Để việc thu hồi tài sản tham nhũng không còn là 'nhiệm vụ bất khả thi'

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây".

Để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", Tổng Bí thư khẳng định.

Thật sự, người dân cả nước đều hưởng ứng và hoan nghênh cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực, nhưng điều băn khoăn là làm sao tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi lẽ, thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ lấy lại của cải cho đất nước, còn lấy lại sự nghiêm minh cho công lý.

Vì vậy, những băn khoăn về tiến độ thu hồi tài sản tham nhũng luôn làm nóng những phiên chất vất và trả lời chất vất trên diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa đạt kỳ vọng của Quốc hội và người dân.

Thực tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được văn bản hóa bằng nhiều chủ trương. Tháng 6-2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào tháng 11-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Công tác thu hồi tài sản mặc dù làm rất mạnh, tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn”.

Tài sản tham nhũng vẫn rất khó thu hồi, dù các đại án được đẩy mạnh điều tra và xét xử. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 32,5% là con số thống kê từ kết quả giám sát vừa được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra. Điều ấy đồng nghĩa công tác kiểm soát tài sản tham nhũng còn tồn tại không ít bất cập.

Một dữ liệu khác do Bộ Công an cung cấp, từ đầu năm 2018 đến hết năm 2022, qua 418 vụ án bị khởi tố, tài sản tham nhũng các đối tượng phạm tội giao nộp khoảng 730 tỷ đồng. Dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực không ngừng, nhưng tài sản tham nhũng 10 đồng chỉ thu hồi được 3 đồng.

Rõ ràng, cần phải có giải pháp hiệu quả hơn để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị thực hiện kê khai tài sản của những người có chức vụ tại nơi cư trú. Đây là động thái cần thiết, vì tai mắt nhân dân đủ sức phát hiện mọi dấu hiệu bất minh. Chính sự công khai và sự minh bạch sẽ góp phần làm hạn chế tệ nạn tham nhũng ở mức độ nhất định.

Cho nên, một website để công bố tài sản quan chức sẽ giúp xã hội tiếp cận dễ dàng và tố giác nhanh chóng các hành vi gian dối của những người thuộc diện bắt buộc kê khai tài sản. Một khi quan chức chấp nhận kê khai tài sản tức họ cũng chứng minh sự trong sáng của mình.

Tuy nhiên, con đường lắt léo của tài sản tham nhũng không đơn giản, đặc biệt là những tài sản được ẩn nấp dưới các hình thức đầu tư vào thị trường chứng khoán, hoặc đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Vì vậy, không thể không có thêm trách nhiệm lực lượng thanh tra phải tiến hành thẩm định thật cụ thể về tài sản được kê khai sao cho đủ và đúng.

Ngoài vai trò của kiểm toán viên cần được phát huy nhằm ngăn chặn tẩu tán tài sản trước và sau khi khởi tố vụ án tham nhũng, đòi hỏi cơ chế khởi kiện đối với cá nhân, tổ chức gây thất thoát tài sản nhà nước để yêu cầu bồi thường. Thậm chí, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn yêu cầu hình sự hóa việc làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự.

Kinh nghiệm chống tham nhũng từ Trung Quốc cho thấy giải pháp cốt lõi để đẩy lùi tệ nạn tham nhũng là tăng cường quản lý tiền tệ, hoàn thiện quy trình kiểm tra định kỳ và giám sát nội bộ các đơn vị quản lý tiền tệ. Trong đó, quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc tài sản.

Những khoản thu nhập bất thường như lợi tức kinh doanh, mua bán đồ cổ hoặc trúng số độc đắc, đều phải được trải qua sự xác minh khắt khe trước khi cho phép quan chức kê khai tài sản hợp pháp. Nếu tài sản không có nguồn gốc đáng tin cậy lập tức bị thu hồi, để phòng chống tham nhũng ngay từ giai đoạn manh nha.

Có 2 nguyên nhân đang gây khó khăn cho tiến trình thu hồi tài sản tham nhũng. Thứ nhất, tuyên án không rõ ràng nên khó thi hành án. Thứ hai, tuyên án đầy đủ, nhưng không thể thi hành án. Nguyên nhân thứ nhất dần được khắc phục, còn nguyên nhân thứ 2 ẩn chứa nhiều chi tiết phức tạp.

Thí dụ, bị cáo Hứa Thị Phấn bị tuyên đền bù 10.000 tỷ đồng cho Trustbank, nhưng chưa kịp thi hành án đối tượng đã qua đời. Đặc biệt, đối tượng tham nhũng có nhiều chiêu trò ranh ma để lấp liếm tài sản khuất tất.

Xác định nguồn gốc của tài sản khá nhiêu khê, lại vướng mắc giữa tài sản chung và tài sản riêng liên quan đến gia đình đối tượng tham nhũng. Đã có nhiều tình huống oái oăm, như đối tượng tham nhũng vừa bị khởi tố đã nhanh tay làm thủ tục ly dị vợ và nhường hết tài sản cho vợ trước khi vào trại giam.

Vậy thu hồi tài sản tham nhũng có phải là nhiệm vụ “không bao giờ triệt để” như vài ý kiến quan ngại? Chưa hẳn, với cơ chế đặc thù của Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng để đạt kết quả cao nhất. Bởi lẽ, đối tượng có khả năng tham nhũng đều thuộc diện cán bộ phải kê khai tài sản định kỳ.

Cho nên, công cụ hữu hiệu để thu hồi tài sản tham nhũng chính là những bản kê khai tài sản được thẩm định mạch lạc và giám sát kỹ lưỡng. Nếu phát huy tai mắt của cộng đồng để đối chiếu với bản kê khai tài sản, đối tượng tham nhũng không thể dễ dàng che giấu hoặc tẩu tán những đồng tiền gian manh.

Tâm Huyền

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/de-viec-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-khong-con-la-nhiem-vu-bat-kha-thi-post104786.html