Để xây dựng và đưa nội dung báo chí lên mạng xã hội phù hợp với giới trẻ

Khác với cách làm báo truyền thống, để thu hút bạn đọc thế hệ trẻ (Gen Z), đã có nhiều cơ quan báo chí 'chớp' thời cơ và tận dụng các nền tảng mạng xã hội và nhiều ứng dụng khác nhau để tăng lượng nhóm bạn đọc trẻ này.

Nắm bắt được nghệ thuật sử dụng mạng xã hội

Trong bối cảnh phát triển của truyền thông số, mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin chủ lực, đặc biệt với giới trẻ. Tại Việt Nam, người trẻ chiếm phần lớn dân số sử dụng mạng xã hội, thường xuyên cập nhật tin tức qua các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, và Instagram.

Thế hệ trẻ tìm đến các nền tảng mạng xã hội để biết thêm về tin tức, hầu hết họ tiếp cận tin tức bằng điện thoại di động. Một khảo sát gần đây từ Statista (nền tảng thu dữ liệu của Đức) cho thấy 50% Gen Z nhận thông tin từ mạng xã hội chủ để tiếp nhận thông tin. Các cơ quan báo chí đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng để kết nối trong những không gian này.

 Logo Z (ảnh minh họa). Ảnh: Newslocker

Logo Z (ảnh minh họa). Ảnh: Newslocker

Ông Kiesten Eddy, nhà nghiên cứu tại Viện Reuter, Đại học Oxford cho biết: “Chúng tôi thấy mọi người nói về việc họ bị nghiện nền tảng này và nền tảng có những khả năng thể hiện xuất sắc ngay cả khi những nội dung thông tin đó không đáng tin cậy. Điều này cho thấy mỗi cơ quan báo chí cần nắm bắt được nghệ thuật sử dụng mạng xã hội sẽ có ưu thế trong việc thu hút người dùng trẻ. Tuy nhiên, nội dung không đơn giản là bê nguyên từ báo in lên mà cần điều chỉnh để phù hợp với cách thức của truyền thông mới”.

Tại Việt Nam, 75% người dùng mạng xã hội có độ tuổi từ 18-34. Đối với các cơ quan báo chí, việc đưa nội dung lên mạng xã hội là xu hướng tất yếu để tăng tính lan tỏa, thu hút giới trẻ, nâng cao vai trò của báo chí trong định hướng xã hội. Đưa nội dung báo chí lên mạng xã hội cũng là chiến lược phát triển trong kỷ nguyên số.

Xu hướng tiếp nhận thông tin của giới trẻ thường là những thông tin, hình ảnh ngắn gọn, cô đọng. Giới trẻ hiện nay không dành nhiều thời gian đọc tin bài dài. Họ ưu tiên những thông tin được tóm tắt, dễ hiểu. Nội dung văn bản cần được hỗ trợ bởi hình ảnh, video, infographic. Đặc biệt, video ngắn đang là xu thế chi phối nhờ tính giải trí cao và dễ tiếp cận. Các tin bài liên quan đến phong cách sống, công nghệ, môi trường bền vững, hoặc sự kiện văn hóa xã hội dễ thu hút hơn. Nội dung cần “bớt cứng”, phải thuyết phục hơn, gắn với thực tiễn, “không nói lấy được, nói như trong sách giáo khoa”.

Thường xuyên sản xuất các tác phẩm báo chí lên các nền tảng mạng xã hội, nhà báo Huỳnh Văn Thương – Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Mỗi cơ quan báo chí cần có chiến lược chuyển đổi nội dung báo chí truyền thống lên mạng xã hội. Tôi ví dụ đối với báo in lên mạng xã hội, một bài báo in dài 1.000 từ về “Ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn tại Quảng Ngãi” có thể được chia nhỏ thành các nội dung nhỏ để phù hợp với giới trẻ.

 Các bạn học sinh, sinh viên thăm trường quay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC

Các bạn học sinh, sinh viên thăm trường quay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC

“Trong đó có tóm tắt ý chính trong 2-3 dòng làm phần đầu đề, đính kèm infographic so sánh số liệu về năng suất, hiệu quả nông nghiệp trước và sau khi áp dụng mô hình tuần hoàn. Thiết kế hình ảnh bắt mắt, tối ưu hóa cho nền tảng Facebook, TikTok và Instagram sẽ thu hút được nhiều bạn đọc hơn. Bài viết có thể bắt đầu bằng một câu hỏi thu hút như: “Bạn có biết mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp giảm 30% chi phí sản xuất không?” điều này cũng góp phần thu hút sự tò mò của giới trẻ”, nhà báo Huỳnh Văn Thương thông tin thêm.

