tồn lưu thuốc trong môi trường có thể gây ngộ độc cho cơ thể.
Ngộ độc thuốc diệt côn trùng
Mới đây, hàng trăm công nhân ở Công ty TNHH Grand Wood (Chuyên sản xuất bàn ghế nội thất xuất khẩu sang châu Âu) ở xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang làm việc thì có biểu hiện khó thở, nôn ói rồi ngất xỉu. Ngay sau đó, các công nhân khác đã nhanh chóng chuyển nạn nhân đến Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên để cấp cứu.
Theo thông tin từ phía Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, sự việc đáng tiếc xảy ra nguyên nhân là do ngộ độc thuốc diệt côn trùng. Phía lãnh đạo Công ty Grand Wood cũng cho biết, do Công ty sản xuất đồ gỗ phải phun thuốc diệt mối, mọt định kỳ nên đã thuê người đến xịt thuốc tiêu diệt. Có thể do thuốc chưa bay hết mùi, các công nhân đến làm việc hít phải dẫn đến ngộ độc.
Trước sự việc này đã từng có những trường hợp bị ảnh hưởng từ thuốc diệt muỗi, côn trùng. Như Trường THCS Quang Trung, Đống Đa (Hà Nội) học sinh đã từng bị dị ứng, ngứa, mặt mề đay sưng đỏ, do trước đó nhà trường đã phun thuốc muỗi.
Theo các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hóa chất vẫn còn tác dụng với côn trùng một thời gian dài sau khi phun chứng tỏ thuốc vẫn tồn lưu trong môi trường. Hóa chất nào cũng có chất độc, ngay cả những hóa chất đã được Bộ Y tế đảm bảo về độ an toàn, việc thường xuyên phải tiếp nhận chúng qua đường hô hấp cũng không có lợi cho sức khỏe. Trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này. Người lớn nếu tiếp xúc với một lượng thuốc diệt muỗi, côn trùng đáng kể trong thời gian ngắn, khả năng ngộ độc cấp tính cũng có thể xảy ra. Nhất là khi không đảm bảo thời gian "cách ly", hóa chất khó hết.
Sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng như muỗi, gián, kiến, mối mọt... hiện nay rất phổ biến. PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia, Hà Nội) cho rằng, bản chất thuốc diệt côn trùng là một loại hóa chất tổng hợp có độc tính và cần có sự kiểm định của các cơ quan y tế trước khi lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc không đảm bảo và khi dùng không đúng cách, không làm theo khuyến cáo sau khi phun rất dễ hít phải hóa chất gây độc cho cơ thể.
Nếu được sử dụng trong một mức lưu lượng nhất định thì không gây nguy hại, nhưng nếu tùy tiện sử dụng chúng sẽ tác động lên hệ thần kinh, gây đau đầu, chóng mặt và có thể gây ngộ độc cấp tính nếu dính đến thức ăn, nguồn nước, đặc biệt với những thuốc có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhanh, mạnh…
Điều cần làm nếu ngộ độc thuốc diệt côn trùng
Các chuyên gia cho rằng, thuốc diệt côn trùng dạng lỏng nguy hiểm hơn dạng rắn có cùng nồng độ vì chúng dễ dàng thâm nhập vào da. Sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh, côn trùng chết càng nhanh thì lượng hóa chất độc càng cao. Có tình trạng nhiều người tự ý sử dụng các loại thuốc diệt côn trung. Việc dùng vô tội vạ có thể gây ngộ độc trường diễn làm tổn thương gan phổi, nhất là khi sử dụng các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng.
Nhiễm độc hóa chất thường biểu hiện cấp tính qua đường da và tiêu hóa. Dấu hiệu và triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại hóa chất. Người ngộ độc hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng sẽ rơi tình trạng chung rất yếu và rất khó chịu. Khi da bị tổn thương, nhiễm độc hóa chất qua da càng dễ. Nếu nhiễm độc qua niêm mạc càng nguy hiểm hơn bởi có các mao mạch dày đặc như niêm mạc mắt, hấp thu dễ dàng một số chất độc và nhạy cảm với một số chất kích thích. Điều này có thể xảy ra do hóa chất diệt bám lên quần áo hoặc ngấm trực tiếp trên da.
PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo, khi phun hóa chất diệt côn trùng, người nhà phải ra ngoài hết và không được ở trong nhà trong vòng 2 tiếng để đảm bảo không bị dị ứng, ngộ độc. Sau khi phun, đóng cửa để đạt hiệu quả phun cao hơn. Sau đó phải mở cửa thông thoáng, bật quạt ít nhất một tiếng mới cho người vào, nếu không vẫn có thể ngộ độc như thường.
Trong trường hợp bị ngộ độc thuốc diệt côn trùng, các chuyên gia khuyến cáo, nếu thuốc dính vào cơ thể, ở nồng độ lớn có thể gây kích ứng, bỏng rát da. Lúc này cần mau chóng thay quần áo mới và rửa sạch vùng dính thuốc bằng nước lạnh. Trường hợp hóa chất vào mắt cần ngâm mắt vào nước ngay. Nước sẽ làm loãng nồng độ thuốc và giúp làm giảm sự kích ứng.
Nếu nuốt phải hóa chất cần uống 1 đến 2 ly nước hoặc than hoạt tính và mang theo nhãn sản phẩm đến gặp bác sỹ. Ngay sau khi sơ cứu cần chuyển đếncơ sở điều trị gần nhất. Nếu hít phải hơi nhiễm hóa chất với nồng độ cao cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra nơi thoáng mát rồi gọi cấp cứu.