Đề xuất áp giá trần khí đốt của EU có khả thi?
Sau nhiều tháng thảo luận căng thẳng, mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất áp giá trần khí đốt trên sàn giao dịch ở mức tối đa là 275 euro mỗi MWh. EU tin rằng, đây là giải pháp mạnh để ngăn chặn giá khí đốt tăng cao, cũng như kiểm soát nhu cầu hướng tới bảo đảm cung cấp khí đốt cho châu Âu vào mùa đông.
Mức giá trần gây nhiều tranh cãi
Theo đề xuất mới đây, EU sẽ áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh. Mặc dù trong thông báo, bà Kadri Simson - Ủy viên phụ trách năng lượng của Ủy ban châu Âu, không công bố công thức tính toán cụ thể để đưa ra mức giá này nhưng các chuyên gia năng lượng cho rằng việc tính mức giá trần này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đợt tăng giá cao chưa từng thấy hồi cuối tháng 8.2022 khi giá khí đốt giao dịch trên sàn TTF của Hà Lan lên gần 350 euro mỗi MWh. Hiện tại, mức giá này đang dao động quanh mức 125 euro/MWh, do đó, có thể thấy mức giá trần 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu đề xuất là mức giá nằm giữa mức giá kỷ lục cuối tháng 08 vừa qua và mức giá hiện nay.
Ngoài ra, việc áp mức giá 275 euro/MWh cũng dựa trên rất nhiều nghiên cứu dự báo của các tổ chức tài chính và năng lượng lớn. Trong một báo cáo mới công bố đầu tháng 11.2022, Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá khí đốt châu Âu đầu năm 2023 có thể sẽ giảm xuống mức khoảng 80 euro/MWh nhưng đến mùa hè 2023 có thể sẽ tăng lên 250 euro/MWh, thậm chí là cao hơn khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trở lại khiến nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc cũng tăng theo. Đến năm 2023, châu Âu sẽ mất gần như toàn bộ nguồn cung từ Nga nên việc lấp đầy các kho dự trữ sẽ khó khăn hơn, làm cho việc cạnh tranh khí đốt trên thị trường thế giới càng trở nên căng thẳng hơn và giá cả tăng cao là điều không thể tránh khỏi.
Nhìn chung, mức giá trần 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu đề xuất được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố phức tạp và điều kiện áp dụng mức giá trần này cũng không đơn giản nên một số chuyên gia kinh tế thậm chí còn nhận định, nhiều khả năng mức giá trần này có thể sẽ không bao giờ được áp dụng trên thực tế. Nói về sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra luật áp đặt một loại công cụ ngắt mạch đối với các công cụ phái sinh TTF trong tháng tới. Công cụ này được gọi là cơ chế điều tiết thị trường, về lý thuyết sẽ giới hạn giá khí đốt trên sàn giao dịch ở mức tối đa 275e mỗi MWh đồng thời giảm biến động trong ngày phát sinh từ áp lực bên ngoài. Giá trần sẽ tự động kích hoạt nếu xảy ra hai trường hợp là giá thanh toán phái sinh TTF tháng trước vượt quá 275 euro trong hai tuần liên tục, và giá TTF cao hơn 58 euro so với giá tham chiếu LNG trong mười ngày giao dịch liên tiếp trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.
Tại thời điểm này, Cơ quan Hợp tác các Cơ quan Quản lý Năng lượng (ACER) sẽ công bố thông báo điều chỉnh thị trường, EC, Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cơ chế điều chỉnh giá sẽ có hiệu lực vào ngày hôm sau và các ưu đãi trên giá giới hạn 275 euro sẽ không còn được chấp nhận. Các đề xuất nếu được thông qua, EU sẽ áp mức giá trần khí đốt này vào tháng 1.2023.
Khó tìm tiếng nói chung
Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, đưa ra mức trần đối với khí đốt là một trong những biện pháp gây tranh cãi ở châu Âu đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng như hiện nay. Mặc dù vào cuối tháng 10, lãnh đạo 27 nước thành viên EU ủng hộ ý tưởng giá trần sau nhiều tháng thảo luận, song, một số quốc gia đang yêu cầu các biện pháp bảo vệ cụ thể trước khi bật đèn xanh cho đề xuất này, trong khi những quốc gia khác cho rằng đây là mức trần quá cao.
Theo CNBC, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas cho rằng, giới hạn giá ở mức mà EC đang đề xuất trên thực tế không phải là giá trần. 275 euro/MWh không phải là giá trần bởi không ai có thể chịu được việc mua khí đốt ở mức giá đắt đỏ này trong một thời gian dài. Ông nghĩ rằng, giá trần từ mức 150 đến dưới 200 euro/MWh sẽ thực tế hơn. Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp cho biết, mức giá đề xuất này của EU là chưa đủ và không đáp ứng được thực tế trên thị trường, và EC phải đề xuất một mức giá có thể áp dụng được chứ không phải mức giá mang lại tác động tiêu cực hoặc không có tác động nào cả.
Hà Lan và Đức là những nước e ngại nhất việc áp giá trần khí đốt, đồng thời tỏ ra hoài nghi về lợi ích của biện pháp này và hiện vẫn chưa thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối mức giá 275 euro/MWh mà EC đề xuất. Trong khi đó, nhóm các sàn giao dịch năng lượng ở châu Âu Europex cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cơ chế điều tiết thị trường, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính, cũng như an ninh nguồn cung. Trước những ý kiến trên, bà Kadri Simson cho biết, cơ chế điều tiết thị trường là cân bằng và nó sẽ giúp EU tránh được tình trạng giá quá cao, bảo đảm rủi ro tối thiểu đối với nguồn cung. Bà cũng thừa nhận rằng, việc kích hoạt cơ chế áp giá trần năng lượng chỉ là giải pháp cuối cùng và đây cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Cơ chế này cũng có thể bị tạm ngưng bất kỳ thời điểm nào nếu không đáp ứng đủ 2 điều kiện kích hoạt hoặc nếu như EC nhận thấy có nguy cơ đe dọa đến nguồn cung khí đốt, nỗ lực cắt giảm tiêu thụ khí đốt hay đến việc luân chuyển khí đốt trong nội bộ EU.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp, các nước thảo luận về cả hai biện pháp, thứ nhất là mua chung khí đốt, như cách mà EC đã tiến hành khi mua chung vaccine ngừa Covid-19. Nếu mua chung thì sẽ tránh được tình trạng cạnh tranh mua giữa các nước châu Âu, mà lại tận dụng được sức mạnh của khối lượng lớn để có giá mua tốt hơn. Thứ hai là đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho điện gió và điện mặt trời. Hai biện pháp này nhận được đồng thuận. Tuy nhiên, do chưa thỏa thuận được về giá trần khí đốt, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu muốn họp thêm một kỳ nữa sát trước Thượng đỉnh châu Âu giữa tháng 12 tới đây để có thể trình lên lãnh đạo châu Âu một gói giải pháp lâu dài liên quan tới kiềm chế giá khí đốt. Trong khi áp trần giá khí đốt chưa tạo được đồng thuận, thì áp trần giá dầu đối với dầu nhập khẩu từ Nga lại được các nước châu Âu ủng hộ. Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đề xuất mức áp trần giá dầu Nga trong khoảng từ 65 - 70 USD/thùng, một số nước Đông Âu bày tỏ nên hạ thấp mức trần hơn nữa, vì chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng.