Để tranh Việt vươn tầm
Giới mỹ thuật trong nước và khán giả yêu thích hội họa gần đây không khỏi bất ngờ khi tranh Việt liên tiếp có mặt trong những cuộc đấu giá lớn ở quốc tế.
Mới nhất, bức tranh Portrait of Mademoiselle Phuong (tạm dịch: Chân dung cô Phương/cô Phượng) của danh họa Mai Trung Thứ được gõ búa với giá hơn 3,1 triệu USD, phá mọi kỷ lục trước đó của tranh Việt trên thị trường quốc tế.
Sức sống tranh Đông Dương
Vài năm trở lại đây, khi nhắc đến tranh Việt, nhất là dòng tranh Đông Dương, phần lớn người quan tâm bắt đầu đề cập đến con số triệu USD. Giữ kỷ lục trước đây, là bức Nude của danh họa Lê Phổ trong phiên đấu giá 20th Century & Contemporary Art của Christie’s vào tháng 5-2019 được bán 1,4 triệu USD. Giá trị và trị giá của một bức tranh là hai phạm trù khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết. Những kỷ lục của tranh Đông Dương tại các phiên đấu giá quốc tế được thay đổi liên tục, là một minh chứng cho sức sống và giá trị của dòng tranh này, cũng như dấu ấn của hội họa Việt Nam trên thị trường mỹ thuật thế giới.
Bẵng đi một thời gian vì ảnh hưởng của chiến tranh, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa, một thời gian dài trong nước gần như không có mỹ thuật thương mại, thị trường mỹ thuật Việt Nam khoảng 10 năm gần đây bắt đầu có sự vươn mình. Tranh Đông Dương được các nhà sưu tập trong nước để ý và tìm kiếm nhiều hơn, những cuộc “xuống tay” từ vài trăm ngàn đến triệu USD cho một tác phẩm hội họa Đông Dương ngày càng phổ biến. Sau những năm tháng ở trời tây, tranh Đông Dương đã có sự hồi hương, được các nhà sưu tập trong nước sưu tầm và mang về.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, ước tính có hơn 1.000 bức tranh giá dưới 100.000 USD đã hồi hương, vài chục bức tranh trên 100.000 USD đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân trong nước. Tranh của các họa sĩ như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Vũ Cao Đàm, Lương Xuân Nhị… giá từ 500.000 USD đến khoảng 1 triệu USD, đều đã có những bức hồi hương. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho một nền mỹ thuật đang ở giai đoạn “vừa bước qua tuổi dậy thì”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi thông tin thêm: “Một tín hiệu đáng trông đợi, ở các thế hệ tiếp nối - tính luôn Việt kiều và gốc Việt - những tên tuổi ghi dấu ấn trên thị trường có thể kể đến như Jun Nguyễn - Hatsushiba, Dinh Q. Lê, Danh Võ, Lê Kinh Tài, Phạm An Hải, Bùi Hữu Hùng, Đặng Xuân Hòa, Bùi Công Khánh, Lê Quảng Hà, Nguyễn Trần Ưu Đàm… Vài tác phẩm của Danh Võ đã bán hơn 500.000 USD tại các phiên đấu giá quốc tế”.
Chị Lê Hoàng Ngân (36 tuổi, ngụ quận 3, một khán giả quan tâm đến mỹ thuật Đông Dương) chia sẻ: “Tôi theo dõi những cuộc đấu giá quốc tế có tranh Đông Dương. Tôi cũng từng dự triển lãm các bộ sưu tập cá nhân và cảm nhận những bức tranh được nhà sưu tầm mang về từ nước ngoài quả thật rất ấn tượng, nếu chúng ta có điều kiện và cơ chế để đưa nguồn tranh này vào các bảo tàng để công chúng được dịp thưởng lãm thì sẽ rất hay”.
Đừng tự làm mình mất giá
Khi nhiều người vẫn còn xôn xao trước giá hơn 3,1 triệu USD cho một bức tranh Đông Dương, giới nghiên cứu mỹ thuật lại có nhận định, mức giá này vẫn chưa thực sự xứng tầm và kỷ lục tranh Việt triệu USD sẽ tiếp tục được thiết lập.
