Để trẻ em được sống trong tình thương và sự bảo vệ

Được tổ chức vào tháng 6 hàng năm, Tháng hành động vì trẻ em nhắc nhở chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em để bảo đảm tất cả các em đều có quyền sống, phát triển và phát huy hết tiềm năng.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm tất cả trẻ em đều có quyền sống, phát triển và phát huy hết tiềm năng. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được xác định là một sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Với chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và Khai mạc hè năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em”.

Điều này cũng khẳng định sự quan tâm, sát sao của Lãnh đạo với công tác bảo vệ quyền trẻ em, lấy trẻ em làm đối tượng trung tâm, ưu tiên bảo vệ hàng đầu trong mọi chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Bảo vệ trẻ em một cách toàn diện, hài hòa với luật pháp quốc tế

Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý và hiện thực hóa đầy đủ quyền trẻ em; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế; ứng phó kịp thời với tình hình mới nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã gia nhập, thực hiện các điều ước, công ước quốc tế liên quan đến quyền trẻ em.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 7,8 triệu trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 8% dân số; 27,2 triệu trẻ dưới 18 tuổi. Những năm qua, 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí, gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine.

Hiến pháp Việt Nam từ năm 1959 cho đến nay đều có nội dung về trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) vào ngày 20/2/1990. Từ đó đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa nội dung của Công ước vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và luật pháp quốc gia.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong 15 quốc gia đi đầu trong Liên minh toàn cầu 8.7 nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7. Việc mở rộng các Tòa án gia đình và người chưa thành niên cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận công lý.

Cùng với đó, Việt Nam cũng tăng cường và đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Chiến lược cấp quốc gia, trong đó lồng ghép các nội dung nhằm ưu tiên giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương và nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo đảm thực hiện quyền chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ngoài hệ thống luật pháp, một điểm quan trọng mà các tổ chức đánh giá cao khi nhìn nhận về nỗ lực bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam là sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội để bảo vệ, giúp cho trẻ em có cuộc sống an toàn và phát triển.

Hiện nay, hầu hết tất cả các cơ sở các cấp từ trung ương đến địa phương đều có hệ thống bảo vệ trẻ em, có đến 57/63 tỉnh thành nhóm liên ngành bảo vệ trẻ em.

Nhờ những cam kết chính trị cũng như sự quan tâm, chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em của Đảng và Nhà nước, cuộc sống hàng triệu trẻ em đã được cải thiện trong những năm gần đây. Các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn đồng thời những vấn đề phát sinh về trẻ em được chú trọng giải quyết. Nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội được quan tâm và ngày càng nâng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc Hè năm 2022 ngày 31/5. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc Hè năm 2022 ngày 31/5. (Nguồn: TTXVN)

Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất trong đại dịch

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, xã hội, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em, làm gia tăng nguy cơ quyền trẻ em bị vi phạm, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới phức tạp hơn đối với công tác bảo vệ trẻ em, việc triển khai các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc tốt nhất trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tinh thần dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất.

"Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để bảo đảm việc học tập được duy trì qua trực tuyến, qua truyền hình, qua phát thanh… Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng hiểu rõ và quyết tâm bù đắp lại những lỗ hổng kiến thức mà học tập trực tuyến không thể thay thế trực tiếp. Chúng tôi rất mừng là Bộ Giáo dục & Đào tạo, thậm chí là Thủ tướng, đã kêu gọi mở lại trường học cho tất cả các lứa tuổi, kể cả lứa tuổi nhỏ".

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Từ tháng 7/2020-12/2021, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 Luật, ban hành 12 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết, 2 Chỉ thị, 15 Quyết định, 1 Công điện về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh thực hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em; điều trị và chăm sóc trẻ em bị nhiễm Covid-19 và ảnh hưởng bởi Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách, các nguồn vận động để kịp thời hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế cho trẻ em gặp khó khăn; vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc và đỡ đầu trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phối hợp nhằm củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường truyền thông để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhằm bảo đảm quyền được giáo dục, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế đứt gãy các hoạt động giáo dục và việc thụ hưởng giáo dục của trẻ em, như chuyển sang hình thức học trực tuyến để thích nghi với điều kiện mới, tạo thuận lợi cho việc học tập, bảo đảm tiến độ và chất lượng chương trình giáo dục, triển khai hỗ trợ máy tính và các thiết bị công nghệ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học.

Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025 nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư của trẻ em; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em.

Sau nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh của Chính phủ cùng các cấp các ngành và toàn dân, thành quả rõ ràng nhất là hiện nay trẻ em Việt Nam đã được trở lại trường học trong “bình thường mới” và thụ hưởng đầy đủ các quyền của mình.

Có thể thấy rõ, bất chấp bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, Việt Nam vẫn nỗ lực để bảo vệ tốt nhất và hạn chế tối đa tác động xấu của đại dịch tới trẻ em, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội của các em.

Thời gian tới, tình hình trẻ em và việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn do ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu.

Các cấp, ngành cũng như các tổ chức xã hội và gia đình cần nâng cao nhận thức và hành động để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần. Điều này cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động”.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-tre-em-duoc-song-trong-tinh-thuong-va-su-bao-ve-185690.html