Để Việt Nam trở thành phim trường của thế giới
Phong cảnh hữu tình cùng những di sản văn hóa đặc sắc, nước ta có nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Nhiều địa phương đã được lựa chọn là điểm đến lý tưởng cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế. Đây chính là tiềm năng cho những 'cú bắt tay' giữa điện ảnh và du lịch.
Báo cáo “Xu hướng Du lịch 2023” của Expedia cho thấy 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh càng cho thấy sức hấp dẫn của du lịch từ điện ảnh.
Những điểm đến ấn tượng
Sau khi bộ phim “Chuyện của Pao” trình chiếu năm 2005, người dân xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã đón nhiều khách du lịch. Nhiều người thốt lên, đẹp hơn cả những góc quay trên phim ảnh. Không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà con người nơi đây cũng rất hồn hậu, dễ thương. Sủng Là được biết đến như là một thung lũng xinh đẹp nhất thuộc địa phận của cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với những biệt danh “thung lũng nơi đá nở hoa” hay “đóa hoa rực rỡ đầy quyến rũ của cao nguyên đá”. Tuy nhiên, để thật sự hút khách du lịch thì phải kể từ sau bộ phim “Chuyện của Pao”.
Cũng giống như “Chuyện của Pao”, trước đó, việc gia tăng đột biến số lượng du khách đến với quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) khi phim “Kong Skull Island” - Đảo đầu lâu ra mắt năm 2017 cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Đạo diễn Victor Vũ (đạo diễn phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”) cũng chia sẻ: “Mặc dù tôi sinh ra ở Mỹ, được đào tạo về điện ảnh ở Mỹ nhưng khi viết kịch bản tôi luôn hướng về Việt Nam, muốn thể hiện những câu chuyện về người Việt. Chính vì thế mà từ bộ phim đầu tay đến nay, tôi đều lấy bối cảnh Việt Nam. Tôi từng đi rất nhiều nơi và nhận thấy rằng Việt Nam mình quá đẹp, quá đa dạng, phải làm sao đưa được vẻ đẹp đó vào trong phim. Tôi luôn muốn khám phá những bối cảnh mới, lạ để mang đến cho khán giả cảm xúc tươi mới nhất. Tuy nhiên, cũng như các nhà làm phim ở Việt Nam và thế giới, khi chúng tôi chọn địa điểm quay phim thì tiêu chí đầu tiên là phù hợp với bối cảnh của câu chuyện điện ảnh, ngoài ra không kèm theo mục đích nào khác. Song điều bất ngờ vẫn đến, không chỉ trong vài ba tác phẩm tôi làm đạo diễn, mà còn xảy ra đối với nhiều tác phẩm điện ảnh khác của Việt Nam và thế giới. Đó là việc dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, ống kính máy quay, diễn xuất tạo cảm hứng của diễn viên... đã vô hình chung nâng tầm giá trị của bối cảnh (tự nhiên hoặc dàn dựng), của vị trí xảy ra sự kiện hoặc sự việc mang tính nhân văn sâu sắc làm rung động con tim khán giả. Và đương nhiên địa điểm quay phim ấy lưu dấu ấn trong tâm khảm người xem, đủ khiến người ta rủ nhau tìm đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh kỷ niệm. Đấy chính là giá trị lan tỏa du lịch của điện ảnh”.
Tiềm năng của điện ảnh đối với du lịch
Với chính sách mở cửa cùng sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà làm phim quốc tế.
Nhiều bộ phim nước ngoài đã được quay tại Việt Nam, gây sửng sốt với khán giả trên thế giới bởi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp trên phim. Có thể kể đến “Người tình” (L’Amant, 1991), “Đông Dương” (1992) của điện ảnh Pháp; “Người Mỹ trầm lặng” (2002)… Và như một hiệu ứng, sau khi những bộ phim này được công chiếu trên thế giới, khách du lịch ngay lập tức tìm đến Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, chính khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ ở các địa danh của Việt Nam như Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long (Quảng Ninh) đã trở thành điểm cộng cho thành công của những bộ phim “bom tấn” này.
Mới đây, bộ phim hài lãng mạn “Hành trình tình yêu của một du khách” của đạo diễn Steven K.Tsuchida cũng đã giúp Việt Nam tiếp tục ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế, với những cảnh quay tại nhiều địa điểm từ Bắc đến Nam. Bên cạnh những thành phố quen thuộc với du khách quốc tế như TPHCM, Hà Nội… đoàn làm phim cũng đã lên Hà Giang quay một số phân đoạn, cùng với đó là những nét văn hóa, lịch sử được thể hiện rõ trong các phân cảnh ở Mỹ Sơn và Hội An (Quảng Nam). Sau khi được phát hành trên nền tảng Netflix, bộ phim lọt vào danh sách 10 phim hấp dẫn nhất ở 78 thị trường trên toàn cầu.
Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, thời gian qua việc các địa phương nhìn thấy tiềm năng của điện ảnh trong kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, xã hội cho thấy đây là tín hiệu đáng mừng. Bằng khát vọng, chúng ta có thể nhìn nhận được thực tế là hiện có nhiều địa phương đã xác định chiến lược gắn kết hoạt động điện ảnh với kích cầu du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Tú, mỗi tỉnh có thế mạnh riêng để trở thành một thành phố điện ảnh, nhưng để một địa danh mang đúng nghĩa tầm vóc là trung tâm điện ảnh như nhiều nơi trên thế giới đã làm thì cần có đầy đủ các yếu tố như: giao thông, quỹ đất dành cho phim trường, hạ tầng cơ sở vật chất để tổ chức các hội thảo, hoạt động điện ảnh, đón được các đoàn khách quốc tế, những đoàn làm phim nước ngoài đến… Có được điều này sẽ thực sự là đòn bẩy, cú hích cho điện ảnh phát triển.
“Mở cửa” đón đoàn làm phim
Có thể nói, nhiều điểm đến của Việt Nam hiện nay có cơ hội để đón các nhà làm phim quốc tế, cũng như tiếp sức cho các đoàn làm phim trong nước. Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim - PAI (Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam xây dựng và triển khai năm 2023 cũng cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.
Hiện nay Phú Yên đang đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số thu hút đoàn làm phim. Bên cạnh đó, 9 tỉnh thành khác là Tuyên Quang, Khánh Hòa, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Cạn và Cần Thơ cho biết đã sẵn sàng đón các dự án phim đến địa phương mình.
Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành phim trường của thế giới thì đó vẫn còn là một hành trình đầy gian nan. Bởi thực tế, dù là quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đa dạng nhưng so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến sản xuất.
Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn chỉ dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là bởi chúng ta chưa phát triển mạnh mẽ nguồn lực và chiến lược quảng bá đất nước đến các đoàn làm phim quốc tế. Do đó, ít nhà làm phim quốc tế biết đến tiềm năng và cơ hội tại Việt Nam.
“Dường như sự gặp nhau từ phía Nhà nước, địa phương, các nhà làm phim chưa đạt đến mức tạo sự đột phá. Nếu tính bài toán các địa phương dành sự ủng hộ các đoàn phim trong quá trình quay không quá 80 ngày, sau đó sự thành công bộ phim mang lại là phát triển du lịch, thu hút đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ liên quan… sẽ lên đến hàng chục năm. Các nhà làm phim cũng rất muốn có sự ưu đãi từ địa phương nhưng họ còn rất loay hoay” - bà Lan chia sẻ.
Để tháo gỡ rào cản, dẫn chứng từ địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, thời gian qua, Huế đã áp dụng và triển khai nhiều biện pháp từ việc đơn giản thủ tục, hỗ trợ kết nối chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân quản lý giá trị văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ các đoàn làm phim tham gia tác nghiệp tại Huế. Ngoài ra, Huế còn đề xuất một số chính sách hỗ trợ về kinh phí cho đoàn làm phim thông qua các hình thức miễn giảm vé vào các di tích, chi phí lưu trú, sử dụng bối cảnh miễn phí, hỗ trợ công tác truyền thông. Đặc biệt là chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh các phim trường tự nhiên để khai thác một cách bền vững thế mạnh này.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, hiện Luật Điện ảnh đã có nhiều thay đổi để các đoàn phim nước ngoài tới làm phim ở Việt Nam được thuận lợi hơn. Thứ nhất, quay phim ở Việt Nam thì chỉ gửi kịch bản tóm tắt, cũng chỉ gửi phần quay tại Việt Nam thôi chứ không phải toàn bộ kịch bản nữa. Đó là một điểm cởi mở hơn. Thứ hai là yêu cầu các địa phương tạo điều kiện, khuyến khích hỗ trợ cho các đoàn phim vào Việt Nam sử dụng bối cảnh trong nước để làm phim. Điều này đã góp phần thu hút được nhiều hơn những đoàn phim nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến làm bối cảnh cho những bộ phim kinh điển của họ.