Vĩnh Hòa nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

Nhận thấy cây ớt đem lại giá trị thu nhập cao so với các loại cây trồng khác, năm 2022, anh Trịnh Văn Hùng, thôn Giang Đông đã mạnh dạn thuê lại 4,5ha đất lúa của nhiều hộ dân không có điều kiện canh tác để đưa cây ớt vào trồng. Theo anh Hùng, trồng ớt tuy vất vả, mất nhiều công hơn so với cấy lúa nhưng bù lại thời gian thu hoạch của ớt kéo dài nhiều tháng trong năm, giá bán cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Hiện 4,5ha ớt, sau khi trừ chi phí thuê 10 lao động chăm sóc, thu hái và công cày bừa, giống, phân bón..., vẫn đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Nghề đan đèn lồng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc).

Nghề đan đèn lồng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc).

Thời gian qua, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đổi mới, tổ chức lại sản xuất, tích cực đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, hình thành các chuỗi liên kết giá trị. Trên tinh thần đó, toàn bộ diện tích đất lúa 430ha đã được đưa các giống có năng suất, chất lượng hiệu quả cao vào canh tác nên năng suất đạt trung bình 72 tạ/ha. Với gần 200ha đất màu, ngoài trồng ngô sinh khối diện tích 30ha, các cây trồng khác như mía, sen... và các loại rau màu vụ đông đem lại giá trị thu nhập cao cũng được trồng đại trà, góp phần nâng giá trị trên mỗi ha đất canh tác của xã hiện nay đạt 150 triệu đồng/ha/năm.

Vĩnh Hòa còn coi trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và phát triển doanh nghiệp. Hiện, trên địa bàn xã có 16 doanh nghiệp và gần 200 cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động ở các lĩnh vực như mộc, hàn, cơ khí, điện dân dụng, vận tải, xây dựng... góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài ra, nghề đan đèn lồng được du nhập, phát triển và có chỗ đứng vững chắc tại tất cả các thôn trên địa bàn xã nhưng tập trung nhiều nhất ở các thôn: Nghĩa Kỳ, Lợi Chấp, Quang Biểu. Việc thu hút, phát triển doanh nghiệp và các ngành nghề nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập dao động từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh phát triển ngành nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, công tác xuất khẩu lao động cũng được địa phương coi trọng. Hiện Vĩnh Hòa có trên 150 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., đem lại cho thu nhập ước tính 40 - 50 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong huyện, trong tỉnh có khoảng hơn 1.000 người, với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

XDNTM, đích cuối cùng chính là nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, từ 1 xã thuần nông, với xuất phát điểm thấp, song nhờ đa dạng hóa các hình thức phát triển kinh tế, đến nay thu nhập của người dân Vĩnh Hòa đạt trên 62,5 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện nâng cao. Đây tiếp tục là tiền đề quan trọng để mỗi người dân địa phương góp công, góp của sớm đưa Vĩnh Hòa trở thành xã NTM nâng cao trong năm 2024 như lộ trình.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vinh-hoa-nang-cao-tieu-chi-thu-nhap-trong-xay-dung-nong-thon-moi-224902.htm