Thị hiếu thưởng thức mỹ thuật của chúng ta đã có, tuy nhiên vẫn chưa nhiều và chưa có chiều sâu, ít nhà sưu tập tìm đến tranh, nên giá của các tác phẩm vẫn chưa thật sự đáng kể so với những tác phẩm hội họa của các nước trong khu vực đã ở mức vài chục triệu USD. Một lý do khác khiến tranh Đông Dương mất giá chính là tranh giả, tranh chép và tranh nhái. Tháng 9-2019, hãng đấu giá Sotheby’s (Hồng Công) đã rút 2 bức Lá thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái (Trần Văn Cẩn) khỏi phiên đấu giá vì bị cho là tranh giả.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi bày tỏ: “Dòng tranh Đông Dương bắt đầu được quan tâm và có giá tương đối cao thì thị trường bắt đầu có tranh giả. Nguồn tranh giả này từ trong nước, sau đó được đưa ra nước ngoài đấu giá, rồi các nhà sưu tập mua và mang về nước. Một ví dụ chính là tranh Bùi Xuân Phái. Tranh của ông rớt giá vì có quá nhiều tranh giả, ngay cả bản thân tôi, nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực mỹ thuật, nhưng nếu phải thẩm định tranh của Bùi Xuân Phái cũng rất ngại, vì tranh giả rất nhiều và rất tinh vi. Đây chính là vấn nạn khiến mỹ thuật của chúng ta vẫn chưa nâng tầm lên như một số quốc gia trong khu vực được”.
Nói về thị trường vàng thau lẫn lộn này, phải kể đến tranh giả và tranh nhái. Trong đó, tranh nhái chính là yếu tố làm nhiễu loạn và đánh mất sự sáng tạo của mỹ thuật. Người ta cố tình nghiên cứu thật kỹ phong cách, thủ pháp của một họa sĩ tên tuổi nào đó đang có tranh bán chạy và được giá. Sau đó, vẽ theo phong cách đó nhưng thêm vài đường nét, chi tiết… và ký tên chỉ chệch đi một chút so với tên các họa sĩ thành danh. Điều này khiến người xem, người mua mới bước vào thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm chơi tranh dễ bị nhập nhằng, lẫn lộn. “Tranh nhái kiểu này công khai, cũng không phạm luật, bởi không biết dựa vào đâu để xử lý. Điều này khiến cho mỹ thuật trong nước vẫn chưa thực sự có một cú bật đáng kể được”, nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ.
Mỹ thuật cũng là một cách để chúng ta tự hào giới thiệu và khẳng định nét văn hóa đặc sắc của đất nước ra thế giới. Trong câu chuyện đường dài, để nâng tầm tranh Việt, cần một thế hệ khán giả biết thưởng thức để hiểu được giá trị của một bức tranh hơn là chỉ trầm trồ trước con số trị giá. Nhưng trước hết, muốn có một nền mỹ thuật trong sáng, phải loại bỏ những chiêu trò tranh giả, tranh nhái để đưa cái đẹp lên đúng tầm nghệ thuật chứ không phải chụp giật vì lợi nhuận trước mắt.
Có ý kiến cho rằng tranh Việt triệu USD, nhưng họa sĩ trong nước chưa nhiều người thực sự sống được với nghề. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi bày tỏ: “Có một điều phải thừa nhận là tranh của các họa sĩ đã qua đời sẽ có giá hơn người đương thời - điều không chỉ ở Việt Nam, tranh ở các quốc gia khác cũng thế. Và họa sĩ hiện tại cũng nên chú trọng vẽ như thế nào, không quan trọng là vẽ bằng chất liệu gì nhưng phải để hồn cốt Việt Nam trong đó. Các thế hệ họa sĩ trước đây đã làm được điều này, lấy chất liệu, kỹ thuật phương Tây để vẽ nhưng nội dung bức tranh người ta nhìn vào biết ngay là tranh Việt, tạo nên một bản sắc riêng trên thị trường mỹ thuật thế giới. Ví dụ như ông họa sĩ Việt mà vẽ tranh giống như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì người ta tìm họa sĩ Nhật, Hàn để mua chứ đâu ai mua một bức tranh lai căng làm gì”.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-tranh-viet-vuon-tam-730611.html