Đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để ĐBSCL 'cất cánh'

Ngày 27-9, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Hội nghị nhằm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để ĐBSCL 'cất cánh'.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị

Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù

Tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ công bố quyết định số 974/QĐ-TTg, ngày 19-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL (gọi tắt là Hội đồng điều phối vùng) do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch Hội đồng.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, quan điểm xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển vùng ĐBSCL. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng ĐBSCL nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh và tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển của vùng để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.

Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đủ mạnh, hiệu quả và khả thi. Trong đó, các chính sách đặc thù nhằm phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; chính sách về phát triển nông nghiệp, thủy sản của vùng... Các chính sách nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; nhóm cơ chế chính sách về khoa học – công nghệ; chính sách đặc thù và giải pháp đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL đã thảo luận, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng; đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, giúp ĐBSCL nhanh và bền vững.

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh"

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để đồng bằng sông Cửu Long "cất cánh"

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất: Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM khá toàn diện, có nhiều vấn đề mới. Quá trình triển khai, thực hiện tại TPHCM nếu có lĩnh vực nào đạt hiệu quả, đề xuất Hội đồng điều phối vùng nghiên cứu, thí điểm thực hiện tại ĐBSCL. Vấn đề này rất sát sườn, sẽ tháo gỡ được một số vấn đề tại ĐBSCL về đất đai, đầu tư, quản lý các dự án, thu ngân sách.

Vấn đề bức xúc của ĐBSCL đã được Thủ tướng và Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thực hiện là nguồn cát phục vụ cho các công trình trọng điểm. Đề xuất, Hội đồng điều phối vùng quan tâm đến các công trình trọng điểm được xác định trong các nghị quyết Trung ương là công trình trọng điểm quốc gia. Qua đó, phân bổ, điều tiết nguồn cát san lấp phục vụ các công trình này.

Việc thí điểm cát biển san lấp các công trình giao thông trọng điểm cần làm sớm, hạn chế khai thác cát sông ảnh hưởng đến sụt lún, sạt lở ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chụp ảnh cùng các đại biểu dự hội nghị

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chụp ảnh cùng các đại biểu dự hội nghị

ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, đề cao tính hiệu quả, Hội nghị đã đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời yêu cầu Bộ KH-ĐT tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện kế hoạch điều phối và cụ thể hóa kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm 2023, xác định các nhiệm vụ để triển khai hoạt động điều phối vùng và nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong việc xây dựng và phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông MeKong. Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Tuy nhiên, vùng vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, cũng như đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế. Quy mô kinh tế nhỏ chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và TPHCM. Công nghiệp chế biến chưa phát triển. Nông nghiệp chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị, các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ để tập trung cho xuất khẩu.

Để Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL hoạt động hiệu quả, thực chất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các thành viên Hội đồng, lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng để đề ra kế hoạch hành động, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan điều phối, liên kết vùng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Bộ KH-ĐT cân nhắc lựa chọn đề xuất nội dung cơ chế chính sách gì là đặc thù cho đích đáng, trọng tâm, trọng điểm và phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trong vùng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công, hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, báo cáo kết quả theo quy định. “Với sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các bộ, ngành, các địa phương trong vùng sự góp sức chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các đối tác liên quan, Hội đồng điều phối vùng sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững và toàn diện”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu thông tin về Thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và ĐBSCL

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu thông tin về Thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và ĐBSCL

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu, thời gian qua, lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2023-2025 với 7 nội dung chính, gồm: Giao thông; kết nối cung cầu, chuỗi sản phẩm; quy hoạch; y tế; kết nối dữ liệu chung; thu hút đầu tư và du lịch.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, ông Ngô Minh Châu thông tin: TPHCM sẽ tập trung triển khai các hoạt động cụ thể với các sản phẩm, dự án và thời gian được xác định rõ ràng tại kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác được ký kết. Đồng thời, tổ chức sơ kết Kế hoạch hợp tác hàng năm.

Triển khai hiệu quả các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội, tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng. Phối hợp Bộ GTVT đề xuất chính phủ dành nguồn lực tương xứng để đầu tư các tuyến đường vành đai, dự án cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng đường quốc lộ… nhằm mở hướng thuận lợi cho liên kết công nghiệp, thương mại, xuất khẩu và thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Hoàn thiện đưa vào vận hành khung nền tảng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành ĐBSCL để kịp thời thông tin, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến chương trình hợp tác và phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin về đầu tư và kêu gọi đầu tư cùng phát triển.

TẤN THÁI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-8-co-che-chinh-sach-dac-thu-de-dbscl-cat-canh-post707326.html