Để Việt Nam vươn mình

'Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra có thể được hiểu là giai đoạn lịch sử đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là thời kỳ trỗi dậy toàn diện của Việt Nam trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng. Trong đó phát triển kinh tế vượt bậc là một trong những nội dung cơ bản.

Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội của kỷ nguyên mới, đưa đất nước tiến nhanh và vững chắc trên con đường trở thành một quốc gia phát triển. Ảnh: ST

Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội của kỷ nguyên mới, đưa đất nước tiến nhanh và vững chắc trên con đường trở thành một quốc gia phát triển. Ảnh: ST

Để thật sự vươn mình trong kỷ nguyên mới, định hướng phát triển kinh tế cần tập trung vào sự đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Trước hết, trọng tâm của định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam là tận dụng triệt để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, với chuyển đổi số đóng vai trò cốt lõi. Trong năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt gần 19% GDP, và mục tiêu được đặt ra là nâng tỷ trọng này lên trên 20% GDP vào năm 2025. Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 30-35% GDP vào năm 2030, khi đó Việt Nam sẽ lọt Top 30 toàn cầu. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế số dựa trên công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), và dữ liệu lớn (Big Data).

Việt Nam đang đầu tư mạnh vào AI với các trung tâm nghiên cứu hàng đầu như VinAI, Viettel AI và các ứng dụng AI phục vụ trong y tế, giao thông và tài chính. Một ví dụ cụ thể là Viettel đã triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn giúp tối ưu hóa quản lý mạng lưới viễn thông và phát triển các ứng dụng AI hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Đồng thời, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia đang được Chính phủ thúc đẩy, tạo nền tảng cho các dịch vụ công nghệ cao và chính phủ điện tử.

Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nhân lực chất lượng cao, và cải cách thể chế để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong cả khu vực công và tư.

Thứ hai, cơ cấu kinh tế của Việt Nam cần chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng gia tăng giá trị, tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ. Trong năm 2024, giá trị xuất khẩu nông sản đạt hơn 62,5 tỷ USD- mức cao kỷ lục từ trước đến nay, nhờ vào các sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê và trái cây. Việc ứng dụng công nghệ cao như hệ thống tưới thông minh và phân tích dữ liệu đất đai đã giúp tăng năng suất, giảm chi phí và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Các hợp tác xã ở Đồng Tháp và Lâm Đồng đã trở thành mô hình tiêu biểu cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.

Ngành dịch vụ cũng có sự bứt phá rõ rệt. Logistics đạt tốc độ tăng trưởng 14-16%/năm, với thị trường trị giá gần 50 tỷ USD nhờ áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng. Ngành du lịch, sau đại dịch Covid-19, năm 2024, du lịch Việt Nam ước đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023, với các ứng dụng du lịch thông minh ngày càng phổ biến. Đồng thời, ngân hàng số đang phát triển mạnh mẽ với lượng giao dịch trực tuyến tăng hơn 30% trong năm qua.

Những bước chuyển này không chỉ gia tăng giá trị sản xuất mà còn đặt nền tảng cho một nền kinh tế bền vững, hiện đại, và đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Thứ ba, Việt Nam cần khai thác tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP và EVFTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. CPTPP, với sự tham gia của 12 quốc gia thành viên chiếm 13% GDP toàn cầu, đã mang lại cơ hội lớn khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên đạt trên 45 tỷ USD vào năm 2023, tăng gần 10% so với năm trước. Các mặt hàng như dệt may, giày dép và nông sản được hưởng lợi lớn nhờ giảm thuế quan, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng như Canada và Mexico.

Tương tự, EVFTA đã mở cửa thị trường EU với 27 quốc gia thành viên, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh nhờ gần 99% dòng thuế được xóa bỏ trong lộ trình dài hạn. Năm 2023, xuất khẩu sang EU đạt hơn 50 tỷ USD, tăng 15%, trong đó các sản phẩm như cà phê, hạt điều và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn. Nhờ đáp ứng các quy tắc xuất xứ và tiêu chuẩn cao, hàng hóa Việt Nam không chỉ gia tăng về kim ngạch mà còn nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế.

Ngoài việc thúc đẩy xuất khẩu, các FTA đã giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn FDI năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD, với hơn 66,9% tập trung vào chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả hơn, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin FTA, cải thiện hạ tầng logistics và xây dựng thương hiệu quốc gia. Những bước đi này sẽ giúp Việt Nam không chỉ mở rộng thị trường mà còn nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Thứ tư, phát triển bền vững và bao trùm là nguyên tắc cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, với trọng tâm là kinh tế xanh, năng lượng tái tạo và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững.Đến năm 2023, tổng công suất năng lượng tái tạo đạt gần 21.000MW, chiếm khoảng 30% tổng công suất phát điện, với hơn 16.500MW từ điện mặt trời và 4.800 MW từ điện gió. Những bước tiến này giúp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, hỗ trợ mục tiêu Net-zero vào năm 2050. Việt Nam cũng tham gia thị trường tín chỉ carbon, kỳ vọng tạo nguồn lực tài chính cho các dự án môi trường.

Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững được thúc đẩy qua sáng kiến "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" và các dự án tái sinh rừng ngập mặn tại Cà Mau, Quảng Ninh. Những dự án này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ cộng đồng dân cư.

Phát triển bao trùm được thể hiện qua việc tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 4,8% vào năm 2023, nhờ các chính sách hỗ trợ vùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tích cực thể hiện trách nhiệm xã hội, như chương trình "Vì một Việt Nam xanh" của Vinamilk, đã trồng hơn 1 triệu cây xanh trên cả nước.

Để đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục cải cách chính sách, tăng đầu tư vào giáo dục và y tế cho các vùng khó khăn, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường và cộng đồng. Những nỗ lực này sẽ góp phần tạo động lực để quốc gia phát triển bền vững và hài hòa.

Thứ năm, cải cách thể chế kinh tế là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa những định hướng trên. Việt Nam cần tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện năng lực thực thi pháp luật và thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt, các dự án đầu tư cần tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Việc cải cách thị trường lao động cũng cần được chú trọng, với mục tiêu nâng cao kỹ năng lao động thông qua cải tiến giáo dục và đào tạo nghề.

Thứ sáu, để hỗ trợ phát triển kinh tế, hạ tầng đồng bộ và hiện đại là yếu tố không thể thiếu. Việt Nam cần tăng cường xây dựng hệ thống giao thông và logistics, bao gồm đường bộ, đường sắt cao tốc và cảng biển quốc tế, đồng thời mở rộng mạng lưới viễn thông và công nghệ thông tin, đảm bảo hạ tầng số phủ khắp cả nước. Đầu tư vào năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và năng lượng hydro cũng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thứ bảy, trung tâm của mọi chiến lược phát triển kinh tế vẫn là con người. Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư vào giáo dục đại học, đào tạo nghề và các chương trình học bổng quốc tế. Cùng với đó, việc phát huy tài năng trẻ và tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách sẽ là động lực lớn cho sự phát triển. Đảm bảo an sinh xã hội thông qua các hệ thống bảo hiểm và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh kinh tế thay đổi cũng là điều cần thiết.

Với những định hướng nói trên, Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội của kỷ nguyên mới, khắc phục các thách thức và thúc đẩy sự phát triển bền vững, toàn diện, đưa đất nước tiến nhanh và vững chắc trên con đường trở thành một quốc gia phát triển./.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/de-viet-nam-vuon-minh-37904.html