Để ứng dụng khoa học công nghệ bắt nhịp với yêu cầu phát triển
Nhiều dự án khoa học, công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm. Tuy nhiên, hoạt động khoa học vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra từ thực tế phát triển…
Những tín hiệu vui
Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ đã được các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức thực hiện, ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả khá rõ nét, nhất là trong sản xuất nông lâm nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thu nhập của người dân được cải thiện.
Điểm sáng nhất là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học đã đưa các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người dân. Đây là khẳng định của ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến từ khâu giống cây trồng, vật nuôi. Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng sản xuất cam, mía, chè, lạc, rừng, bưởi; vùng chăn nuôi cá, trâu, lợn… trong đó có dấu ấn quan trọng của hoạt động khoa học và ứng dụng công nghệ.
Vùng cam sành Hàm Yên trước đây gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng diện tích do không chủ động được nguồn cây giống. Cây cam rất kén đất nên khó tái canh, trước năm 2009, do nhiều yếu tố cam Hàm Yên đứng trước nguy cơ bị sụt giảm diện tích, từ trên 1.000 ha, giảm còn dưới 900 ha. Với mục tiêu đưa cây cam trở thành cây trồng chủ lực, tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND huyện Hàm Yên triển khai đề tài nhân giống cam sành Hàm Yên bảo đảm mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cam sành, giúp người nông dân giảm nghèo và làm giàu bền vững. Đội ngũ cán bộ của các đơn vị đã vào cuộc nghiên cứu tiến hành gieo hạt ghép mắt cam vào gốc cây đồng dạng đã cho kết quả khả quan. Cây cam ghép sống khỏe, sạch bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, diện tích cam ngày càng được mở rộng, đến nay đạt trên 7.000 ha; chất lượng quả được nâng lên, trở thành “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”.
Dự án trồng cây măng tây nhập ngoại tại phường Ỷ La (TP Tuyên Quang)mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp nhưng chất lượng các sản phẩm chưa cao do nguồn gen, giống cây trồng, vật nuôi kém chất lượng. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa, ngành Nông nghiệp và ngành Khoa học và công nghệ tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều dự án khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Với mục tiêu rút ngắn chu kỳ rừng trồng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, từ năm 2018 đến nay, ngành Khoa học và công nghệ tỉnh đã nghiên cứu lai tạo, tuyển chọn và nhân giống thành công 2 dòng keo 102 và BV342 chu kỳ ngắn, sinh khối lớn, đang được trồng thử nghiệm tại một số địa phương. Qua theo dõi, cây keo sinh trưởng tốt, chu vi đo được là 30 cm, chiều cao trên 4 m, năng suất hơn keo đại trà 25%, chu kỳ rút ngắn còn 5 năm. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Hồng Thanh cho rằng, đây là bước đột phá trong phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu nội địa. Hiện, các công ty lâm nghiệp đang tiến hành tuyển chọn hạt của các cây keo chất lượng tốt để gieo ươm đưa vào trồng đại trà trong thời gian tới.
Nhiều đề tài, dự án khoa học được ứng dụng đã tạo nên sự đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và nâng tầm giá trị các sản phẩm hàng hóa đặc sản trên địa bàn tỉnh. Ngành Khoa học tỉnh đã khôi phục nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị như giống lạc L15, lợn đen địa phương, cá Anh vũ, trâu ngố Tuyên Quang… Một số đề tài ứng dụng cây trồng mới vào sản xuất, tiêu biểu là trồng thử nghiệm cây Macadamia tại huyện Yên Sơn và huyện Lâm Bình; trồng cây măng tây nhập ngoại tại phường Ỷ La (TP Tuyên Quang)… mở hướng làm giàu cho người nông dân.
Anh Lê Xuân Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) chia sẻ, dự án trồng cây măng tây nhập ngoại là đề tài khoa học cấp tỉnh do UBND phường chủ trì thực hiện từ năm 2014 dưới sự hỗ trợ tích cực của Sở Khoa học và Công nghệ. Dự án có 5 hộ tham gia trồng 1 ha măng tây. Các hộ tham gia được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng và xử lý một số loại dịch bệnh như thán thư, vàng lá thối rễ, héo thân cành. Nhờ đó, đến nay, cây măng tây phát triển tốt, mỗi gia đình trồng cây măng tây chính vụ xuân và vụ mùa có thu nhập từ 800 đến 1 triệu đồng mỗi ngày. Đây là hướng đi mới giúp người dân làm giàu.