Đổi mới để dễ dàng tiếp cận giới trẻ

Thực tế cho thấy, hiện nay khi tập trung nâng cao chất lượng nội dung, nhiều cơ quan báo chí chưa thực sự tận dụng được hết tiềm năng của mạng xã hội. Nội dung vẫn thiên về tin tức truyền thống, thiếu sự tương tác và sáng tạo. Đặc biệt khi người trẻ có xu hướng tìm kiếm các nội dung giải trí hơn là tin tức thuần túy.

Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa nội dung, tích hợp tin tức với các nội dung giải trí, văn hóa, du lịch, và phong cách sống. Ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hóa tiêu đề, hình ảnh để phù hợp với thuật toán mạng xã hội. Bên cạnh đó cần xây dựng đội ngũ làm nội dung riêng cho từng nền tảng, đảm bảo phong cách và ngôn ngữ phù hợp.

Thực tế cho thấy, người làm báo chuyên về sáng tạo nội dung cho Gen Z cần phải đổi mới không ngừng, nắm bắt được các vấn đề sự kiện mà các bạn trẻ đang quan tâm. Một sản phẩm ở dạng tin hay hình ảnh, clip chỉ cần ngắn gọn nhưng cũng đòi hỏi sự tinh tế, đột phá nhất định.

Nhà báo Nguyễn Văn Trọng (Chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội - Báo Kinh tế & Đô thị) cho biết: Hàng ngày tôi thường sản xuất các video ngắn, dạng shorts video để đưa lên YouTube; TikTok… khi thực hiện làm những video dạng này chúng tôi nhận thấy lượng đọc, lượng tương tác tăng lên khá nhiều, đặc biệt là các bạn trẻ. Một nội dung có chủ đề hấp dẫn, đang được bạn đọc trẻ quan tâm mà được một cơ quan báo chí chính thống của Thủ đô đăng tải sẽ nhận được sự tin tưởng hơn rất nhiều.

 Kênh Youtube của chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội - Báo Kinh tế & Đô thị có gần 500.000 lượt theo dõi.

Kênh Youtube của chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội - Báo Kinh tế & Đô thị có gần 500.000 lượt theo dõi.

“Điều khó khăn với chúng tôi là cần phải sáng tạo không ngừng, tìm ra những chủ đề, vấn đề trong ngày, cũng có thể chỉ trong một buổi sáng mà các bạn trẻ đang quan tâm. Khi tạo video nhanh cần thực hiện nhanh chóng, video ngắn, có khi vài chục giây nhưng phải có hiệu ứng sống động về hình ảnh, âm thanh và giọng đọc thật tốt thậm chí pha chút hài hước, phá cách mới thu hút được các bạn trẻ”, nhà báo Nguyễn Văn Trọng thông tin thêm.

Cũng cùng quan điểm này, Tiến sỹ Lại Thị Hải Bình - Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, công chúng thế hệ Z thường tiếp nhận tin tức báo chí trên thiết bị di động trong thời gian ngắn và không có thời điểm cố định. Đây được coi là nền tảng lý tưởng để cung cấp thông tin ngắn gọn mọi nơi mọi lúc.

Theo Tiến sỹ Lại Thị Hải Bình, hiện nay việc tiếp nhận tin tức có chiều sâu đang có xu hướng ngày càng giảm sút. Thay vào đó là thói quen sử dụng những sản phẩm truyền thông thiên về thỏa mãn các giác quan. Thế hệ Gen Z thích tiếp cận sản phẩm truyền thông nhanh hơn, nhiều hơn, ngắn hơn, trực tiếp hơn và cũng ít phải tư duy hơn. Thế hệ Gen Z có quan tâm đến tin tức nhưng chủ yếu xoay quanh các chủ đề mà họ hứng thú như tin tức về an toàn thực phẩm, giao thông, người nổi tiếng…

Có thể nói, đưa nội dung báo chí lên mạng xã hội không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để báo chí đổi mới mình, đặc biệt trong việc tiếp cận giới trẻ. Việc khai thác đúng xu hướng và nền tảng không chỉ mang lại hiệu quả truyền thông cao mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội đến với giới trẻ.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xay-dung-va-dua-noi-dung-bao-chi-len-mang-xa-hoi-phu-hop-voi-gioi-tre-post331880.html