Để việc hỗ trợ nhà ở đảm bảo công khai, minh bạch
Với mong muốn việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc vùng DTTS&MN Thanh Hóa đạt hiệu quả, phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trao đổi với các ông: Vũ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát; Giàng A Lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý xoay quanh chủ đề trên.
Hơn 8.500 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Ông Vũ Thanh Bình:
Theo đề án được phê duyệt: Tổng số hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành) là 6.045 hộ; hộ cận nghèo là 2.472 hộ (trong đó: số hộ đề xuất hỗ trợ xây mới là 4.637 hộ; số hộ đề xuất hỗ trợ cải tạo là 3.880 hộ). Tổng số vốn cần có để thực hiện đề án là 263,08 tỷ đồng.
Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang triển khai theo tiến độ đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2079, trong đó năm 2023 dự kiến giải ngân là 182,14 tỷ đồng. Hiện Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị các huyện báo cáo tiến độ thực hiện để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng trong quý III-2023.
Trong quá trình triển khai có nhiều nội dung phát sinh đang từng bước được tháo gỡ. Cụ thể, các đơn vị địa phương hiện nay có nhiều vướng mắc trong việc xác định đối tượng như: xác định kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc, ví dụ như nhà sàn bằng gỗ có phải vật liệu bền chắc không?.
Có nhiều hộ nghèo khó khăn đã được hỗ trợ về nhà ở nhưng đến nay nhà đã xuống cấp không đảm bảo điều kiện sinh hoạt mong muốn được hỗ trợ, sửa chữa. Mặc dù về đối tượng theo đề án đã quy định rõ hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau: hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc). Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2. Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.
Hiện nay, mức hỗ trợ theo quy định đối với nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ ngân sách Trung ương. Thời điểm giá cả hiện tại và tại các khu vực miền núi theo phản ánh của các huyện là rất khó khăn trong việc cải tạo và xây dựng mới nhà ở để đảm bảo các điều kiện như quy định: “Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Nội dung này, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có kiến nghị, đề xuất với Trung ương để nâng mức hỗ trợ.
Tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân chủ động làm nhà nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra
Ông Mai Xuân Giang:
Giai đoạn 2020-2025, huyện Mường Lát có 1.082 hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu về hỗ trợ và sửa chữa. Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm kêu gọi và tranh thủ các chương trình dự án để hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát. Đặc biệt, năm 2022 - 2023, thông qua 2 chương trình là phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN và giảm nghèo bền vững, huyện Mường Lát được cấp 18 tỷ 800 triệu đồng cho xây mới và sửa chữa nhà ở.
Năm 2022, huyện được hỗ trợ 100 nhà “Đại đoàn kết” từ kinh phí hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ (hiện đã triển khai xong). Năm 2023, Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Nhân dân Việt Nam đã huy động từ các doanh nghiệp hỗ trợ cho Mường Lát làm 100 căn cho hộ nghèo với kinh phí 8 tỷ đồng (80 triệu/nhà) hiện đang triển khai.
P.V: Để việc hỗ trợ nhà ở đúng đối tượng và hoàn thành chương trình theo kế hoạch đề ra trong năm 2023, huyện Mường Lát triển khai thực hiện chương trình như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Xuân Giang:
Huyện Mường Lát đang hướng dẫn các xã rà soát đúng đối tượng theo văn bản hướng dẫn. Thực hiện đầy đủ các bước quy trình về bình xét có sự tham gia vào cuộc của các tổ chức đoàn thể từ thôn bản đến xã, không để xảy ra tình trạng sai đối tượng. Hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ để mọi người dân được biết.
Huyện cũng đã ưu tiên các đối tượng theo hướng dẫn, bên cạnh đó ưu tiên cho các gia đình thuộc đối tượng sẽ đăng ký làm đơn có nhu cầu làm nhà trong năm 2023 để đảm bảo kế hoạch. Bên cạnh nguồn hỗ trợ trực tiếp, huyện hướng dẫn cho các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo có thể vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức ưu đãi 40 triệu đồng/hộ. Đồng thời, chỉ đạo các xã thành lập ban chỉ đạo để triển khai công tác làm nhà ở.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là: nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, với giá cả hiện nay, khó có thể làm được căn nhà bền vững nếu không có nội lực từ gia đình. Trong những hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ có nhiều gia đình neo người, già cả, đơn thân, bệnh tật không có khả năng tự triển khai làm nhà. Trong cùng thời điểm, bên cạnh chương trình của Nhà nước có các mức hỗ trợ theo quy định, huyện có thêm một số chương trình từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mức hỗ trợ cao hơn quy định dẫn đến người dân so bì, chờ để được tham gia các gói hỗ trợ mức cao hơn. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo không có quỹ đất để làm nhà, đặc biệt là các hộ mới chia tách.
Để việc triển khai thực hiện đúng tiến độ, huyện Mường Lát đề ra giải pháp: Huyện tiếp tục kiến nghị với tỉnh quy định rõ mức hỗ trợ đất ở đối với các hộ gia đình thiếu đất ở. Hướng dẫn các xã tuyên truyền cho người dân làm thủ tục để cấp sổ đối với các hộ chưa có sổ đỏ, người dân chủ động tìm nguồn đất để khi có hỗ trợ có thể làm nhà. Địa phương chủ động quy hoạch đề xuất thêm diện tích đất ở để cho các hộ nghèo chưa có đất ở.
Với những chương trình hỗ trợ nguồn tiền cao hơn, huyện hướng dẫn xã tổ chức bình xét ưu tiên những gia đình yếu thế, khó khăn hơn, các gia đình chính sách nghèo ưu tiên trước. Đối với các hộ không có khả năng tự triển khai làm nhà, chính quyền địa phương huy động sự chung tay của cộng đồng góp công, góp sức hỗ trợ. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động làm nhà nhằm đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.
Người dân mong muốn Nhà nước nâng mức hỗ trợ nhà ở và đặc biệtưu tiên cho hộ thực sự cần thiết
Ông Giàng A Lâu:
Đến thời điểm hiện nay, xã Trung Lý đang triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025; 7 hộ nghèo, gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ làm nhà ở do Đại tướng Lương Cường trao tặng. Qua rà soát, toàn xã có 228 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. UBND huyện Mường Lát có quyết định phê duyệt 192 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trong năm 2023 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và 2 hộ thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Xã Trung Lý đã thành lập ban chỉ đạo xã, bản, việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về xây mới, sửa chữa nhà ở được triển khai xuống tận bản. Sau khi có quyết định phê duyệt làm nhà ở, ban chỉ đạo tiếp tục rà soát lại các điều kiện, vị trí làm nhà, vận động bà con làm nhà cấp 4, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng).
Do mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thấp, vì vậy, việc phải vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng, huy động thêm nguồn lực từ cộng đồng, dòng họ sẽ tạo thêm gánh nặng cho người nghèo. Chính quyền địa phương và Nhân dân mong muốn Nhà nước nâng mức hỗ trợ và đặc biệt ưu tiên cho hộ thực sự cần thiết, tránh việc “dàn trải” chia đều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.