Để tuổi già thanh thản
Người Việt Nam thường quan niệm rằng 'nước mắt chảy xuôi', con cái là tương lai của cha mẹ. Khi con còn nhỏ, cha mẹ dồn hết tình yêu thương, tiền bạc cho con, mong con sau này trưởng thành, cho cha mẹ 'mở mày mở mặt' và đặc biệt lúc về già có nơi để nương tựa. Thế nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp cha mẹ không thể cậy nhờ con cái lúc về già bởi nhiều lý do.
Hàng xóm của chúng tôi là bà cụ 75 tuổi, sống một mình trong căn phòng trọ cũ kỹ. Hôm rồi cả xóm tôi thức giấc lúc 12 giờ đêm vì có tiếng người kêu cứu. Biết có chuyện chẳng lành, mọi người vội vàng chạy đến, thấy bà đang trong tình trạng đau đớn. Ngay lập tức người gọi xe cấp cứu, người thu xếp quần áo, đồ đạc đưa bà đi bệnh viện. Trong cơn đau bà vẫn cố gắng nhắn với chúng tôi là đừng để con trai bà biết mình đang bệnh.
Chồng mất sớm nên bao nhiêu tình cảm bà dồn hết cho đứa con trai duy nhất. Bà kể, khi còn trẻ, dù khó khăn đến mấy bà đều tìm cách cho con đi học. Thấy con học được, bà càng mừng. Thay vì có khoản tích lũy cho bản thân, bà dồn hết vào tương lai của con. Bà nghĩ rằng nếu con nên người sẽ không bao giờ phụ công cha mẹ. Tốt nghiệp đại học, người con ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc và lập gia đình. Cách đây mấy năm, thấy con trai cần tiền mua nhà tại thành phố, bà đã vui vẻ bán đi ngôi nhà mình đang ở và quyết định vào thành phố với con cháu.
Cuộc sống chung chỉ vui vẻ thời gian đầu, những mâu thuẫn, xích mích nhanh chóng bộc lộ. Bất bình với con trai, con dâu, bà phải khăn gói về lại quê. Không còn nhà cửa, bà đành thuê trọ. Với đồng lương hưu còm cõi, bà tằn tiện sống qua ngày. Người con trai thời trẻ cũng hiếu nghĩa với mẹ nhưng khi lập gia đình, mọi chuyện lại thay đổi do hoàn cảnh. Làm việc căng thẳng suốt ngày, lại ở xa hơn 1.000 km, rồi lấy vợ, sinh con nên không còn nhiều thời gian chăm mẹ nữa, thi thoảng chỉ hỏi thăm mẹ qua những cuộc điện thoại vội vàng.
Ở quê, người mẹ đó đang trải qua những tháng ngày cô quạnh trong căn phòng trọ sau một đời dốc sức nuôi con. Những gì người mẹ cần lúc trái gió trở trời, khi tuổi già sức yếu đã không như hy vọng của bà.
Câu chuyện của bà để lại cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về quan niệm ứng xử giữa con cái và cha mẹ. Văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có quan điểm: Cha mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con, sau này chúng phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Thế nhưng thói quen dồn tất cả cho con không phải lúc nào cũng có kết quả tốt đẹp. Cha mẹ một đời khó nhọc nuôi con, không màng chuẩn bị cho tuổi già của mình sẽ gặp nhiều tình cảnh trớ trêu, đau lòng. Nhất là trong xã hội hiện nay, con cái quá bận rộn với cuộc sống đã có ít cơ hội phụng dưỡng bố mẹ, chăm sóc người thân của mình.
Chị họ tôi ở Hà Nội, con trai học tập và ở lại nước ngoài sinh sống, con gái đã lấy chồng. Về hưu, chị ở cùng gia đình con gái trong căn hộ chung cư, hằng ngày chơi với cháu, đỡ đần cơm nước cho con. Một lần chị bị tai biến, mặc dù qua cơn nguy hiểm, tay chân chị yếu hẳn nhưng trí tuệ chị vẫn minh mẫn. Cả ngày các con đi làm, các cháu đi học, chị ở nhà làm bạn với chiếc xe lăn. Nỗi buồn bệnh tật, sự cô đơn và cảm giác mình làm phiền các con đã thôi thúc chị chuyển vào viện dưỡng lão ở, hằng tuần con cháu sẽ vào thăm. Các con chị phản đối kịch liệt, lên phương án thuê người giúp việc nhưng chị vẫn một mực muốn vào viện dưỡng lão. Con gái chị vô cùng khổ sở, gọi điện thoại vê quê cầu cứu họ hàng khuyên can mẹ nhưng không có kết quả.
Thế nhưng, sau một thời gian vào viện dưỡng lão, chị vui vẻ, khỏe mạnh hẳn lên. Chúng tôi ra thăm chị, chị kể, môi trường điều kiện ở viện khá tốt, thân thiện. Có nhiều người cùng tuổi để trò chuyện, chia sẻ. Ăn uống đều đặn, hợp khẩu vị. Hằng ngày có nhân viên y tế chăm sóc, tập vật lý trị liệu, sức khỏe chị ổn hơn. Con gái chị vì thế cũng cảm thấy an tâm mà tập trung cho công việc và gia đình. Cuối tuần con cháu đến thăm, ai cũng cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng. Chị cũng cho tôi biết đã dùng toàn bộ lương hưu hằng tháng cộng thêm tiền tích lũy được để chi trả mọi chi phí của cuộc sống tại viện. Chị luôn muốn tự lo cho bản thân để có cơ hội sống thoải mái. Vì chị biết, tuổi già sẽ ốm đau, trong khi con cái lại bận rộn; không được chăm sóc chu đáo khiến mình dễ tủi thân rồi trách cứ chúng, gây mất tình cảm.
Xã hội ngày càng phát triển, chúng tôi là thế hệ 7x đã bắt đầu suy nghĩ, ở tuổi già không có sự tích lũy, chuẩn bị, phải phụ thuộc vào người khác thì thực sự là một bi kịch. Trong những câu chuyện “toan về già”, chúng tôi đã nghĩ đến phải thu xếp sao đó để tuổi già càng ít phụ thuộc vào con cái càng tốt. Mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 đứa con. Các con lớn lên đều đi học xa, làm việc xa, thậm chí làm việc và định cư ở nước ngoài. Nếu buộc các con sống cạnh mình để cậy nhờ tuổi già thì hóa ra cha mẹ cũng ích kỷ, đặt nặng trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lên các con, không cho các con cơ hội để mở mang, phát triển.
Ở các nước phát triển, cha mẹ chỉ nuôi dưỡng con đến năm 18 tuổi, sau đó, những đứa trẻ tự bươn ra ngoài học hành, kiếm sống. Cha mẹ về già chọn viện dưỡng lão sống. Bản thân các bậc làm cha làm mẹ, thay vì tằn tiện chi tiêu, gom góp dồn hết cho con thì nên để dành tiền đó dưỡng già hoặc để dành lo cho mình. Và nên chăng tỉnh Quảng Trị cũng rất cần xây dựng một viện dưỡng lão để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của xã hội?