Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào? - Bài cuối: Tìm lời giải tối ưu
Chăm lo toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là công việc quan trọng xuyên suốt được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; thể chế hóa bằng chủ trương, chính sách, pháp luật. Bằng quyết tâm chính trị cao độ và sức mạnh đồng thuận của cả cộng đồng, tỉnh Cà Mau đã cụ thể hóa các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động DTTS bằng sự linh hoạt, phù hợp với nhiều cách làm hay, hiệu quả.
Trên dưới ðồng lòng, dọc ngang thông suốt
Tại Ðại hội Ðại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau lần thứ IV năm 2024, ông Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, đã chỉ đạo: “Các địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng DTTS. Trọng tâm là các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trước tiên là đầu tư cho phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, điện, trường học, trạm y tế, các công trình nước sinh hoạt; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người DTTS. Ðể thực hiện được mục tiêu trên, các sở, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học - kỹ thuật phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế; tập trung giải quyết tốt chính sách lao động và các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững”.
Trong buổi làm việc cùng đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc giám sát thực hiện Dự án 1, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm 2024, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiến nghị: “Cơ quan thẩm quyền xem xét đối với các đề xuất của tỉnh, trong đó có kiến nghị của ngành lao động về việc đào tạo nghề cần mở rộng đối tượng và mức chi hỗ trợ để tỉnh thực hiện tốt hơn các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo chương trình nói chung và Dự án 1 nói riêng. Cần thường xuyên báo cáo, tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ nhằm đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời”.
Các chương trình mục tiêu quốc gia là nguồn lực và động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Do vậy, để chính sách phát huy hiệu quả, cần có cơ chế phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền; đồng thời chia sẻ cách làm hay, hiệu quả và đưa ra các giải pháp căn cơ để chính sách thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Các chủ trương, chính sách, nguồn lực đầu tư của Ðảng, Nhà nước là hết sức quý báu, phải tập trung để sử dụng đúng, trúng và phát huy tối đa hiệu quả, giá trị, từ đó khơi dậy sức mạnh nội lực, ý chí vươn lên và đóng góp của đồng bào DTTS cho sự phát triển chung của tỉnh nhà. Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, toàn hệ thống chính trị và cả xã hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhân lên sức mạnh đoàn kết và nguồn lực; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt để đồng hành cùng đồng bào DTTS”.
“Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” cũng là thông điệp mà các cấp ủy đảng, chính quyền, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội tỉnh Cà Mau lan tỏa, đồng hành, khơi dậy nội lực, khát vọng phát triển của đồng bào DTTS; kết tinh thành sức mạnh chung của thế và lực tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc trong hành trình phát triển.
Tập trung khâu tổ chức thực hiện
Huyện Trần Văn Thời là điểm sáng trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động đồng bào DTTS ở Cà Mau. Là vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống với 2.290 hộ, ngoài việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, địa phương này đã chủ động, vận dụng linh hoạt các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có lao động người DTTS.
Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng LÐ-TB&XH huyện Trần Văn Thời, thông tin: “Hằng năm, Phòng LÐ-TB&XH làm đầu mối tham mưu UBND huyện tổ chức rà soát nhu cầu, định hướng cần hỗ trợ người lao động nói chung, trong đó có người DTTS. Mỗi năm 2 lần, phòng phối hợp cùng các trung tâm giới thiệu việc làm, công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện về các xã, thị trấn tuyên truyền, tư vấn cho lao động có nhu cầu tìm việc làm, kể cả xuất khẩu lao động để hướng dẫn, hỗ trợ, trao đổi các điều kiện có liên quan cho người lao động tiếp cận thông tin. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người DTTS”.
Ðể thực hiện các chính sách cho lao động nông thôn, trong đó có lao động người DTTS, huyện Trần Văn Thời đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc mở lớp đào tạo nghề; phối hợp với Sở LÐ-TB&XH tổ chức các lớp tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, định hướng nghề cho lao động DTTS tại 3 xã: Khánh Hưng, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc; mỗi xã có gần 100 lao động tham gia.
