Đề xuất 4 loại phương tiện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình

Bộ Công an đang đề xuất xe ô tô kinh doanh vận tải, ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Theo đánh giá, việc áp dụng thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tỉ lệ tai nạn giao thông và vi phạm tốc độ trên mỗi 1.000km. Cụ thể, tỉ lệ này đã giảm từ 11,5 lần/1.000km vào năm 2015 xuống còn 0,75 lần/1.000km vào năm 2022, tức là giảm 15 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thiết bị này đã bộc lộ một số hạn chế. Hiện tại, dữ liệu từ hệ thống chỉ được sử dụng để tra cứu, nhắc nhở và thống kê, mà chưa được khai thác để xử phạt vi phạm hành chính. Thêm vào đó, hệ thống còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, ví dụ như việc kiểm tra xe vi phạm vẫn phải thực hiện thủ công, chưa có khả năng tự động trích lọc phương tiện vi phạm.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, Bộ Công an đã đề xuất rõ ràng các loại phương tiện phải lắp đặt thiết bị GSHT và thiết bị ghi hình người lái, đồng thời nêu rõ những phương tiện không cần trang bị các thiết bị này.

Đề xuất 4 loại phương tiện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình

Đề xuất 4 loại phương tiện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình

Bổ sung thêm các phương tiện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Điều 25 của dự thảo quy định các loại phương tiện như xe ô tô kinh doanh vận tải, xe đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ giao thông sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thiết bị giám sát hành trình cần tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và phải đảm bảo hoạt động liên tục trong suốt thời gian phương tiện tham gia giao thông. Thiết bị này cũng phải đáp ứng ít nhất các yêu cầu như lưu trữ và truyền tải thông tin về hành trình, tốc độ, và thời gian lái xe liên tục.

Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên các loại phương tiện trên sẽ phục vụ cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông đường bộ, xử lý các vi phạm pháp luật và quản lý nhà nước về vận tải đường bộ. Dữ liệu này sẽ được kết nối và chia sẻ với Bộ Giao thông Vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam) cũng như các cơ quan liên quan khác.

Theo quy định hiện hành, các loại xe bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình bao gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển.

Ngoài ra, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái xe), xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container và xe đầu kéo cũng phải được trang bị camera để ghi và lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình tham gia giao thông, bao gồm cả hình ảnh của lái xe và khu vực cửa lên xuống của xe.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Nghị định số 10/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014) của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, dự thảo Nghị định mới này đã mở rộng phạm vi các đối tượng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Ô tô dưới 9 chỗ không cần lắp thiết bị giám sát lái xe

Dự thảo Nghị định quy định xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, cứu hộ giao thông phải lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh của người lái xe.

Như vậy, ô tô chở người dưới 9 chỗ (bao gồm chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ...), ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (trừ ô tô đầu kéo) không bắt buộc phải lắp thiết bị này.

Đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp đặt cần đảm bảo yêu cầu ghi, lưu trữ hình ảnh người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Ngoài ra, hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền 12-20 lần/giờ (tương đương 3-5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất.

Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.

Thiết bị ghi nhận hình ảnh phải được duy trì hoạt động để đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh liên tục, không làm gián đoạn theo quy định và phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, đảm bảo hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, quản lý xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, cứu hộ giao thông, dự thảo Nghị định quy định phải cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Giao thông Vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam) để phục vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông đường bộ và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phải tuân thủ quy định về an toàn thông tin đối với các thông tin dữ liệu ghi nhận từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh của người lái xe theo quy định pháp luật.

Dữ liệu vi phạm sẽ được lưu trữ 1 năm

Dự thảo cũng quy định, Cục Cảnh sát giao thông sẽ lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 1 năm.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động cứu thương, đơn vị cứu hộ giao thông thực hiện duy trì hoạt động thiết bị GSHT lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông để đảm bảo cung cấp được các thông tin theo quy định.

Đặc biệt, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị GSHT lắp đặt trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông.

Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị GSHT của xe và đăng xuất khi kết thúc lái xe để làm cơ sở xác định thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày.

Nhật Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-4-loai-phuong-tien-bat-buoc-lap-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-312723.html