Đề xuất 6 chính sách lớn cần sửa đổi trong Luật Giao thông đường bộ

Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008), do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo, vừa họp thẩm định đề nghị này.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh các kết quả tích cực, quá trình triển khai thi hành Luật GTĐB đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế.

Tờ trình của Bộ GTVT cho hay, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực, trong khi theo yêu cầu là từ 16 - 26%.

Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.

Hội đồng thẩm định họp về đề xuất sửa đổi Luật GTĐB. Ảnh: P.Thảo

Hội đồng thẩm định họp về đề xuất sửa đổi Luật GTĐB. Ảnh: P.Thảo

Nhiều vị trí hành lang an toàn đường bộ chưa được đền bù; nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm để thực hiện đền bù, thu hồi đất trong hành lang còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Tình trạng người dân sử dụng trái phép hành lang mở lều quán kinh doanh thường xảy ra cần có sự vào cuộc để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế của các lực lượng chức năng.

Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo trì chưa đủ so với nhu cầu (đối với hệ thống QL đáp ứng được khoảng 45% yêu cầu). Nguồn kinh phí bảo trì đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường nông thôn gặp nhiều khó khăn. Vốn dành cho quản lý bảo trì thấp là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác bảo trì đường bộ. Quy định về Quỹ bảo trì đường bộ chưa hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Phí và lệ phí hiện nay. Các hoạt động của công tác bảo trì đường bộ chưa bao quát được các yêu cầu về bảo trì công trình theo quy định của Luật Xây dựng.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay mới được Luật GTĐB điều tiết ở các quy định cơ bản nhất. Còn các vấn đề liên quan đến đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật, dẫn đến việc đầu tư vào đường cao tốc rất khó để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Về vận tải đường bộ, việc phân loại 7 loại hình kinh doanh vận tải trong Luật GTĐB hiện nay chưa phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, chưa phân định rõ ràng gây ra khó khăn trong công tác quản lý cũng như gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau…

Công tác tuần tra, kiểm soát chưa bao quát hết địa bàn được giao và thời gian trong ngày, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế. Vì vậy, các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe, đi không đúng làn đường, phần đường, đi vào đường cao tốc, chở quá khổ quá tải, xâm phạm công trình giao thông, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè… còn diễn ra phổ biến, phức tạp.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng, xây dựng Luật GTĐB thay thế cho Luật GTĐB năm 2008 là hết sức cần thiết. Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất 6 chính sách nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập.

Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các quy định về quy tắc GTĐB; điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, đầu tư, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB; bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đối với xe mô tô; xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải; điều chỉnh hạng giấy phép lái xe và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều kiện của người lái xe; phân định lại các loại hình kinh doanh vận tải theo đó điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Thành Công, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng, hiện đang có rất nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật năm 2008, gây khó hiểu, khó nhớ, khó thực hiện cho cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, dẫn đến vi phạm, tai nạn, khiếu nại, chống đối lực lượng thực thi công vụ.

Hiện, hàng năm có trên 70% khiếu nại của công dân về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lực lượng CA liên quan đến xử phạt quy tắc giao thông, hệ thống biển báo hiệu. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải đường bộ chiếm 90% các hoạt động vận tải, trên tuyến đường bộ không chỉ có hoạt động giao thông thông thường mà còn có các hoạt động khác. Vì vậy, ông Công cho rằng, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh, việc giải quyết các vấn đề nổi cộm này thì sẽ rất khó khăn.

Đáng bàn, theo ông Công, Luật hiện hành chưa quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý người, phương tiện tham gia giao thông. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quản lý đội ngũ lái xe bị buông lỏng, kỷ cương pháp luật bị coi nhẹ, vi phạm pháp luật giao thông diễn ra phổ biến…

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển cho rằng, cần tập trung thành 4 chính sách gồm: Quy tắc GTĐB; quản lý các phương tiện giao thông; cơ sở kết cấu hạ tầng; quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhất trí cho rằng: Việc sửa đổi Luật GTĐB nên tập trung vào 4 chính sách lớn. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo phải có chính sách về phát triển phương tiện giao thông công cộng, trong đó, phải làm rõ chính sách khuyến khích giao thông công cộng, không khuyến khích phương tiện cá nhân…

Theo Bộ GTVT, tính đến hết tháng 3-2019 cả nước hiện có 702.370 ô tô kinh doanh vận tải xe ô tô các loại (chủ yếu là phương tiện vận tải hàng hóa mới được cấp phù hiệu theo lộ trình của Nghị định 86/2014/NĐ-CP và xe hợp đồng tham gia vào Uber và Grab). Trong đó, có 263.927 xe khách (trong đó: xe tuyến cố định là 19.945 xe, xe hợp đồng là 154.375 xe, xe du lịch là 2.118 xe, xe taxi là 77.967 xe và xe buýt là 9.522 xe) và 438.443 xe tải các loại (trong đó: xe công ten nơ là 53.636 xe, xe đầu kéo là 10.940 xe, xe tải 373.867 xe).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-6-chinh-sach-lon-can-sua-doi-trong-luat-giao-thong-duong-bo-157310.html