Trước khi mở các lớp đào tạo nghề, học nghề và truyền nghề, địa phương này đều tổ chức rà soát nhu cầu, sau đó tập hợp trình lên cấp trên phân bổ chỉ tiêu, thực hiện việc chiêu sinh và mở lớp. Ngoài ra, công tác phân luồng, định hướng nghề còn được làm từ sớm, từ xa với đối tượng là học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cuối bậc THCS và bậc THPT.
Bà Loan phấn khởi: “Hằng năm, từ việc chủ động áp dụng các chính sách từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Trần Văn Thời đã tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng, truyền nghề cho gần 4 ngàn lao động, với các nghề như: chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật trồng lúa... Ở huyện cũng có các nhóm cộng tác viên để tư vấn, hướng nghiệp, hướng nghề cho người lao động. Ðồng thời tổ chức đưa lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm tại huyện, tỉnh”. Kết quả đạt được đầy tích cực khi hằng năm huyện Trần Văn Thời giải quyết việc làm cho gần 5 ngàn lao động, kể cả lao động DTTS, trong đó có lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.
Câu chuyện của xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) với 3 ấp đặc biệt khó khăn cũng là một dẫn chứng sinh động về sự chủ động, sát thực tế để mang lại kết quả thực chất trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động DTTS. Bà Phạm Thị Tám, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, cho biết: “Xã xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo. Thực hiện Tiểu dự án 3 của Dự án 5 thuộc chương trình, xã đã mở được các lớp đào tạo nghề như đan lưới, đan giỏ xách, trang điểm, mỗi lớp trên 30 học viên, người học là phụ nữ, lao động nông thôn, lao động nữ bị mất việc làm”.
Ðể thu hút học viên tham gia các khóa học, cả hệ thống chính trị xã Nguyễn Việt Khái đã cùng vào cuộc, tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích và ý nghĩa khi tham gia các lớp học nghề. Ðặc biệt là sau mỗi lớp học, từng học viên ngoài chứng chỉ còn nêu rõ mục tiêu cụ thể, tự bản thân phải làm ra được sản phẩm mang lại thu nhập.
Chị Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chia sẻ: “Sau khi đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề, lao động địa phương đã được trang bị thêm không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà quan trọng là sự tự tin để vươn lên trong cuộc sống. Một số lao động sau khi học được nghề đã chủ động tìm cơ hội việc làm phù hợp với ngành nghề đã học ở các địa phương khác. Chí ít là tại quê nhà, lao động cũng có công ăn việc làm, thu nhập đều đặn. Như vậy mới thấy chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đã thật sự phát huy hiệu quả, gắn với sự thụ hưởng trực tiếp của người dân”.
Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái đã đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các học viên có việc làm, thu nhập ổn định sau các lớp đào tạo nghề. “Ðặc biệt là lớp đan lưới, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương nên trung bình, mỗi lao động thu nhập từ 100-200 ngàn đồng/ngày. Còn đối với những lớp chưa sự phát huy hết hiệu quả, đã đào tạo nghề mà chưa tìm đầu ra cho sản phẩm, Hội LHPN xã tìm kiếm, liên kết cùng các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên. Ðồng thời, giới thiệu sản phẩm của học viên trên các trang mạng xã hội”, chị Thanh An tâm tình.
Như đã khẳng định, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, trong đó lao động người DTTS để thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là chủ trương, chính sách ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước. Chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước đã có, vấn đề để làm sao phát huy tối đa hiệu quả, giá trị bền vững của “bệ đỡ” ấy. Trong công tác tổng kết thực tiễn và lý luận trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. Việc soi chiếu và đặt “tầm ngắm”, “thước đo” gắn với thực tiễn, lòng dân; tập trung vào mắc khâu tổ chức thực hiện, chính là gợi mở để tìm ra lời giải khóa tối ưu cho công việc này cả ở tính thời điểm và về lâu dài.