Đề Văn giữa kỳ 2 thiếu sót, Hiệu trưởng THCS Huỳnh Khương Ninh nhận trách nhiệm

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh lên tiếng, tiếp thu tất cả những đóng góp về đề kiểm tra Ngữ văn giữa kỳ 2 lớp 8.

Đề kiểm tra mắc nhiều lỗi hình thức?

Ngày 28/3, độc giả gửi phản ánh về cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, đề kiểm tra giữa kỳ 2 Ngữ văn lớp 8 của Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh mà học sinh vừa làm hôm 15/3 có nhiều sai sót.

 Ảnh: Độc giả cung cấp

Ảnh: Độc giả cung cấp

Theo độc giả thì nội dung bài thơ chưa phù hợp ở lứa tuổi này. Về mặt hình thức của đề: Phần trích nguồn tên bài thơ ở phía cuối, thừa dấu phẩy ngay sau số 2016.

Thiếu phần mệnh lệnh yêu cầu trả lời câu hỏi hay hoàn thành yêu cầu ở phần I Đọc hiểu với các câu 1,2,3,4.

Trong phần I Đọc hiểu gọi là “văn bản”, nhưng xuống phía dưới các câu lại gọi là “bài thơ”, chưa thống nhất trong cách gọi ngữ liệu.

Trong câu hỏi số 1 bị lặp hai từ “xác định” để tất cả yêu cầu và câu hỏi vào 1 câu rồi đặt dấu chấm hỏi ở phía cuối câu.

Trong câu hỏi số 2 có trích hai câu thơ, nhưng chưa cho vào trong dấu ngoặc kép.

Trong câu hỏi số 4 có câu cầu khiến với chức năng yêu cầu vì có từ “hãy” mà cuối câu có dấu chấm hỏi là người ra đề đã sử dụng sai dấu câu.

Trong phần II của đề này yêu cầu học sinh “Tạo lập văn bản” là chưa đúng với kỹ năng bài học mà học sinh được học trong lớp gọi là “Viết văn bản”.

“Trong đề có ghi mã đề là 815. Vậy đây là đề kiểm tra của từng lớp hay đề chung của toàn trường? Đề này đã qua sự kiểm duyệt của ban giám hiệu nhà trường hay chưa?”, thư phản ánh của độc giả nêu.

Hiệu trưởng nhà trường nói gì về việc này?

Để có thông tin khách quan, ngày 28/3, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, Quận 1 phản ánh các băn khoăn của độc giả.

Với tư cách là người đứng đầu nhà trường, thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng nhà trường nhận trách nhiệm, tiếp thu và cầu thị về những lỗi thiếu sót mà bạn đọc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh về đề kiểm tra giữa học kỳ 2 Ngữ văn lớp 8 của nhà trường.

 Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Thầy Cao Đức Khoa khẳng định, đề thi này hoàn toàn không có gì sai về mặt nội dung, nhưng đã có những lỗi thiếu sót về mặt hình thức như bạn đọc phản ánh là đúng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề ai là người ra đề kiểm tra này, thầy Cao Đức Khoa thông tin, đây là đề kiểm tra do giáo viên dạy Ngữ văn lớp 8 ra, nhóm trưởng bộ môn Ngữ văn lớp 8 duyệt, một thành viên trong lãnh đạo nhà trường có xem qua đề nhưng cũng chỉ coi chủ yếu về mặt hình thức đề có đúng hay không.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, Quận 1 nhấn mạnh: “Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu trang bị các phẩm chất, năng lực cho học sinh, nên đề kiểm tra giữa kỳ cũng không cần ban giám hiệu trường duyệt”.

Cũng theo thầy Cao Đức Khoa, sở dĩ trong đề có ghi mã đề là 815 là do trong một lớp học thì các em học sinh sẽ có nhiều mã đề khác nhau để cho các em làm.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia ở môn Ngữ văn, Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi – Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngữ liệu trong đề kiểm tra này hoàn toàn hợp lý (đúng thể loại cần kiểm tra theo phân phối chương trình, đúng chủ đề/chủ điểm về nội dung đã học, tích hợp được kiểm tra kiến thức tiếng Việt phù hợp với nội dung đã học); tuy nhiên cần lưu ý đến tâm lý lứa tuổi và những biểu hiện phong phú, đa dạng của chủ đề “lòng yêu nước” (tinh thần tự tôn dân tộc, lòng căm thù giặc sâu sắc; ý chí chiến đấu chống giặc cứu nước; tình yêu thiên nhiên/khung cảnh quê hương đất nước).

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi nhấn mạnh: “Các câu hỏi trong đề kiểm tra này đã bám sát yêu cầu cần đạt, phủ luôn cả nội dung tiếng Việt có liên quan. Nếu có cần điều chỉnh thì chỉ cần sửa lại câu số 3, thay thế chữ “tâm sự” thành “tình cảm, cảm xúc” gần gũi hơn với học sinh”.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi thì những câu hỏi trong đề này đã rất cụ thể, tường minh, chỉ cần diễn đạt gọn lại.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-van-giua-ky-2-thieu-sot-hieu-truong-thcs-huynh-khuong-ninh-nhan-trach-nhiem-post250217.gd