Để trở thành công dân toàn cầu
Trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, cả một thế giới rộng lớn đang mở ra và dường như có chỗ cho tất cả. Để vững bước trong quá trình hội nhập quốc tế, ai cũng cần trở thành công dân toàn cầu. Vậy thế nào là công dân toàn cầu?
Sẽ có những cơ hội nào mở ra? Những thách thức, khó khăn gì khi bước ra khỏi đất nước Việt Nam? Lối tư duy, cách làm việc, hành xử của một công dân toàn cầu sẽ phải thế nào?... Để lần lượt trả lời cho các câu hỏi đó, Giáo sư Phan Văn Trường dẫn bạn đọc qua 10 chương sách trong tác phẩm Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ đầy cuốn hút.
Tác giả giải mã ADN của những công dân toàn cầu; kể về công dân toàn cầu đầu tiên ông từng gặp. Những quan sát của ông về một công dân toàn cầu đi dự tiệc, chia sẻ về văn hóa làm việc, hành xử của công dân toàn cầu và cả những điều tối kỵ với công dân toàn cầu…. Với những trải nghiệm phong phú khi sinh ra tại Việt Nam, lớn lên ở Malaysia, học tiếng Pháp, làm việc bằng tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, biết cả tiếng Thái, tiếng Indonesia, là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế..., Giáo sư Phan Văn Trường nhắc nhở mỗi người, làm công dân toàn cầu trước tiên phải là một "công dân" trước khi nghĩ đến chuyện "toàn cầu".
Từng làm việc trong doanh nghiệp có văn phòng trên 60 nước, đi thăm các cơ sở mỗi năm, luôn cầm hai hộ chiếu… nhưng Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng: “Không phải cứ có kích thước quốc tế mà có thể tự cho nhãn hiệu công dân toàn cầu”. Bằng cách chia sẻ về cuộc sống của những người mà ông từng gặp và cho rằng họ đang sống, làm việc như một công dân toàn cầu, ông để độc giả tự đúc kết cho mình cảm nhận riêng. Những người được mô tả trong sách có thể là một doanh nhân trẻ, một chú bé người Việt, một người phụ nữ Pháp gốc Việt, hoặc một doanh nhân vĩ đại người Mexico. Họ khác nhau về quốc tịch, giới tính, độ tuổi, công việc, nếp sống… nhưng họ là công dân toàn cầu. Tác giả cho rằng, “công dân toàn cầu là một phong thái văn hóa”, đồng thời nhấn mạnh và đặt niềm tin vào nội lực, trí tuệ và những điều đáng tự hào của người Việt. Cùng với tinh thần "bình đẳng, hồn nhiên, thẳng thắn và tích cực", tác giả hy vọng mọi người sẽ tự tin: "Thế giới là của mọi người và có một phần của tôi". Khi mọi người đều muốn trở thành công dân toàn cầu và nhận trách nhiệm để cùng tái kiến thiết thế giới này thì sẽ tạo ra một phong thái văn hóa, phải được hiểu như một sự tự giác tu thân.
Độc giả Đỗ Bạch Yến (phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài) cho biết: Trước đây, tôi cứ nghĩ công dân toàn cầu phải là người từng sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, thông thạo nhiều ngoại ngữ, thành đạt, giàu sang và đi du lịch khắp thế giới. Tuy nhiên, bằng trải nghiệm thực tế, phong phú và độc đáo của Giáo sư Phan Văn Trường qua cuốn sách đã mang đến cho tôi một “định nghĩa” khác. Mới đầu, tôi nghĩ đó là một cộng đồng rất khác biệt nhưng càng đọc tôi lại thấy rất quen thuộc.
Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ cũng khẳng định: “Không có lớp học chính thức nào để biến học viên thành công dân toàn cầu. Và tất nhiên, không bao giờ có bằng cấp liên quan đến công dân toàn cầu, cũng như sẽ không bao giờ có một cơ quan nào phát bằng công dân toàn cầu cho ai. Công dân toàn cầu là một phong cách, một thái độ, một cách nhìn và cảm nhận cuộc sống, của một người có trách nhiệm với địa cầu, với nhân loại, với hệ sinh thái vũ trụ, với môi trường và tất cả những gì vũ trụ tặng chúng ta. Có thể nói rằng các công dân toàn cầu sẽ nhận ra nhau dù không qua khóa học nào”. Nếu như công dân toàn cầu hướng con người đến sự hòa nhập, thì công dân vũ trụ hướng nhân loại đến cách sống bền vững với thiên nhiên, một trong những bài học mà đại dịch Covid-19 đã để lại cho chúng ta.
Những ai từng đọc các tác phẩm về quản trị, thương thuyết của Giáo sư Phan Văn Trường sẽ thấy, cuốn sách này có sự khác biệt với những tác phẩm trước ở chủ đề và đối tượng hướng tới. Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ dành cho tất cả mọi người, bởi đây là bước phát triển tất yếu của mỗi cá nhân trong tương lai. Vì vậy, mỗi người có thể tìm thấy gợi ý từ quyển sách này để hoàn thiện chính mình. Cuốn sách vừa mới phát hành trong quý 3/2022. Mời quý độc giả tìm đọc và giới thiệu cho nhiều người cùng đọc.
Câu hỏi có thưởng tháng 9: Bạn cho biết Giáo sư Phan Văn Trường đã xuất bản những cuốn sách nào?
Chương trình sẽ nhận câu trả lời ngay sau ngày phát trên sóng phát thanh và đăng tải trên Báo Bình Phước của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) 7 ngày. Câu trả lời đúng và hay nhất sẽ được Thư viện tỉnh Bình Phước tặng một phần quà sách có giá trị. Các bạn tham gia trả lời xin gửi đáp án về email: sachhaybptv@gmail.com; hoặc gửi thư về “Chuyên mục Sách - Người bạn tốt, Phòng Văn nghệ - Giải trí - Quốc tế, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Nội dung thư, email ghi rõ họ tên, địa chỉ để chuyên mục gửi quà tặng.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/54/137411/de-tro-thanh-cong-dan-toan-cau