Để trở thành 'con hổ' châu Á mới: Việt Nam phải vượt qua 'bẫy thu nhập trung bình'

Với những thành tựu trong gần 38 năm Đổi mới, Việt Nam đặt kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.

Từng bước vươn mình trở thành một “con hổ” châu Á mới

Tại Hội thảo “Việt Nam: 40 năm Đổi mới và tầm nhìn 2024” diễn ra mới đây, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Tới năm 2023, GDP Việt Nam đã đạt mốc 430 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 USD, là mức cao nhất từ trước đến nay” - GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

 Tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam. Ảnh: CT

Tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam. Ảnh: CT

Nhìn lại chặng đường gần 38 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quy mô nền kinh tế không ngừng lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn bắt đầu Đổi mới tới nay luôn duy trì trên 6%.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống, đây là xu hướng chung của toàn thế giới.

Kinh tế tư nhân cũng có đà phát triển rất mạnh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký. Đồng thời, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa rộng với nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, có hiệu quả.

Trên bình diện hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại song phương thế hệ mới (FTA), hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, phủ rộng khắp các châu lục.

Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 35 trên thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới và là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động, có độ mở cao nhất thế giới.

“Bẫy thu nhập trung bình” - thách thức lớn của Việt Nam trong 20 năm tới

Với những thành tựu trong gần 38 năm Đổi mới, Việt Nam đặt kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.

Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng tăng chậm lại. Nếu trong giai đoạn 2000 - 2010, GDP Việt Nam ghi nhận mức tăng 6,6%, thì sang giai đoạn 2011 - 2020, GDP tăng 6%. Chính tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và kéo dài trong nhiều năm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang chững lại. Do đó, trong 20 năm tới, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức 7% là bài toán rất thách thức.

GS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng: Sau quá trình Đổi mới, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường.

Từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới, chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thử thách rất lớn đó là “bẫy thu nhập trung bình”. Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập trung bình đã đạt được nhờ khai thác tài nguyên và những lợi thế nhất định ban đầu như lao động giá rẻ, mà không vượt qua được ngưỡng đó để đưa thu nhập lên mức cao hơn.

Trên thực tế, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN có nền kinh tế vượt trội hơn Việt Nam trong những thập niên trước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia vẫn đang loay hoay để tìm ra giải pháp thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do đó, để trở thành quốc gia có thu nhập cao, bắt buộc Việt Nam phải vượt qua thử thách này.

GS.TS. Phạm Hồng Chương cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn như hiện nay, chưa kể các vấn đề suy thoái môi trường, tình trạng già hóa dân số nhanh chóng,... cũng ảnh hưởng lớn tới các mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam.

Liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, trở thành nước có thu nhập cao như Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được trong những thập kỷ vừa qua, hay chúng ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như cảnh báo của các chuyên gia. Để quá trình phát triển không dừng lại, chúng ta cần có những định hướng chiến lược, những hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững” - GS.TS. Phạm Hồng Chương đưa ra nhận định.

Hiện tại, Việt Nam đang đối mặt với nhiều biểu hiện của bẫy thu nhập trung bình như: Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao, năng suất lao động và TFP ở mức trung bình, phụ thuộc nhiều vào FDI và tham gia mờ nhạt vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì vậy, để vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045, tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề đang tồn đọng, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, để bắt kịp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần quan tâm, chú trọng phát triển những hình thái, lĩnh vực kinh tế mới đang nổi lên, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp mới, như: công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch…

Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường học hỏi những kinh nghiệm sinh động, phong phú của thế giới, nhất là kinh nghiệm của các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng, gần với thực tiễn Việt Nam, cả bài học thành công và những bài học thất bại, từ đó sẽ giúp Việt Nam tìm ra giải pháp khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức, hạn chế, bất cập trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

Những kinh nghiệm để vượt qua các loại “bẫy” phát triển, không chỉ là “bẫy” thu nhập trung bình, mà còn là “bẫy” lao động giá rẻ, “bẫy” tăng trưởng nhưng tăng trưởng không xanh, phát triển ào ạt mà không tính đến bền vững và lâu dài, ảnh hưởng đến xã hội, môi trường… sẽ mang ý nghĩa thực tiễn trong việc hoạch định các đường lối phát triển, cải cách hệ thống chính sách, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra trong phát triển bền vững tầm nhìn hướng tới năm 2045” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-tro-thanh-con-ho-chau-a-moi-viet-nam-phai-vuot-qua-bay-thu-nhap-trung-binh-post309799.html