Đề xuất 11 cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa: Chuyển đổi đất phải gắn liền với quốc phòng, an ninh

Đồng tình với đề xuất về 11 cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa song Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị, các chính sách phải gắn liền với bảo đảm giữ vững chủ quyền, quốc phòng an ninh…

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an thảo luận tổ tại Quốc hội

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an thảo luận tổ tại Quốc hội

Chiều 24-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, Chính phủ đề xuất 11 chính sách.

Trong đó, ngoài một số chính sách tương đồng với các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện, Khánh Hòa cũng được hưởng một số chính sách mới như về chuẩn bị thu hồi đất; tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công hay phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì địa phương này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực này.

Mặt khác, tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 “là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng...”

Phát biểu thảo luận tại tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an - đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh bày tỏ đồng tình với tờ trình nêu trên của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao cơ chế phân cấp, tăng tính chủ động và trách nhiệm của tỉnh Khánh Hòa cũng như đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở địa phương.

Theo đại biểu Trần Quốc Tỏ, các cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để phát huy tiềm năng, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Khánh Hòa đạt được mục tiêu như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị yêu cầu.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh thực tiễn về phát triển của địa phương cũng như khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động tối đa nguồn lực xã hội vào hoàn thiện nhanh cơ sở kết cấu hạ tầng.

“Quan trọng hơn, các chính sách phải gắn liền bảo đảm giữ vững chủ quyền, quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia và phát triển kinh tế bền vững” - Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ chiều 24-5

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ chiều 24-5

Cũng về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ, đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị trong tổ chức thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa thì Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo nghị quyết quy định rất chặt chẽ từ thẩm quyền, điều kiện cho đến khuyến cáo trong tổ chức thực hiện để tránh “mới vào đo vẽ thì giá đất đã tăng”.

“Van, khóa cũng nhiều, chặt chẽ nên không làm tùy tiện được đâu” – ông Vương Đình Huệ phân tích như phải có quyết định chủ trương đầu tư, tức có “dự án mẹ” mới tách dự án giải phóng mặt bằng ra là trước chứ không phải giải phóng lúc nào cũng được, tránh hiện tượng thu hồi đất lại không làm gì, hoặc thu 10 phần mà làm có 1 phần.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-11-co-che-dac-thu-cho-tinh-khanh-hoa-chuyen-doi-dat-phai-gan-lien-voi-quoc-phong-an-ninh-post505609.antd