Phát huy vai trò "đòn bẩy"
Các dự án khoa học được ứng dụng vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả rõ nét nhưng ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thừa nhận trong một số lĩnh vực vẫn chưa bắt kịp yêu cầu phát triển. Các dự án khoa học mới được tập trung nhiều ở lĩnh vực nông lâm nghiệp; lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch còn khiêm tốn, khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa cao. Không ít lĩnh vực sau khi dự án kết thúc không có hoạt động ứng dụng tiếp theo do thiếu kinh phí và thiếu cán bộ nhiệt huyết làm “bà đỡ”.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, sản xuất hiệu quả thì công tác này còn nhiều việc phải làm. Trong đó điều quan trọng là phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc liên kết với các nhà khoa học triển khai các đề tài có tính ứng dụng cao. Hiện nay, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất chưa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên tâm cho hoạt động khoa học, nhất là về cải tiến máy móc, nâng tầm các trang thiết bị và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, không ít đơn vị sản xuất kinh doanh vẫn sử dụng thiết bị lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm chế biến ở dạng thô, hàm lượng ứng dụng khoa học kỹ thuật còn ít; đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, không bền vững, vẫn đang ở dạng “mò mẫm tìm đường”, vậy nên nhiều sản phẩm rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Để phát huy vai trò “đòn bẩy” của khoa học công nghệ trong sản xuất, yêu cầu đặt ra là mỗi doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh cần xây dựng đội ngũ làm khoa học bài bản, có chế độ thỏa đáng cho họ; đẩy mạnh liên kết chuyển giao công nghệ, nâng tầm các dự án khoa học mang tính ứng dụng cao tạo ra những sản phẩm thị trường cần, tạo động lực phát triển mới. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, đây là vấn đề cần được các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, bảo đảm đổi mới dây chuyền, thiết bị, góp phần tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung.
Hiệp hội sẽ có chương trình cụ thể về công tác khoa học trong các doanh nghiệp để định hướng, vận động thực hiện hiệu quả, hướng tới mục tiêu vì sự phát triển chung. Thực tế, doanh nghiệp, đơn vị nào chú trọng hoạt động khoa học, nhất là ứng dụng khoa học đã có sự phát triển bền vững mang tính đột phá, tiêu biểu là các công ty lâm nghiệp; một số công ty chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điển hình là Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thành Hưng, Công ty cổ phần Công nghiệp Tân Hà… Đây là những doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp thì vai trò của người lao động trong việc tự học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Hồng Thanh nhấn mạnh, những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động được coi là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho mỗi đơn vị. Do đó, mỗi đơn vị, doanh nghiệp cần khơi dậy tinh thần sáng tạo trong công nhân, người lao động, góp phần tạo ra hàm lượng lao động chất lượng cao, làm lợi cho cộng đồng. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của công nhân, người lao động cần được lãnh đạo các đơn vị, cơ quan chức năng tổng hợp, đánh giá hiệu quả để ứng dụng vào thực tiễn, nhân ra diện rộng, tạo động lực phát triển.
Bài, ảnh: Thành Công
Ông Trầ̀n Thanh Hải
Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động,
Liên đoàn Lao động tỉnh
Nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ), đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu suất lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và̀ công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt phong trào thi đua “Lao động sáng tạo”. Do đó, đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn mang lại giá trị kinh tế cao, điển hình như sáng kiến sửa chữa lại hệ thống máy móc, thay thế nguyên vật liệu đáp ứng sản xuất thời dịch bệnh Covid-19 của Công ty Xi măng Tân Quang, Công ty Gang thép Tuyên Quang, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương… Mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 100 đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và gần 1.100 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào công việc, sản xuất.
Kỹ sư nuôi trồng thủy sản Đặng Xuân Cảnh
Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang
Thời gian qua, có rất nhiều đề tài khoa học được thực hiện, tuy nhiên chỉ một số ít đề tài được ứng dụng vào thực tiễn. Để tránh lãng phí, theo tôi các ngành chức năng cần đánh giá và thẩm định kỹ lưỡng, ưu tiên những đề tài khoa học, những dự án sản xuất có tính thực tiễn cao. Hơn nữa, cũng cần cả chính sách hậu đề tài, dự án, đặc biệt là nguồn kinh phí hỗ trợ nhân rộng kết quả của đề tài, dự án, nếu không rất khó mang lại hiệu quả cho người dân. Thực tế, 4 năm trước, Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện Đề tài khoa học sinh sản nhân tạo cho cá lăng chấm, đã thành công, bước đầu được áp dụng vào sản xuất, tuy nhiên cũng chỉ thực hiện được ở các trung tâm, trại giống sản xuất có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, còn lại ở các hộ, hợp tác xã vẫn chưa thực hiện được do thiếu kinh phí đầu tư.
Ông Hoàng Thanh Tùng
Tổ 3, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang)
Gia đình tôi tham gia Dự án trồng cây măng tây nhập ngoại tại phường với 2.000 m2 từ năm 2014. Cây măng tây phát triển tốt, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân để các dự án khoa học có hiệu quả lâu dài trong thực tiễn sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ từ dự án, thời gian qua, tôi tự nghiên cứu kiến thức trên internet để xử lý sâu bệnh thường gặp ở loại cây trồng này. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều loại sâu bệnh phát sinh, do đó cần phải tìm hiểu, mày mò để có biện pháp xử lý kịp thời. Mỗi người nông dân “phải là nhà khoa học” để chủ động trong sản xuất. Hiện nay, tôi đã chữa trị được hầu hết các loại sâu bệnh cho cây măng tây từ việc nghiên cứu các chế phẩm sinh học đối kháng, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, bảo đảm hạn chế bạc màu đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường.