Đề xuất 2 bước khắc phục sự cố thiên tai ngành đường sắt
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; ứng phó sự cố và cứu nạn trong lĩnh vực đường sắt. Theo đó, Bộ đề xuất quy định khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với: Đường sắt; cầu, cống, hầm đường sắt; kè, tường chắn ảnh hưởng trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu theo 2 bước.
Cụ thể, theo dự thảo, việc khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai được thực hiện theo hai bước như sau:
Bước 1: Tính từ thời điểm có công điện phong tỏa khu gian, cấm tàu chạy do lụt, bão, sự cố, thiên tai, tai nạn đến khi có công điện trả tốc độ từ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt.
Bước này gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Sửa chữa công trình để thông xe chạy tàu tốc độ 5 km/h đảm bảo ổn định, an toàn. Thời gian tính từ thời điểm sau khi có lệnh phong tỏa khu gian đến thời điểm thông xe chạy tàu tốc độ 5 km/h.
Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm: Tổ chức sửa chữa công trình để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn này; tổ chức thử tải công trình (nếu thấy cần thiết) để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; an toàn, ổn định công trình khi thông xe chạy tàu giai đoạn này; lập biên bản xác định khối lượng công việc hoàn thành của giai đoạn; tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành của giai đoạn theo quy định.
Giai đoạn 2: Gia cố, khôi phục công trình để chạy tàu tốc độ ≥15 km/h theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật sửa chữa, khôi phục công trình bị hư hỏng được duyệt, đảm bảo ổn định, an toàn.
Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm: Tổ chức khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình bị hư hỏng thuộc bước 1 để phục vụ cứu chữa, khắc phục ngay hậu quả sự cố, thiên tai; trừ công trình phức tạp phải khoan thăm dò, nghiên cứu địa chất thủy văn thì chuyển sang thực hiện bước 2. Bên cạnh đó, tổ chức khắc phục, sửa chữa, gia cố ổn định công trình để đáp ứng yêu cầu chạy tàu an toàn theo tải trọng và tốc độ ≥15 km/h; tiếp tục gia cố công trình, tổ chức chạy tàu an toàn với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt; tổ chức chạy tàu, kiểm tra theo tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, đảm bảo ổn định, an toàn công trình, an toàn chạy tàu; bố trí biển báo hướng dẫn chạy tàu theo quy định; thường xuyên theo dõi, đánh giá khả năng chịu tải của công trình để kịp thời có biện pháp gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu của giai đoạn này; kiểm tra thông số kỹ thuật của công trình đối với từng chuyến tàu qua lại trong suốt quá trình thực hiện trong giai đoạn này; lập biên bản xác định khối lượng công việc hoàn thành của giai đoạn; tổ chức nghiệm thu theo quy định.
Dự thảo nêu rõ, thời gian gia cố, khôi phục công trình giai đoạn 2 không quá 45 ngày.
Sau khi chạy tàu với tải trọng và tốc độ theo hồ sơ thiết kế hoặc phương án kỹ thuật gia cố, khôi phục công trình được phê duyệt, tổ chức triển khai ngay các nội dung để thực hiện bước 2.
Bước 2: Cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa công trình sau lụt, bão, sự cố, thiên tai để đảm bảo ổn định công trình lâu dài và chạy tàu theo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu trong khu gian.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.