Để xây dựng hành vi ứng xử của người dân phù hợp với pháp luật

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm mục tiêu giúp người dân có tri thức, nhận thức, hiểu biết đúng đắn về pháp luật, xây dựng hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật của mỗi cá nhân.

Các thí sinh tham dự hội thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020 do Sở Tư pháp tổ chức

Các thí sinh tham dự hội thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020 do Sở Tư pháp tổ chức

Theo Sở Tư pháp, trong những năm qua, công tác PBGDPL cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế (trẻ em, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số…) luôn được ngành Tư pháp, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức, cách thức, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.

* Xây dựng những mô hình PBGDPL hiệu quả

Một trong những mô hình PBGDPL đạt hiệu quả cao trong thời gian qua là mô hình đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để PBGDPL miễn phí cho người dân. Chương trình do Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các chính quyền địa phương tổ chức.

Ông Thổ Út, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh đánh giá rất cao mô hình này vì cho rằng ý nghĩa và thiết thực. Đến nay, trình độ nhận thức pháp luật của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao. Từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi dần các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Điển hình là việc 3 năm liền tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật thu hút hàng chục ngàn thí sinh tham dự/năm. Bà Võ Thị Xuân Đào, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, hiệu quả của hình thức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật là cùng một lúc có thể truyền tải được thông tin pháp luật đến nhiều người, nhiều đối tượng và ở nhiều nơi; đồng thời cũng giúp cho những người tiếp nhận thông tin tuyên truyền chủ động được về mặt thời gian và không gian.

“Cuộc thi đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra với sức lan tỏa rộng lớn, trở thành một hoạt động thi đua sôi nổi của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Ngày Pháp luật hằng năm và dần trở thành một hoạt động tìm hiểu pháp luật thường xuyên trong tỉnh” - bà Võ Thị Xuân Đào nhấn mạnh.

Ngoài 2 mô hình trên thì theo Sở Tư pháp, tại Đồng Nai cũng xây dựng được một số mô hình PBGDPL hiệu quả khác như: hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng (Sở Tư pháp tổ chức); an toàn giao thông học đường (Sở GD-ĐT); văn hóa giao thông (Ban An toàn giao thông tỉnh)... Ưu điểm của các mô hình này là “mềm hóa” các văn bản pháp luật vốn bị cho là khô khan nhưng khi triển khai người dân, học sinh, người lao động… dễ tiếp cận.

* Lan tỏa các mô hình PBGDPL hiệu quả

Tại hội nghị trực tuyến về xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả do Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức ngày 15-12, PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong lĩnh vực pháp luật, hiệu quả được phản ánh chủ yếu thông qua thực tiễn thi hành pháp luật. Trong PBGDPL, hiệu quả được coi là sự tương quan giữa kết quả đạt được trên thực tế và mục đích PBGDPL đề ra.

“Nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định, với các chi phí về nguồn lực thấp nhất có thể thu được kết quả bền vững về ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật và cách xử sự theo pháp luật của các thành viên trong xã hội. Chẳng hạn như: sự hiểu biết pháp luật của con người, cộng đồng tăng lên; nhu cầu sử dụng pháp luật gia tăng; việc tuân thủ pháp luật tốt hơn; thói quen hành động theo pháp luật, kiềm chế trước việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật được củng cố; sự phản ứng, đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật ” -
PGS-TS Viễn bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay, mô hình PBGDPL phải đảm bảo các yếu tố: kinh tế, lan tỏa, khả thi, nhân rộng, bền vững. Trong đó, sự lan tỏa là yếu tố rất quan trọng. Bởi mô hình có hiệu quả phải có khả năng tác động, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều chủ thể, trong không gian rộng lớn, được sử dụng nhiều lần và được nhiều người đón nhận.

Cũng theo bà Võ Thị Xuân Đào, mỗi mô hình, cách thức, hình thức PBGDPL trên địa bàn tỉnh đều nhắm tới nhóm đối tượng thụ hưởng riêng biệt. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, từng ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể có kế hoạch, đề án triển khai khác nhau hoặc cùng nhau phối hợp triển khai liên tục nhiều năm, nhiều địa bàn nhằm tiết kiệm kinh phí, tránh trùng lắp, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhiều đối tượng cùng thụ hưởng. Tất cả đều hướng tới mục đích hình thành ở từng người dân tri thức pháp luật có hệ thống, từ đơn giản tới phức tạp, từ nhận thức cảm tính tới nhận thức lý tính và luôn xử sự theo pháp luật, tôn trọng pháp luật.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, kết quả PBGDPL được thể hiện ở cả ý thức và hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân. Khi người dân hiểu biết pháp luật, nhận thức pháp luật một cách đúng đắn, đầy đủ thì tất yếu dẫn tới hành vi tuân thủ, ứng xử đúng pháp luật hơn. Tuy nhiên, trong bức tranh sáng đó vẫn còn một bộ phận nhỏ vì không hiểu hoặc hiểu không đúng, đầy đủ pháp luật hay thiếu tôn trọng pháp luật dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Cho nên, công tác PBGDPL cần phải được duy trì thường xuyên liên tục, sâu rộng.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/de-xay-dung-hanh-vi-ung-xu-cua-nguoi-dan-phu-hop-voi-phap-luat-3036993/