Để vỉa hè thực sự 'đẻ' ra tiền

Dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được hoàn thiện và đang trình UBND Thành phố xem xét, quyết định. Theo lộ trình, dự thảo sẽ được Thành phố xem xét, lấy ý kiến người dân cũng như các sở, ngành liên quan và đơn vị chức năng… sau đó sẽ điều chỉnh phương án phù hợp. Nhìn chung, các đề xuất trong dự thảo thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi mức độ ảnh hưởng trực tiếp của nó.

Mục tiêu không phải thu phí, tính tiền

Sau hơn 10 tháng nghiên cứu, tổ soạn thảo (gồm 11 sở, ngành và 4 quận, huyện do Sở Xây dựng là cơ quan thường trực) đã trình UBND Thành phố việc ban hành Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố. Cụ thể, từ kết quả đánh giá hiện trạng quản lý tại 123 tuyến phố, rà soát quy định hiện hành, tổ đã xác định các điều kiện, tiêu chí để xem xét việc khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường để trông xe, sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh.

Tổ soạn thảo đề xuất 9 mô hình hè phố được khai thác, sử dụng ngoài mục đích giao thông và đề ra 7 nhóm giải pháp quản lý.

Trái với sự ngăn nắp, gọn gàng ở địa điểm được thí điểm cho thuê, nhiều vị trí khác trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt vẫn diễn ra tình trạng lấn chiếm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Trái với sự ngăn nắp, gọn gàng ở địa điểm được thí điểm cho thuê, nhiều vị trí khác trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt vẫn diễn ra tình trạng lấn chiếm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Mức phí cho thuê thực hiện theo Nghị quyết số 06/2020 của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố. Việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để kinh doanh tại các tuyến phố chính của 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, các tuyến phố văn hóa ẩm thực, chợ đêm, áp dụng mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Các tuyến phố chính 8 quận còn lại 40.000 đồng/m2/tháng; những tuyến phố khác và phố thuộc thị xã Sơn Tây 25.000 đồng/m2/tháng; các huyện 20.000 đồng/m2/tháng.

Với phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ ôtô, dự thảo quy định theo Nghị quyết số 06 của HĐND thành phố Hà Nội, với mức 240.000 đồng/m2/tháng ở các tuyến phố cần hạn chế và 150.000 đồng cho các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm.

Mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe đạp, xe máy cũng được quy định theo Nghị quyết trên, với mức 135.000 đồng/m2/tháng ở các tuyến phố cần hạn chế và 90.000 đồng cho các tuyến phố còn lại ở quận Hoàn Kiếm. Phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ ô tô và xe đạp, xe máy ở các quận còn lại là 25.000 - 30.000 đồng/m2/tháng; ở thị xã Sơn Tây và các huyện ngoại thành là 20.000 đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện dự thảo đã được Sở Xây dựng hoàn thiện và đang trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, cho ý kiến. Về phương án triển khai, tổ soạn thảo cũng đề xuất thực hiện thí điểm đề án quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè để kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả bước đầu, các đơn vị tiếp tục xem xét việc thực hiện đề án tại khu vực đô thị thuộc của các quận, huyện khác. Nhìn chung, mục tiêu của đề án là hướng đến việc quản lý, khai thác vỉa hè một cách đồng bộ, bài bản, hiệu quả trên địa bàn Thành phố, chứ không phải là thu phí, tính tiền.

Cho thuê để gắn trách nhiệm

Câu chuyện về cho thuê vỉa hè không phải bây giờ mới được nhắc đến, tuy nhiên, hình thức triển khai như thế nào vẫn mang lại nhiều băn khoăn cho chính quyền địa phương lẫn người dân liên quan trực tiếp. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm là địa phương duy nhất của Hà Nội đang thực hiện thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của Thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 30, 94 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền. Mức phí cho thuê là 45.000 đồng/m2/tháng, thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố mỗi lần là 6 tháng.

Ghi nhận nhanh tại những địa chỉ này, tại số 94 Lý Thường Kiệt hiện đang được cho thuê để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Thời gian được kinh doanh từ 6h sáng đến 2h sáng. Dù phần vỉa hè khá rộng rãi, tuy nhiên ngoài phần diện tích kê bàn ghế, một phần diện tích của vỉa hè khu vực này được sử dụng làm điểm đỗ phương tiện, khiến diện tích dành cho người đi bộ bị thu hẹp nhưng nhìn chung cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Còn tại khu vực vỉa hè số 15 Ngô Quyền, đây là vị trí nằm sát khách sạn Metropole, phục vụ chủ yếu các khách hàng bên trong khách sạn. Cũng nằm trên phố Lý Thường Kiệt, đoạn vỉa hè nằm sát tòa nhà số 30A Lý Thường Kiệt được quận Hoàn Kiếm cho thuê làm điểm bán cà phê… Những phần vỉa hè còn lại thông thoáng, không ảnh hưởng đến người đi bộ.

Điều đáng nói ở đây là hầu hết các tuyến phố này đều có mặt vỉa hè rộng, phần lớn các cửa hiệu cũng là các khách sạn, nhà hàng lớn, có vị trí mặt tiền rộng và thoáng, phần vỉa hè đảm bảo không gian cho mục đích kinh doanh, bày bán sản phẩm và vẫn dành được không gian cho người đi bộ… những điều kiện “đủ” này rất khó để nhân rộng.

Trong khi đó, theo nội dung đề án những tuyến phố cần hạn chế của quận Hoàn Kiếm gồm: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ… nhưng kể cả có không cho thuê thì vỉa hè tại những tuyến phố này vẫn bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, chị Nguyễn Thị Tình, chủ cửa hàng kinh doanh thời trang trên tuyến phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho biết, chị hoàn toàn ủng hộ chủ trương để cho các hộ kinh doanh thuê lại một phần diện tích đối diện mặt tiền, địa điểm kinh doanh. “Tôi rất ủng hộ, thực tế tuyến phố này đã như vậy rồi, chúng tôi luôn mong muốn việc thu phí diễn ra công khai để vừa có thể đóng góp ngân sách vừa được tạo điều kiện kinh doanh phù hợp mà không ảnh hưởng đến trật tự đô thị”, chị Tình cho hay.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Phương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nêu quan điểm, hiện nay, nhiều diện tích vỉa hè, không gian đi bộ đang bị các hộ kinh doanh chiếm dụng làm nơi gửi xe, buôn bán cũng khiến nhiều tuyến đường trở nên nhếch nhác. Anh Phương cho rằng, việc cho thuê vỉa hè sẽ phần nào kiểm soát được vấn đề trên, từ đó cân đối, gắng trách nhiệm, góp phần cùng giữ gìn hè phố xanh, sạch, đẹp.

Đồng tình với mục tiêu thu phí vỉa hè để tăng cường quản lý, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc thu phí vỉa hè cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ vì thường gắn liền với kiến trúc không gian đặc thù của từng tuyến phố, từng đô thị, từ đó đảm bảo hài hòa các lợi ích của những gia đình tiếp cận vỉa hè và người đến thuê vỉa hè.

Tuấn Dũng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/de-via-he-thuc-su-de-ra-tien-44308.html