Đề xuất áp thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), trong đó đề xuất áp dụng thuế suất 20% trên phần lãi từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán đối với cá nhân cư trú.
Đây được xem là bước điều chỉnh lớn so với phương pháp thu thuế hiện hành, nhằm tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế và khắc phục những bất cập về thu thuế kể cả khi nhà đầu tư bị lỗ.
Theo dự thảo, thu nhập tính thuế sẽ là phần chênh lệch dương giữa giá bán, trừ đi giá mua và các chi phí hợp lý phát sinh trong năm. Thuế sẽ được tính theo năm, và cuối kỳ người nộp thuế sẽ thực hiện quyết toán. Trường hợp không xác định được giá vốn và chi phí liên quan, cơ quan thuế sẽ áp mức thuế suất 0,1% trên giá trị bán chứng khoán, tính theo từng lần giao dịch, tương tự như quy định hiện hành.

Với hoạt động chuyển nhượng vốn không qua sàn, dự thảo cũng đề xuất áp mức thuế 20% trên phần thu nhập tính theo từng lần. Nếu không xác định được giá vốn, người chuyển nhượng sẽ nộp thuế theo tỷ lệ 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng.
Hiện nay, theo quy định tại Luật số 71/2014, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân cố định 0,1% trên giá trị mỗi giao dịch, không phân biệt có lãi hay lỗ. Cách tính này đơn giản, thuận tiện cho việc thu thuế nhưng bị cho là chưa công bằng, đặc biệt với các nhà đầu tư thua lỗ. Trước đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân 04/2007 từng cho phép tính thuế theo thu nhập ròng, nhưng phức tạp trong thực hiện và khó xác minh chi phí.
Việc đề xuất quay lại tính thuế theo thu nhập ròng được đánh giá là phù hợp hơn với nguyên tắc thuế công bằng, và cũng là xu hướng mà nhiều quốc gia áp dụng. Cơ quan soạn thảo cho biết hầu hết các nước đều đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán, nhưng với cách thức rất khác nhau. Chẳng hạn, Nhật Bản đánh thuế 20,3% trên thu nhập ròng từ chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu; Trung Quốc áp thuế 20% với giao dịch chứng khoán không niêm yết; Indonesia và Philippines thì vẫn đánh theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị giao dịch (0,1% và 0,6% tương ứng).
Bộ Tài chính cho biết đề xuất này nhằm phản ánh đúng bản chất thu nhập của nhà đầu tư, đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ thuế, đồng thời phù hợp với thực tiễn quản lý và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang phương pháp tính thuế mới sẽ đặt ra nhiều thách thức trong xác định chi phí, giám sát thu nhập và hướng dẫn quyết toán thuế cá nhân, đòi hỏi phải có cơ chế quản lý hiệu quả, minh bạch và khả thi.